Viêm họng chủ yếu do virus gây ra, không cần dùng kháng sinh
Họng - cùng với tai, mũi là bộ phận chịu nhiều tác động từ thời tiết, đặc biệt là vào mùa đông xuân khí hậu ẩm ướt thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển. Trong khi đó, trẻ nhỏ lại là đối tượng nhạy cảm, trẻ ở độ tuổi đến trường thường xuyên tiếp xúc với nhiều người, trẻ hiếu động, nghịch ngợm… song lại chưa ý thức được vấn đề vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc cơ thể sạch sẽ. Điều này khiến trẻ rất dễ bị bệnh và gặp các biến chứng đáng tiếc, trong đó có vấn đề về họng.
Viêm họng là bệnh hay gặp và phổ biến ở mọi lứa tuổi, mọi nơi, mọi mùa. Trong thời tiết lạnh, bệnh viêm họng dễ mắc và gây biến chứng. Theo các chuyên gia, bệnh viêm họng có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu thường do virus gây ra (chiếm đến 60 - 80%). Do đó, điều trị bệnh này chủ yếu là chăm sóc đúng cách và điều trị triệu chứng, bệnh thường sẽ khỏi sau 3-7 ngày. Đa số trẻ bị viêm họng không cần dùng kháng sinh.
Viêm họng là bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ (ảnh minh hoạ)
Tuy nhiên, hiện nay nhiều cha mẹ mắc sai lầm khi chữa viêm họng cho con bằng kháng sinh, trong khi kháng sinh không có tác dụng với virus. Không những thế, việc dùng kháng sinh không đúng còn gây tác dụng không mong muốn như dị ứng, tiêu chảy. Lạm dụng kháng sinh còn làm tăng các vi khuẩn kháng thuốc, sau này trẻ phải dùng các loại kháng sinh đắt tiền hơn nhưng điều trị kém hiệu quả.
Cách bảo vệ họng cho trẻ mùa dịch bệnh
Các chuyên gia cho rằng, bệnh lý về họng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe trẻ, trẻ ăn uống kém, về lâu dài sẽ còi cọc, sức đề kháng suy giảm, khả năng chống đỡ với bệnh tật cũng kém đi. Điều này khiến cha mẹ “đứng ngồi không yên”. Chính vì vậy, việc bảo vệ họng sạch sẽ, tránh bội nhiễm nấm hoặc vi khuẩn khác là điều phụ huynh cần chú ý trong việc chăm sóc trẻ hàng ngày.
Giữ ấm cơ thể, vệ sinh mũi họng sạch sẽ để phòng bệnh cho trẻ (ảnh minh hoạ)
Cha mẹ nên chủ động thực hiện hoặc hướng dẫn con các biện pháp bảo vệ họng, nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh như: Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Nếu bật điều hoà để sưởi ấm cho trẻ thì cần duy trì nhiệt độ thích hợp từ 27-28 độ C, không để quá nóng. Phụ huynh có thể kết hợp bật quạt thông gió để lưu thông không khí.
Tránh cho trẻ tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp như sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm...
Đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín, ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Tránh ăn đồ lạnh, uống nước lạnh trong mùa đông dễ ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ của họng. Nên ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên vệ sinh mũi, họng hàng ngày. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh trong gia đình. Rèn luyện cho trẻ thói quen tự giác đánh răng, rửa mặt, vệ sinh họng bằng chất sát khuẩn (súc họng hoặc xịt họng) thường xuyên sẽ là phương pháp hữu hiệu ngăn ngừa vi khuẩn có thể tấn công trẻ. Cha mẹ có thể vệ sinh họng cho con bằng các chất sát khuẩn (súc họng hay xịt họng) hàng ngày để giữ họng luôn sạch sẽ và ngăn ngừa bệnh tật tấn công.
Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh về họng cần cho trẻ đi khám để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời sẽ giúp trẻ nhanh bình phục hơn. Điều trị thường kết hợp với sát khuẩn vùng họng, súc họng hoặc xịt họng với dung dịch sát khuẩn có tác dụng sát khuẩn và giảm đau rát họng rất tốt.