Để hạn chế thiếu hụt vitamin A ở trẻ thì ngay từ khi mang thai và ngay sau khi sinh bà mẹ cần nghỉ ngơi hợp lý và ăn đủ chất, chú ý thức ăn giàu vitamin A, đạm, dầu mỡ. Sữa mẹ luôn là nguồn cung cấp vitamin A dồi dào cho trẻ, vì thế trẻ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài đến 24 tháng.
Khi trẻ được 6 tháng, trẻ cần được ăn dặm thêm với đầy đủ 4 nhóm thực phẩm và vitamin. Vitamin A có trong: thịt, cá, trứng, gan, sữa, rau xanh đậm, củ quả vàng cam đậm (rau dền, mồng tơi, rau ngót, rau đay, cải thìa, cải xanh, bong cải xanh, đậu que xanh, cà rốt, bí đỏ, cà chua, gấc, đu đủ chín, xoài chín…). Vitamin A tan trong chất béo, nên trong bữa ăn ăn đủ dầu, mỡ để hấp thu tốt vitamin A, cho thêm 1 thìa dầu (hoặc mỡ) vào bát bột (cháo). Bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6-36 tháng tuổi theo chiến dịch uống vitamin A đầy đủ. Bổ sung thường xuyên không theo chiến dịch và chỉ uống 1 lần/6 tháng cho các đối tượng sau: Trẻ dưới 6 tháng không được bú sữa mẹ;Trẻ 3-5 tuổi có nguy cơ thiếu vitamin A (trẻ có dấu hiệu khô mắt, suy dinh dưỡng, bị bệnh sởi, viêm hô hấp tái đi tái lại, tiêu chảy kéo dài…); Bà mẹ trong vòng 1 tháng sau sinh.
Bác sĩ Yến Phi
Vitamin A cần thiết cho sự bảo vệ toàn vẹn của biểu mô giác mạc mắt và các tổ chức biểu mô dưới da, khí quản, tuyến nước bọt, niêm mạc đường hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu... Khi thiếu vitamin A, da sẽ bị khô và dễ nhiễm trùng do hệ thống niêm mạc biểu mô bị tổn thương và giảm sức đề kháng đối với sự xâm nhập của vi khuẩn.Vitamin A còn giúp tăng cường khả năng miễn dịch bằng cách tạo bạch cầu chống lại vi trùng và vi rút gây bệnh. Vì thế, thiếu vitamin A sẽ làm tăng nguy cơ đối với các bệnh nhiễm khuẩn và bệnh thường tiến triển nặng hơn