Cách bảo quản tốt nhất để giữ dinh dưỡng cho 5 nhóm thực phẩm

15-10-2021 15:14 | Dinh dưỡng

SKĐS - Rau tươi có thể mất khoảng 45% giá trị dinh dưỡng từ khi thu hoạch đến khi được bày bán. Các loại thịt động vật giảm nhiều dinh dưỡng khi đến tay người mua... Bài viết của Ths.BS Đoàn Ngọc Hà, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam chia sẻ cách bảo quản để giữ dinh dưỡng 5 nhóm thực phẩm sau khi mua về.

Vì sao thực phẩm bị "mất" chất dinh dưỡng?

Các loại thực phẩm thường có nguồn gốc chăn nuôi, trồng trọt từ các trang trại sau đó được vận chuyển đến chợ hay siêu thị ở các thành phố, rồi mới đến tay người tiêu dùng. Quá trình này làm mất đi nhiều chất dinh dưỡng do quá trình vận chuyển hoặc bảo quản không đạt vệ sinh, không đúng quy cách.

Thịt, cá từ khi được giết mổ đã bắt đầu phân hủy, sau khi đóng gói, xếp loại, thực phẩm mới được vận chuyển đến các siêu thị, các chợ. Nếu được bảo quản lạnh, các loại thịt thường có hạn sử dụng 2-3 ngày. 

Tuy nhiên, người tiêu dùng thường mua về lưu trữ thực phẩm qua nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần, nhất là trong thời điểm dịch này, khiến cho thịt bị mất nhiều dinh dưỡng và dễ bị vi khuẩn xâm nhập, phát triển.

Rau tươi có thể hao hụt tới 45% giá trị dinh dưỡng trong khoảng thời gian từ khi thu hoạch đến khi được bày bán tại các siêu thị hoặc cửa hàng. Qua quá trình chế biến, ngâm rửa, tiếp xúc với nhiệt độ cao rồi trở thành món ăn được bày lên bàn, rau chỉ còn lại dưới 1/3 giá trị dinh dưỡng ban đầu.

Cách bảo quản để giữ dinh dưỡng trong thực phẩm sau khi mua về - Ảnh 2.

Qua quá trình chế biến, ngâm rửa, tiếp xúc với nhiệt độ cao rồi trở thành món ăn được bày lên bàn, rau chỉ còn lại dưới 1/3 giá trị dinh dưỡng ban đầu.

Cách bảo quản các nhóm thực phẩm đảm bảo chất dinh dưỡng

1. Đối với trái cây và rau xanh

Cần bảo quản trong tủ lạnh ở ngăn mát

- Bảo quản nguyên vẹn:

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, nếu chúng ta cắt trái cây và rau quả, sau đó mới bảo quản chúng, thì trái cây và rau quả sẽ mất đi từ 10-25% lượng chất chống oxy hóa (như vitamin C và carotenoid) trong khoảng 5-6 ngày, do chúng tiếp xúc với khí oxy.

Vì vậy, nên tránh mua các loại rau củ đã cắt dở, tránh cắt các loại rau nếu chưa sử dụng ngay vì làm như vậy sẽ làm giải phóng ra các chất, kích thích quá trình hư hỏng và thối.

Việc cắt rau vô tình làm mất đi các chất dinh dưỡng và thậm chí kích thích quá trình xuống cấp của thực phẩm. Tốt nhất, chúng ta chỉ nên cắt rau quả ngay trước khi ăn.

- Sơ chế sạch:

Rau khi mới thu hoạch và bày bán ở thị trường thường vẫn còn gốc rễ, dính nhiều đất, bụi bẩn, nước tưới tiêu và cỏ, rêu... Đây là nguồn chứa một lượng lớn các vi sinh vật, khiến rau sớm bị phân hủy. Do đó, khi mua các loại rau củ mà chưa ăn ngay, tốt nhất nên sơ chế sạch lớp đất cát, các lá bị úa hỏng.

Cách bảo quản để giữ dinh dưỡng trong thực phẩm sau khi mua về - Ảnh 4.

Nên sơ chế sạch lớp đất cát, các lá bị úa hỏng trước khi cất rau vào tủ lạnh.

- Đóng gói nhẹ nhàng và tách riêng từng loại:

Nếu ta càng để rau gần với các loại thực phẩm khác trong tủ lạnh, rau sẽ càng héo và thối nhanh hơn. Trái cây được bảo quản cùng một chỗ sẽ chín sớm và làm hỏng các loại rau xung quanh. Đặc biệt là táo, có thể biến các loại rau lá xanh thành lá màu nâu.

Chúng ta nên tách riêng trái cây và rau, bảo quản ở những ngăn khác nhau của tủ lạnh và không đóng gói quá chặt, bỏ các loại dây buộc hoặc dây cao su dùng để buộc rau và gói rau nhẹ nhàng bằng giấy, túi nhựa, túi vải, hoặc đồ đựng làm bằng thủy tinh.

Đối với những thực phẩm đã rửa qua và chưa ráo nước, có thể lót thêm giấy thấm ở xung quanh mặt trong của túi để hút ẩm.

Cách bảo quản để giữ dinh dưỡng trong thực phẩm sau khi mua về - Ảnh 5.

