Hà Nội

Cách bày mâm cúng Táo Quân ngày 23 tháng Chạp

08-02-2015 11:04 | Tin nóng y tế
google news

Tục lệ cổ truyền của người Việt hàng năm, cứ đến ngày (23 tháng Chạp) âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo việc của năm cũ. Cho đến đêm Giao thừa ngài mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của gia đình.

Thông thường, mâm cỗ cúng Táo Quân khá cầy kỳ, bao giờ cũng có các món ăn và tiền vàng mã. Mâm cỗ cúng Táo quân trong truyền thống bao gồm rất nhiều món như: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, 5 lạng thịt vai luộc, 1 bát canh mọc, 1 đĩa xào thập cẩm, 1 đĩa giò, 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa chè kho, 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, 1 quả bưởi, 1 quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa đào nhỏ, 1 lọ hoa cúc, 1 tập giấy tiền, vàng mã. Trong đó, không thể thiếu món cá chép (sống hoặc rán), vì theo quan niệm, cá chép chính là phương tiện để ông Táo lên trời.

Ngày nay, các bà nội trợ thường không có thời gian để chuẩn bị đầy đủ các món ăn trên. Việc cúng ông Táo sẽ “tùy gia phong kiệm” tùy gia (tùy thuộc vào mỗi đình);  phong kiệm (có nhiều cúng nhiều, có ít cúng ít). 

Cho dù mâm cơm cúng ông Táo nhiều hay ít nhưng vẫn giữ nét truyền thống; gia đình sum họp.

Bà Nguyễn Thị Hà, trú tại 31 Hàm Long cho biết, gia đình bà có hai con, một trai một gái. Mặc dù các con đã lập gia đình nhưng cứ đến ngày cúng ông Táo, các con cháu lại tranh thủ sum vầy, cùng nhau ăn bữa cơm cúng ông Táo.

“Đây là phong tục ngày xưa các cụ để lại để nói rằng cả một năm trời các cụ chứng  giám cho mình làm ăn. Đến ngày đó, tạ ơn các thần và báo cáo năm vừa rồi, thu được thành quả gì  rồi xin năm sau gia đình, con cái thành đạt, làm ăn tấn tới”-  bà Hà cho biết.

Là người bận rộn với việc bán hàng ăn, bà  Nghiêm Thúy Quỳnh, 54 Trần Xuân Soạn thường chuẩn bị cho cúng ông Táo từ sớm.

Bà Quỳnh chia sẻ, tôi thường mua các lễ vật từ trước đó. Vào ngày 23 tháng Chạp, tôi dậy từ 6h sáng, chuẩn bị làm cơm. Mâm cúng ông Táo được cúng mặn cùng với trái cây nhưng không thể thiếu cá chép sống.

Cách bày mâm cúng Táo Quân ngày 23 tháng Chạp
Cho dù mâm cơm cúng ông Táo nhiều hay ít nhưng vẫn giữ nét truyền thống... 

Việc cúng ông Táo được thực hiện trước 12 giờ trưa, sau đó thả cá chép ở nơi sông, hồ sạch sẽ, để ông Táo cưỡi cá chép về chầu trời.

Bà Trần Thị Thoa, phố Bà Triệu, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, dù năm nay đã gần 70 tuổi nhưng bà vẫn nhớ như in không khí của ngày Tết ông Táo cũng như ngày Tết cổ truyền. 

Bà Thoa chia sẻ, cúng ông Táo quan trọng không kém mâm cơm cúng đêm giao thừa. Đó là ngày để hóa vàng tiễn ông Táo về trời. Vì vậy, cần sắm đầy đủ mọi thứ và phải làm sớm.

“Những tục lệ cúng ông Táo, giỗ, chạp hay cúng giao thừa tôi thường được bố mẹ chỉ dạy từ khi lên 9, lên 10. Thế mà giờ mình cũng lên chức ông bà, tiếp tục bảo ban các con làm sao cúng lễ cho đúng phong tục ngày Tết”.

Ông Đào Ngọc Lợi, 12D phố Bảo Linh,  Phường Phúc Tân bán hoa quả cho khách sạn cho biết thêm, ngày Tết ông Táo là ngày gợi lại cho mỗi người Việt nhớ về cội nguồn.

“Với tôi, đây là ngày quan trọng với người sống và cả người đã mất, vừa mang tính cổ truyền vừa tưởng nhớ đến cha ông mình đã sinh ra mình, nuôi dưỡng mình trưởng thành, lao động”.

Những dịp cận kề ngày Tết, gia đình được quây quần, đoàn tụ luôn là dịp đầm ấm để chia sẻ, động viên một năm cũ đi qua. Đồng thời, khiến mỗi người phấn chấn, vui vẻ trước một năm mới.

 

 

 


Ý kiến của bạn