Cách bảo vệ cơ thể khi tập thể dục ngoài trời lạnh

SKĐS - Khí hậu bắt đầu chuyển lạnh, nhưng đừng để điều đó ngăn cản thói quen tập thể dục ngoài trời của bạn. Áp dụng một số cách dưới đây có thể giúp bảo vệ cơ thể an toàn khi tập luyện...

1. Tập thể dục trong thời tiết lạnh có gây bệnh hô hấp không?

Tập thể dục như chạy bộ, đi bộ hay các hoạt động thể chất khác trong mùa đông giúp tăng khả năng chịu đựng của cơ thể đối với các tác nhân gây căng thẳng và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Ngoài ra, tập thể dục trong mùa đông còn có các lợi ích:

  • Làm giảm viêm, sưng
  • Đốt cháy chất béo
  • Tăng cường sức bền, sức chịu đựng...

Theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, ngay cả khi nhiệt độ thấp trong mùa đông, không khí bạn hít vào vẫn đạt đến nhiệt độ cơ thể khi đến phổi. Tuy nhiên, bạn nên che mũi, miệng bằng khăn quàng cổ hoặc khăn bịt miệng để làm ấm, làm ẩm không khí khi hít vào trong khi tập luyện ngoài trời lạnh. Điều này sẽ làm giảm tác động gây kích ứng tiềm ẩn lên đường hô hấp.

Mặc dù tập thể dục khi trời lạnh thường an toàn với mọi người nhưng những trường hợp bị hen suyễn hoặc viêm phế quản mạn tính phải thận trọng vì các triệu chứng của họ có thể trầm trọng hơn trong quá trình tập luyện.

51278_theduc

Tập thể dục ngoài trời lạnh cần chú ý bảo vệ cơ thể.

2. Biện pháp an toàn cần thực hiện khi tập thể dục ngoài trời lạnh

2.1 Mặc quần áo nhiều lớp

Khi tập thể dục ngoài trời lạnh, nên mặc quần áo nhiều lớp để dễ lột bỏ khi cơ thể nóng lên hay mặc lại nếu cần thiết. Các lớp quần áo nên lựa chọn gồm các lớp thấm ẩm, ôm sát vào da. Sau đó là các lớp cách nhiệt để giữ nhiệt, ngoài cùng là quần áo chống gió.

Bạn không nên mặc quá nhiều quần áo hay lớp ngoài quá ấm mà bỏ qua các lớp bên trong vì cơ thể sẽ nóng lên khi tập thể dục, dẫn đến đổ mồ hôi. Nếu không chú ý đúng mức, tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ hạ thân nhiệt, có thể ảnh hưởng đến tim, hệ thần kinh và các cơ quan khác...

2.2 Khởi động kỹ càng, đúng cách

Khi tiếp xúc với thời tiết lạnh, cơ bắp thường bị co lại, kém linh hoạt hơn nên dễ gây ra chấn thương khi tập thể dục. Chính vì vậy, để ngăn ngừa chấn thương, bạn nên khởi động bằng cách không chỉ mặc quần áo thoải mái mà còn thực hiện các động tác giãn cơ trước khi tập.

Tốt nhất nên thực hiện các bài tập khởi động, kéo giãn làm ấm cơ thể, tạo độ linh hoạt cho các khớp ở trong nhà hoặc ở nơi có mái che trước khi tập luyện ngoài trời.

khởi động

Tập thể dục trong mùa đông cần khởi động kỹ để làm ấm nóng các cơ, khớp.

2.3 Giữ ấm tay và chân

Khi tập thể dục trong thời tiết lạnh mà không giữ ấm tay, chân, nhất là không được đi chân trần trên đất. Nguyên nhân do đi chân đất, chân sẽ bị lạnh, dễ khiến cơ thể nhiễm lạnh gây cảm cúm, đau xương khớp, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Ngoài ra, khi trời lạnh, lưu lượng máu sẽ tập trung vào các vùng cốt lõi của cơ thể, khiến đầu, tay, chân dễ bị tê cóng. Do đó, bạn nên đeo găng tay, đi tất len để làm giảm tình trạng này, giúp cho buổi tập luyện không bị ngắt quãng.

2.4 Giữ đủ nước khi tập thể dục trong mùa lạnh

Khi thời tiết lạnh, mọi người ít cảm thấy khát hơn, lười uống nước hơn nhưng nhu cầu nước không thay đổi. Do đó, khi tập thể dục, bạn cần lưu ý bổ sung đủ nước trước, trong khi tập để bù vào lượng nước mất qua mồ hôi và hô hấp.

Ngoài ra, uống đủ nước còn giúp cung cấp nước cho da, ngăn ngừa tình trạng da khô, nứt nẻ thường gặp trong mùa đông.

2.5 Không tập thể dục quá sớm

Nhiệt độ vào buổi sáng sớm mùa đông thường xuống thấp, trời sáng muộn nên cây chưa quang hợp khiến lượng carbon trong không khí còn nhiều, không tốt cho việc tập thể dục.

Các chuyên gia khuyến cáo, mùa đông nên tập thể dục buổi sáng trong khung giờ 6-8h, buổi chiều từ 14-18h hay buổi tối từ 18-20h để nâng cao sức khỏe, khởi đầu cho ngày mới nhiều năng lượng và thư giãn.

2.6 Dừng tập nếu cơ thể bị đau

Sau các bài tập khởi động, hãy bắt đầu kế hoạch tập thể dục như thói quen hàng ngày. Khi chạy bộ, nếu thấy đau đầu, đau ngực hay khó thở sau một quãng đường thì nên dừng lại, về nhà nghỉ ngơi.

Sau thời gian nghỉ ngơi vẫn cảm thấy cơ thể có gì đó không ổn thì cần đi khám sức khỏe để được bác sĩ theo dõi, đánh giá và có biện pháp xử lý phù hợp theo nguyên nhân.

Mời bạn xem tiếp video:

Tập thể dục buổi chiều có thể giảm nguy cơ bệnh tim | SKDS


Lê Mỹ Giang
Theo healthshots
Ý kiến của bạn