Các sản phẩm này có những quy định khác nhau về hạn dùng và thời hạn sử dụng. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều người chưa biết cách bảo quản các sản phẩm này để đảm bảo an toàn và hiệu quả cũng như chất lượng khi sử dụng. Vậy cần phải bảo quản chúng như thế nào để không bị biến đổi chất?
Nơi bảo quản
Tủ lạnh: Đây là nơi thuận tiện nhất để bảo quản các sản phẩm có chứa vitamin dạng lỏng (xi rô, dung dịch, nhũ dịch, hỗn dịch…), kem, gel, sản phẩm có thể chất như thuốc mỡ, thuốc đạn, son môi (theo cách gọi nhà bào chế dưới quan điểm hóa lý là sản phẩm dạng bán rắn). Hạn chế của tủ lạnh là môi trường tủ lạnh có độ ẩm cao. Các sản phẩm dạng viên (nén, nang cứng, nang mềm…), dạng bột dễ dính hoặc bết khi tiếp xúc với ẩm.
Nếu sử dụng tủ lạnh bảo quản sản phẩm dạng viên, dạng bột cần giữ trong bao bì gốc của nhà sản xuất hoặc bao bì kín (đã mở bao bì gốc) khi này có thể thêm chất hút ẩm và cho toàn bộ vào nhiều lớp túi chất dẻo, đậy nắp kín buộc các lớp túi chặt.
Bảo quản thuốc và mỹ phẩm có chứa vitamin trong tủ lạnh để giữ nhiệt độ ổn định cho sản phẩm
Nhà tắm: Nhiều người nghĩ để tủ nhỏ trong nhà tắm để bảo quả, nhưng cần lưu ý đó không phải là nơi phù hợp cất giữ mỹ phẩm có chứa vitamin. Vì nhà tắm là nơi luôn có độ ẩm cao và nhiệt độ cũng lên xuống thất thường, do vậy nếu để các mỹ phẩm tại đây không phải là cách bảo quản tốt.
Bếp: Nhiều sản phẩm có vitamin thường sử dụng trước khi bắt đầu ăn. Nên nhiều người nghĩ để các sản phẩm ở bếp là thuận tiện có thể giúp chúng ta không quên sử dụng chúng. Nhưng bếp cũng là nơi nhiệt độ thất thường khi ta đun nấu cũng như vận hành lò nướng hoặc lò quay... và làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm có chứa vitamin.
Mang theo bên mình: Nhiều bạn trẻ do áp lực công việc thường hay quên sử dụng sản phẩm theo hướng dẫn hoặc chỉ định. Các bạn có sáng kiến mang theo bên mình: bỏ sản phẩm vào túi quần, túi áo, túi xách tay… như là một cách ghi nhớ. Nhưng như vậy sẽ làm sản phẩm mau hư hỏng vì nhiệt độ tỏa ra ở cơ thể, hoặc cho túi xách tay vào cốp xe đều có nhiệt độ cao làm sản phẩm bị hỏng nhanh.
Giữ xa tầm tay trẻ em: Thuốc, thực phẩm chế biến, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm có chứa vitamin nói chung không phải là sản phẩm độc hại với nếu sử dụng đúng cách. Khi không có người lớn các bé có thể tìm được các sản phẩm này và cho vào mồm ăn, đặc biệt các sản phẩm trình bày hấp dẫn vì thế có thể dẫn tới hậu quả đáng tiếc. Để tránh điều này cần giữ các sản phẩm ngoài tầm tay các bé. Khi phải giữ trong tủ lạnh nên để phía sau và có bao gói che đi để các cháu không nhìn thấy.
Giữ nguyên bao bì gốc
Bao bì gốc sản phẩm giúp giữ sản phẩm có điều kiện tối ưu để bảo quản, hầu hết bao bì trực tiếp đều có màu sẫm hoặc ánh sáng không xuyên qua được để tránh tác động và ảnh hưởng bất lợi của ánh sáng. Bao bì gốc sản phẩm bao giờ cũng chứa các thông tin quan trọng như hạn dùng, ngày sản xuất, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm… Các thông tin này giúp ta loại bỏ sản phẩm hết hạn cũng như khi có thông báo thu hồi sản phẩm và truy xuất nguồn gốc khi cần thiết.
Một lý do nữa cần giữ sản phẩm trong bao bì gốc để theo dõi được hạn dùng. Một số sản phẩm có vitamin có thời gian sử dụng khá ngắn và nói chung đều mất hiệu lực trước thời hạn đó. Nếu ta có sản phẩm có hạn dùng khác nhau cần sắp xếp thuận tiện để sử dụng các sản phẩm ngắn hạn hơn trước. Tránh lãng phí và gây ô nhiễm môi trường vì các sản phẩm quá hạn.
Hạn dùng và điều kiện bảo quản sau khi mở lọ
Cho đến nay nhiều nước vẫn chưa có quy định rõ ràng và bắt buộc ghi nhãn về hạn dùng và điều kiện bảo quản sau khi mở lọ. Chẳng hạn như: Lọ xi rô thuốc, thuốc nhỏ mắt, cốm pha hỗn dịch sau khi mở gói pha theo hướng dẫn của nhà sản xuất, lọ thuốc đóng gói 500 viên chỉ định mỗi ngày dùng 2 viên sau khi mở ra đến khi nào cần loại bỏ.
Do đó, cần ghi nhớ rằng, các loại thuốc lỏng nên bỏ đi sau khi mở lọ 28 ngày trong điều kiện bảo quản 2-8°C. Các chế phẩm rắn không bảo quản quá 6 tháng sau; Các sản phẩm thuốc dạng bán rắn, thuốc nước không nên bảo quản quá 4 tuần sau khi mở nắp hộp. Các loại thuốc sau khi mở lọ ra bán lẻ tại nhà thuốc cũng không nên quá 6 tháng. Điều này gợi ý những bạn mua các loai thực phẩm chức năng (trong đó có các vitamin) online những lọ đóng gói vài trăm viên sau khi mở lọ chỉ nên dùng dưới 6 tháng.
Một điều nữa cần lưu ý ngoài kiểm tra hạn dùng, lưu ý thời gian bảo giữ thuốc sau khi mở lọ còn nên chú ý đến mùi vị thể chất của sản phẩm. Nên loại bỏ viên nén, viên nang khi biến màu, dính vào lọ, bột bết. Loại dưới dạng dung dịch có dấu hiệu bị cặn (kết tủa), hoặc có mùi khó chịu. Sản phẩm dạng bán rắn chảy nước, không bám dính, phân lớp.
Tủ thuốc cần được đặt ở nơi khô thoáng, nhiệt độ ổn định, tránh ánh sáng mặt trời
- Dung dịch nước nói chung kém bền vững, thường đóng gói trong bao bì có nút kín, chai lọ có màu. Những sản phẩm này chỉ nên bảo quản không quá một tháng kể từ khi mở lọ. Để tránh quên có thể ghi lên nhãn ngày mở lọ.
- Sản phẩm dạng bán rắn ổn định có thể bảo quản tới 6 tuần.
- Sản dạng rắn như thuốc bột cũng chỉ nên giữ tới tuần 6.
- Viên nang, viên nén (bao hoặc không bao) không giữ quá 6 tháng.