Làm thế nào để biết cơ thể đang bị thiếu sắt?
Nhiều người cho rằng hiện tượng móng tay, móng chân bị mỏng, giòn, dễ gãy, dễ bong là dấu hiệu của thiếu canxi, tuy nhiên hiện tượng này lại thường là dấu hiệu của thiếu sắt. Vì vậy, để chẩn đoán xác định thiếu sắt hay thiếu canxi, cần đi khám bác sĩ, làm xét nghiệm máu xem thiếu chất gì. Ngoài ra, cũng nên đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để loại trừ bệnh nấm móng khi có biểu hiện móng tay, móng chân giòn, dễ gãy...
Khi bị thiếu sắt, ngoài dấu hiệu móng tay mỏng, giòn dễ gãy, người bệnh còn có các triệu chứng của thiếu máu như: Da xanh, niêm mạc nhợt, mệt mỏi, tóc khô, cứng, dễ bị rụng, tim đập nhanh, hay hoa mắt, chóng mặt... Để chẩn đoán xác định, người bệnh cần đi khám bác sĩ làm xét nghiệm máu: Làm tổng phân tích tế bào máu, định lượng sắt huyết thanh và feritin, có thể định lượng luôn canxi và kẽm để xác định cơ thể thiếu chất gì.
Khi có kết quả xét nghiệm nếu đúng là thiếu sắt thì cần phải bổ sung các chế phẩm sắt thông qua việc uống sắt dạng viên nén hay dung dịch lỏng theo chỉ định của bác sĩ.
Bổ sung sắt theo chỉ định của bác sĩ.
Những điều cần lưu ý khi dùng sắt
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm chứa sắt. Tùy theo tình trạng thiếu sắt và cơ thể người bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất. Không nên tự ý mua dùng, tránh tình trạng dùng không đúng sản phẩm, dùng thừa... sẽ gây hại.
Để sắt hấp thu được tốt nhất, khi uống viên sắt hoặc ăn các thực phẩm giàu sắt, nên ăn các thực phẩm giàu vitamin C để giúp tăng cường hấp thu sắt như: Bưởi, cam, quýt, chuối, xoài... vì vitamin C giúp tăng khả năng hấp thụ sắt cho cơ thể.
Không nên uống trà, cà phê ngay sau ăn các thực phẩm nhiều sắt vì làm hạn chế quá trình hấp thu sắt.
Một số thực phẩm giàu sắt nên bổ sung hàng ngày.
Các chế phẩm sắt dạng viên hay dung dịch lỏng nên được uống vào lúc đói hoặc uống trong bữa ăn với những người bị đau dạ dày.
Không dùng sắt cùng các chế phẩm chứa canxi hoặc thức ăn giàu canxi vì việc bổ sung đồng thời cả canxi và sắt sẽ làm cản trở hấp thu của cả hai thuốc này và bị đào thải ra ngoài.
Khi uống sắt có thể đi ngoài ra phân có màu đen hoặc bị táo bón, đây là tác dụng phụ của thuốc không nguy hiểm nên không cần phải lo lắng nếu gặp phải. Tuy nhiên, nếu tình trạng táo bón kéo dài, nên ngưng sử dụng thuốc và xin tư vấn của bác sĩ điều trị để có biện pháp khắc phục phù hợp.
Ngoài việc uống sản phẩm bổ sung, nên có chế độ ăn uống hợp lý, cân bằng các thực phẩm hàng ngày để cung cấp đủ lượng sắt cho cơ thể. Nên ăn các loại thực phẩm có nhiều sắt như: Các loại hạt, ngũ cốc, đậu phụ, lòng đỏ trứng, các loại thịt màu đỏ, các loại rau màu xanh đậm... Tăng hấp thu sắt bằng ăn uống các loại quả giàu vitamin C như cam, chanh, dứa, nho, ổi, đu đủ... khi ăn thức ăn nhiều sắt.