Ánh nắng rất tốt cho sức khỏe, nhất là vào buổi sáng sớm, chúng giúp cơ thể tổng hợp vitamin D. Tuy nhiên, ở nước ta, khí hậu nhiệt đới, có 2 mùa rõ rệt: mùa nắng có nhiệt độ cao, nắng kéo dài 6 tháng, vì vậy, nếu phơi nắng quá nhiều, nhất là thời điểm trưa thì có nhiều tác hại như: nám da, tàn nhang, thậm chí bỏng da, ung thư da... Vậy chúng ta cần làm gì để tránh tác hại của ánh nắng mặt trời?
Nắng nóng có thể gây bỏng da, ung thư da
Ánh sáng mặt trời bao gồm các tia cực tím (UVA, UVB, UVC) và tia hồng ngoại..., trong đó, tia UVA và UVB đóng vai trò quan trọng trong việc gây tổn thương trên da. Tia UVB là tác nhân chủ yếu gây đỏ da, bỏng da, làm lão hóa da và sinh ung thư da. Tia này có cường độ cao trong khoảng thời gian từ 10 giờ đến 15 giờ hằng ngày. Còn tia UVA xuyên qua da sâu hơn tia UVB gây nên những thay đổi ở mô liên kết và dẫn đến các tổn thương không thể hồi phục, ngoài ra, tia này còn là nguyên nhân hình thành các gốc tự do làm hại tế bào.
Cần đội mũ rộng vành khi ra nắng.
Từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều là lúc tia cực tím (còn gọi là tia tử ngoại, tia UV) trong ánh nắng mạnh và có sức tàn phá ghê gớm nhất. Nhiều người đã biết điều này nhưng đa số lại không biết rằng ngay cả khi trời râm mát, nhiều mây bạn cũng không hề “an toàn” vì có tới 90% tia cực tím vẫn có thể xuyên qua các đám mây và gây hại cho da. Ánh nắng mặt trời chủ yếu là tia UVA và UVB gây những tác hại lên da như: bỏng nắng, sạm da, rối loạn sắc tố da, lão hóa da và nặng nhất là ung thư da. Do đó, nếu tiếp xúc lâu dài với ánh nắng mặt trời, làn da chúng ta sẽ có nguy cơ cao như:
Bỏng nắng: Bạn sẽ cảm thấy da ửng đỏ, đau rát, có khi còn phồng rộp khi bị bỏng nắng. Đây là những tổn thương chủ yếu do tia UVB trong ánh mặt trời gây nên. Đối với người có làn da sáng màu, nhạy cảm thì chỉ cần khoảng 15 phút ngoài nắng là da đã dễ đỏ như tôm luộc. Bỏng nắng tạm thời thậm chí có thể khiến bạn choáng, ngất hoặc gây đau đớn trong vòng 6 - 48 giờ đồng hồ. Tình trạng này trong nhiều trường hợp có thể để lại vùng da thâm sạm kém thẩm mỹ và lâu phục hồi.
Sạm da: Sau khi đi nắng, bỗng dưng bạn phát hiện làn da của mình sạm thâm, khô nám, thô ráp, có nhiều tế bào chết hoặc sừng hóa... thì đó là dấu hiệu của sự tích lũy bỏng nắng trong một khoảng thời gian dài. Thường thì những dấu hiệu này không xuất hiện ngay khi bạn đi nắng mà có sự tích lũy theo thời gian, đến một lúc nào đó thì biểu hiện ra ngoài.
Dấu hiệu tiền ung thư da do ánh sáng mặt trời: đó là bệnh dày sừng ánh sáng. Bệnh thường xuất hiện ở những người da màu sáng, đặc biệt có nhiều năm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Ở một số nước khí hậu nắng và nóng như Việt Nam, tỷ lệ bệnh dày sừng ánh sáng thường cao. Dày sừng ánh sáng thường xuất hiện ở vùng da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời như: vùng mặt, da đầu, mặt dưới cẳng tay, mu bàn tay. Lúc đầu, trên da có một hoặc nhiều dát màu hồng, sau đó chuyển sang màu nâu, dần dần bề mặt trở nên thô ráp, có ít vảy. Nếu tiếp tục tiếp xúc nhiều với ánh sáng, các đốm này sẽ dày lên và đậm màu. Bệnh dày sừng ánh sáng có thể tiến triển theo 3 cách: một là tự thoái hóa, hai là không thay đổi và ba là sẽ dẫn đến thoái hóa ác như ung thư da.
