Ô nhiễm không khí ở mức xấu
Mùa ô nhiễm không khí ở Hà Nội thường bắt đầu vào khoảng tháng 10 với chỉ số AQI ở mức xấu. Do vậy người dân cần biết cách để bảo vệ sức khỏe và hạn chế ra đường vào thời điểm chất lượng không khí xấu.
Hơn 1 tuần nay, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang diễn ra ở mức độ xấu với chỉ số AQI ở mức 154-177, chỉ số bụi mịn PM2.5 cũng ở mức cao gấp chục lần khuyến cáo.
Khi không khí bị ô nhiễm có thể gây ra ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân. Đây không phải lần đầu Hà Nội rơi vào tình trạng ô nhiễm không khí, tuy mỗi năm đều có mức độ khác nhau nhưng nhìn chung xu thế sẽ không giảm và người dân cần có biện pháp đề phòng.
Bảo vệ sức khỏe khi ô nhiễm không khí
Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội chủ yếu do bụi mịn PM2.5. Bụi mịn 2.5 là loại bụi có kích thước siêu nhỏ từ 2,3 micron trở xuống, nhỏ hơn sợi tóc người khoảng 30 lần. Bụi mịn sinh ra từ khói xe, khí đốt, khí thải công nghiệp và với kích thước siêu nhỏ nên việc ngăn cản bụi đi vào cơ thể là rất khó. Khi chúng ta hít thở, bụi mịn có thể đi sâu vào đường hô hấp, phế quản và cả phế nang – nằm ở vị trí sâu nhất của phổi.
Trong bụi mịn có chứa rất nhiều các loại vi khuẩn gây dị ứng ngoài da, bệnh lý về mắt. Ngoài ra bụi mịn còn có các thành phần kim loại, các hoạt chất gây ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng. Bụi mịn không chỉ gây ra những tổn thương ở phổi mà còn có thể gây rối loạn tim mạch, ung thư. Có những nghiên cứu đã chỉ ra rằng bụi mịn có nguy cơ gây ung thư cao hơn cả các loại đột biến gen. Khi con người tiếp xúc với bụi mịn trong thời gian dài có thể gây ra những bệnh lý về hô hấp, bệnh lý tai mũi họng. Một số đối tượng như người già, trẻ nhỏ, người có hệ miễn dịch kém… là những đối tượng dễ mắc bệnh. Các bệnh về đường hô hấp thường gặp trong khoảng thời gian ô nhiễm không khí là:
- Viêm đường hô hấp trên: viêm mũi họng, viêm xoang dị ứng, viêm amidan...
- Viêm phổi, viêm phế quản cấp
- Các đợt cấp ở những người bị COPD, hen…
Người dân cần theo dõi thường xuyên các thông tin về thời tiết để nắm được tình trạng ô nhiễm không khí. Trước hết cần thực hiện những biện pháp sau để phòng bệnh:
- Hạn chế đi ra đường vào giờ cao điểm hoặc thời điểm ô nhiễm không khí tăng cao. Nếu ra ngoài nên sử dụng các loại khẩu trang có tính năng lọc khuẩn như N95, N99. Lưu ý, các loại khẩu trang thông thường, khẩu trang vải không thể ngăn ngừa được bụi mịn.
- Trong nhà có thể sử dụng các loại máy lọc không khí, máy tạo độ ẩm
- Vệ sinh mắt, mũi thường xuyên bằng nước muối sinh lý, nước rửa mũi…
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường các loại rau xanh, thực phẩm giàu vitamin trong đó đặc biệt là vitamin C để tăng sức đề kháng.
Trong trường hợp người bệnh mắc các bệnh về đường hô hấp và có dấu hiệu trở nặng như: sốt cao, khó thở, ho kéo dài… cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, hạn chế các biến chứng nặng.
Xem thêm video được quan tâm:
Muốn phổi khỏe mạnh thực hiện những cách này mỗi ngày.