Nên tách riêng trái cây và rau, bảo quản ở những ngăn khác nhau của tủ lạnh và không đóng gói quá chặt

Đa số các loại rau đều được bảo quản tốt nhất trong ngăn đựng rau của tủ lạnh. Tuy nhiên, một số loại rau lại không như vậy. Cà chua sẽ được lưu giữ tốt nhất trong môi trường tự nhiên, bảo quản cà chua trong hộp nhựa sẽ làm cà chua chín và thối nhanh hơn. Tránh lưu giữ rau quả trong các loại túi quá kín vì chúng sẽ bị "chết ngạt" và tăng tốc độ thối/hư hỏng.

Tỏi, hành, hẹ, khoai tây, khoai lang và bí đỏ sẽ được bảo quản tốt nhất trong môi trường mát và tối.

2. Đối với nhóm thịt, cá, hải sản

Nếu chưa chế biến ngay, cần bảo quản trong tủ đông lạnh. Nếu mua ở siêu thị thì bạn có thể giữ nguyên bao bì. Nếu mua ở các chợ, khi mua về nên rửa sạch, để ráo nước hoặc dùng khăn, giấy sạch thấm khô, chia ra từng phần nhỏ với lượng vừa đủ dùng cho mỗi bữa ăn.

Cách bảo quản để giữ dinh dưỡng trong thực phẩm sau khi mua về - Ảnh 6.

Nếu mua ở chợ, hãy rửa sạch thịt để ráo nước, sau đó cất vào hộp có nắp đậy kín, bảo quản ở ngăn đá tủ lạnh.

Cá, tôm, cua, mực sau khi rửa sạch, để ráo nước, nên thêm ít muối. Sau đó, để hộp nhựa hoặc hộp thủy tinh có nắp đậy kín, bảo quản ở ngăn đá tủ lạnh, ăn đến đâu, lấy đến đó.

Thực phẩm có thể bảo quản trong tủ lạnh từ 14-30 ngày, nhưng tốt nhất nên sử dụng trong vòng 1 tuần.

Các thực phẩm khi đã lấy ra khỏi ngăn đông và đã rã đông rồi thì nên dùng hết, không nên cho vào lại ngăn đông vì như vậy có thể gây nhiễm độc thực phẩm.

Cách bảo quản để giữ dinh dưỡng trong thực phẩm sau khi mua về - Ảnh 7.

Thực phẩm có thể bảo quản trong tủ lạnh từ 14-30 ngày, nhưng tốt nhất nên sử dụng trong vòng 1 tuần.

3. Nhóm trứng, sữa

Cần để ngăn mát tủ lạnh hoặc nơi mát trong nhà, tránh ánh nắng trực tiếp.

Không nên đặt trứng trên cánh cửa tủ lạnh vì đây là vị trí có nhiệt độ thường xuyên bị thay đổi, điều này sẽ dẫn đến trứng nhanh bị hỏng. Có thể đặt trứng vào các khay chuyên dụng và để ở phần giữa của tủ lạnh. Thời gian bảo quản trứng tối đa từ 3-5 tuần, lưu ý tránh sử dụng trứng đã có thời hạn quá lâu.

Bảo quản sữa trong ngăn mát tủ lạnh và ở nơi tối nhất có thể, bạn không nên để sữa gần với bóng đèn trong tủ lạnh. Với sữa tươi khi đã dùng dở cần đậy chặt nắp sữa mỗi khi dùng xong để tránh bị nhiễm khuẩn từ các loại thực phẩm khác trong tủ lạnh.

4. Nhóm ngũ cốc hạt

Cần để nơi thoáng, tránh ẩm. Nên đựng gạo, bột và các loại đậu trong hộp kín để đảm bảo sự khô ráo. Có thể dán nhãn và xếp gọn gàng để dễ tìm khi cần.

5. Đối với các loại gia vị

Có thể đặt ở trên cánh cửa tủ lạnh. Gia vị nên được đựng trong hộp kín để tránh bám mùi vào tủ lạnh và không ảnh hưởng đến chất lượng của gia vị.

Lưu ý, không nên xếp thực phẩm quá đầy trong tủ lạnh, độ lạnh sẽ không đến được hết các thực phẩm, việc bảo quản sẽ kém hiệu quả.

Thức ăn đã nấu chín chờ đến khi nguội mới cho vào tủ lạnh, không để thực phẩm chín với thực phẩm tươi sống trong cùng ngăn của tủ lạnh.

Chuyên gia chỉ cách bảo quản thực phẩm tránh ngộ độcChuyên gia chỉ cách bảo quản thực phẩm tránh ngộ độc

SKĐS - BSCKII. Đinh Qúy Minh – Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu Nghị khuyến cáo người dân cần hết sức thận trọng trong việc chọn mua thực phẩm, cần có nguồn gốc rõ ràng cũng như thận trọng trong việc bảo quản, chế biến thực phẩm tránh bị ngộ độc thực phẩm.

Xem thêm video đang được quan tâm:

14 món ăn giúp trị cảm lạnh có thể bạn chưa biết?

ThS. BS. Đoàn Ngọc Hà
Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Ý kiến của bạn