1. Vai trò của glucosamine trong phòng ngừa thoái hóa khớp
PGS.TS.BS. Nguyễn Vĩnh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Thấp khớp học Hà Nội cho biết, glucosamine là một hợp chất hóa học tự nhiên trong cơ thể, là thành phần cấu tạo nên sụn khớp.
Hơn nữa, glucosamine cũng giúp sản xuất ra các cấu trúc của khớp như dây chằng, gân, sụn và hoạt dịch của khớp.
Chính vì vậy, bổ sung glucosamine đúng cách có thể góp phần ổn định sụn khớp và dịch khớp, giúp cho khớp khỏe mạnh hơn và cải thiện khả năng vận động của khớp.
Glucosamine trong thực phẩm bổ sung thường được chiết xuất từ động vật có vỏ, bổ sung có sẵn ở hai dạng là glucosamine sulfate và glucosamine hydrochloride.
Bổ sung glucosamine đúng cách có thể giúp cho khớp khỏe mạnh hơn.
2. Tác dụng phụ của glucosamine
Hầu hết các thực phẩm bổ sung glucosamine đều khá an toàn. Tuy nhiên, có thể gặp phải một số phản ứng bất lợi bao gồm buồn nôn, nôn, tiêu chảy, ợ nóng, đau bụng… khi dùng glucosamine.
Bên cạnh đó, glucosamine có thể làm tăng lượng đường trong máu, do đó những người mắc bệnh đái tháo đường nên thận trọng khi bổ sung thành phần này.
Những người dùng thuốc làm loãng máu (thuốc chống đông máu) nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng glucosamine và chondroitin, vì những chất bổ sung này cũng có tác dụng làm loãng máu. Do đó, người dùng các chất bổ sung này, có thể cần xét nghiệm máu thường xuyên hơn.
Ngoài ra, người bị dị ứng với động vật có vỏ cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng glucosamine, bởi glucosamine được chiết xuất từ một chất trong động vật có vỏ.
Glucosamine không được khuyến cáo cho trẻ em, phụ nữ đang mang thai, phụ nữ đang cho con bú và phụ nữ có thể mang thai.
Nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ để lựa chọn loại glucosamine phù hợp.
3. Lưu ý khi sử dụng glucosamine
PGS.TS.BS. Nguyễn Vĩnh Ngọc nhấn mạnh, sử dụng glucosamine với liều lượng không chính xác hoặc thời gian dùng không dài sẽ không mang đến tác dụng. Vì vậy, PGS.TS.BS. Nguyễn Vĩnh Ngọc khuyến cáo, nên sử dụng theo đợt kéo dài 6 tháng, sau đó dừng 1-2 tháng rồi bổ sung đợt tiếp theo. Sau mỗi đợt bổ sung, nên kiểm tra sức khỏe nhằm đánh giá tình trạng định kỳ. Tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ cơ xương khớp để chọn cho mình loại glucosamine phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Chất bổ sung này không có tác dụng thay thế các loại thuốc điều trị bệnh xương khớp khác nếu có.
Bổ sung glucosamine có thể xảy ra tương tác với các loại thuốc khác bạn đang sử dụng, ví dụ như thuốc trợ tim, thuốc làm loãng máu và thuốc điều trị đái tháo đường. Do đó, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Glucosamin có thể làm tăng hấp thu kháng sinh tetracyclin ở dạ dày - ruột, có thể làm giảm hiệu quả của các thuốc hạ sốt giảm đau paracetamol, thuốc điều trị tăng lipid máu nhóm statin... nên tránh dùng glucosamin cùng lúc với các loại thuốc này.
Dùng glucosamine kết hợp với chất bổ sung chondroitin có thể làm tăng tác dụng của thuốc chống đông máu warfarin. Điều này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Cảnh báo 6 dấu hiệu gan của bạn đang ‘cầu cứu’