Ung thư da: Có nhiều loại ung thư da nhưng 3 loại thường gặp nhất là ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào gai và ung thư tế bào sắc tố. Biểu hiện lâm sàng của các loại ung thư này rất đa dạng. Thường ung thư da xuất hiện ở những vùng tiếp xúc với nhiều ánh sáng mặt trời như: da đầu, mặt, tai, môi, ngực, cánh tay, bàn tay, cẳng chân. Tuy nhiên, ung thư da vẫn có thể xuất hiện ở những vùng da còn lại như lòng bàn tay, vùng cơ quan sinh dục... Tổn thương ung thư da có thể xuất hiện từ từ, phát triển chậm nhưng cũng có thể phát triển đột ngột. Có nhiều yếu tố có thể gây ung thư da nhưng ánh sáng mặt trời là nguyên nhân chủ yếu, cho nên ung thư da đã gặp nhiều ở những người da màu sáng và chiếm tỷ lệ cao ở những vùng nhiều ánh nắng.
Cần làm gì để bảo vệ da?
Nước ta thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, mùa nắng kéo dài nhưng chúng ta cũng không nên quá lo ngại vì cơ thể đã có những cơ chế tự bảo vệ mình khỏi các tác động có hại của ánh sáng mặt trời như tạo sắc tố trên da, làm lớp sừng dày lên hoặc kích hoạt các chất chống oxy hóa của cơ thể... Tuy nhiên, đôi khi các cơ chế này chưa đủ vì còn phụ thuộc vào màu sắc da của mỗi người, vị trí địa lý của từng vùng hay thời gian tiếp xúc tia cực tím..., nhất là mùa hè có những kỳ nghỉ vui vẻ cho nên chúng ta phải có cách bảo vệ da chống lại tác hại của ánh sáng mặt trời bằng những biện pháp chống nắng an toàn sau:
Kem chống nắng: Giúp chúng ta hạn chế tối đa những tác động xấu của ánh nắng mặt trời. Chúng ta phải biết lựa chọn kem chống nắng thích hợp theo các tiêu chí sau: kem chống phổ rộng (chống cả tia UVA và UVB), chỉ số chống nắng SPF ≥ 30, loại không thấm nước (water-resistance hoặc very water-resistance) và dạng sử dụng theo ý thích của mình (kem, dầu, lotion, gel hay xịt). Tuy nhiên, khi sử dụng kem chống nắng, chúng ta cần lưu ý: Thoa trước khi ra nắng 30 phút, thoa lại lần 2 sau khi tiếp xúc nắng 30 phút và sau đó cứ mỗi 2 giờ thoa lại một lần; Thoa kem chống nắng lên những vùng tiếp xúc với nắng với liều lượng 2mg (hoặc ml)/cm2 da; Tránh nuốt kem chống nắng. Cần rửa tay sạch sau khi thoa kem chống nắng; Tránh tiếp xúc lên vùng thoa kem chống nắng trước khi kem khô; Không sử dụng kem chống nắng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Trang phục: Khi ra nắng, tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời cần dùng nón, mũ rộng vành, quần áo, kính mát để bảo vệ làn da mỏng manh của mình. Nên sử dụng vải màu tối và được dệt dày hoặc loại vải có độ bóng. Trang phục màu tối khiến bạn có cảm giác nóng hơn so với màu sáng vì hấp thu tia cực tím nhiều hơn. Nhưng chính nhờ các đặc điểm này, chúng có khả năng bảo vệ làn da tốt hơn. Vải bóng lại giúp phản chiếu lại ánh nắng mặt trời nên cũng rất hữu ích.
Ăn uống: Dùng nhiều nước và trái cây là biện pháp giúp làn da đẹp từ bên trong. Không nên ăn đồ quá ngọt hoặc quá chua. Một số loại rau giàu kali như: rau má, mồng tơi, rau đay, bồ ngót... hoặc trái cây giàu vitamin như dâu tây, dưa hấu, cam bưởi, táo, chuối... tốt cho bạn trong những ngày mùa nắng, nhất là khi đi biển.
Ngoài ra, để an toàn, cần giảm thời gian phơi nắng: tránh làm việc và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời quá lâu. Vào mùa hè, tránh phơi nắng, tắm nắng nhiều tại các bãi biển và hồ bơi...
BSCK2. Nguyễn Thị Bích