Cách ăn uống khoa học đẩy lùi bệnh tật

SKĐS - Dinh dưỡng cũng như các thực phẩm và cách ăn uống hàng ngày ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mỗi người. Vậy thế nào là thực hiện dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh giúp đẩy lùi bệnh tật?

Cách ăn uống khoa học đẩy lùi bệnh tật- Ảnh 1.

TS.BS. Nguyễn Thị Huỳnh Mai.

Phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với TS.BS. Nguyễn Thị Huỳnh Mai, giảng viên chính Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch xung quanh vấn đề này.

Tầm quan trọng của dinh dưỡng lành  mạnh

Phóng viên (PV): Dinh dưỡng từ thức ăn hàng ngày cung cấp năng lượng để duy trì sự sống và phục vụ các hoạt động hàng ngày. TS. có thể cho biết rõ hơn về tầm quan trọng của dinh dưỡng lành mạnh với sức khỏe không ạ?

TS.BS. Nguyễn Thị Huỳnh Mai: Dinh dưỡng là quá trình cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng từ thức ăn để duy trì sự sống từ mức độ tế bào đến mức độ cơ thể, bảo vệ sức khỏe và cung cấp nguyên liệu cho sự tăng trưởng thể chất.

Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng trong dự phòng và điều trị các bệnh lý.

Dinh dưỡng không cân đối, thiếu hay thừa dinh dưỡng đều có thể là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bệnh lý thực thể hay gián tiếp làm khởi phát các bệnh lý khác.

Các bệnh mạn tính không lây như hội chứng rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp… có liên quan chặt chẽ đến tình trạng dinh dưỡng và hành vi dinh dưỡng.

Ngay cả những bệnh lý có nguyên nhân không liên quan dinh dưỡng như chấn thương, nhiễm trùng huyết, viêm phổi…. thì tình trạng dinh dưỡng của người bệnh sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tiên lượng, kết quả điều trị và phục hồi của người bệnh.

Cách thực hành dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh

PV: Dinh dưỡng lành mạnh có vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh tật và phục hồi sức khỏe sau khi bị ốm. Vậy, cách thực hành dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh như thế nào, thưa TS?

TS.BS. Nguyễn Thị Huỳnh Mai: Để thực hành dinh dưỡng cân bằng, lành mạnh, mỗi người cần thực hiện theo nguyên tắc của dinh dưỡng hợp lý, bao gồm:

- Đủ và đều đặn: Chế độ ăn cân bằng, lành mạnh phải đáp ứng đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết theo nhu cầu hàng ngày.

Ăn đủ cũng có nghĩa là không ăn vượt quá nhu cầu hàng ngày để có thể dẫn đến tích lũy năng lượng dự trữ cho cơ thể gây nên bệnh lý. Bên cạnh đó còn cần ăn uống điều độ bởi nhịn đói, bỏ bữa đều sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

Cách ăn uống khoa học đẩy lùi bệnh tật- Ảnh 2.

Ăn uống điều độ, không bỏ bữa giúp tăng cường sức khỏe.

- Cân đối và đa dạng: Cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng với một tỉ lệ hợp lý, phù hợp với tình trạng cơ thể.

Cân đối về tỉ lệ giữa các chất dinh dưỡng sinh năng lượng như tỉ lệ giữa chất bột đường (G), chất đạm (P) và chất béo (L). Ở người trưởng thành bình thường tỷ lệ này được khuyến cáo: G:P:L = 60:15:25 (%). Tỉ lệ này có thể thay đổi ở các đối tượng khác nhau tùy độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe.

Ngoài ra, ăn uống đa dạng giúp thay đổi khẩu vị, tránh nhàm chán nhưng quan trọng hơn là sẽ giúp cơ thể nhận được đủ các chất dinh dưỡng có trong tự nhiên. Để có được chế độ ăn đa dạng, mỗi ngày mỗi người cần được ăn từ 20-30 loại thực phẩm, thay đổi thực phẩm có trong mỗi nhóm, thay đổi món ăn trong các bữa ăn.

- Cân đối về tỉ lệ giữa các chất dinh dưỡng đa lượng và vi lượng: Các chất dinh dưỡng vi lượng là các coenzym tham gia vào quá trình chuyển hóa, các chất sinh năng lượng thì được cung cấp tùy theo số năng lượng được ăn vào, ví dụ nhu cầu vitamin B1 cung cấp cho cơ thể người bệnh được tính khoảng 1,5 mg/1.000 kcal.

Cách ăn uống khoa học đẩy lùi bệnh tật- Ảnh 3.

Thực hiện chế độ ăn uống đa dạng, cân bằng là chìa khóa cho cơ thể khỏe mạnh.

- Cân đối về số bữa ăn trong ngày: Mỗi ngày một người trưởng thành cần ít nhất 03 bữa ăn chính. Tùy vào nhu cầu có thể thêm các bữa phụ xen giữa các bữa chính, ví dụ người lao động nặng có thể cần đến 4-5 bữa ăn/ngày.

- Cân đối về tỉ lệ năng lượng giữa các bữa ăn trong ngày: Phân bố hợp lý mức năng lượng cho các bữa ăn giúp cơ thể luôn ở mức điều hòa về năng lượng, không thiếu khi hoạt động nhiều và không thừa khi ít hoạt động. Phân bổ tỉ lệ năng lượng cân đối cho người trưởng thành, khỏe mạnh như sau: Bữa sáng chiếm 30 - 35% tổng số năng lượng trong ngày, bữa trưa là 35 - 40% và bữa tối là 25 - 30%.

- An toàn thực phẩm: Thực phẩm an toàn là thực phẩm đảm bảo không chứa độc chất, vi sinh vật, độc tố vi sinh vật gây bệnh hay không là nguyên nhân dẫn đến bệnh lý cho cơ thể người ăn. Muốn vậy, chúng ta cần đảm bảo các nguyên tắc vàng theo Tổ chức y tế thế giới (WHO):

  • Giữ vệ sinh cá nhân.
  • Vệ sinh nơi chế biến, dụng cụ chế biến sạch sẽ.
  • Để riêng thực phẩm sống và chín, dùng dao thớt thái thức ăn sống và chín riêng biệt.
  • Chế biến thực phẩm đúng cách, đảm bảo thức ăn là thịt, cá, trứng phải chín để tiêu diệt hết mầm bệnh.
  • Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ an toàn, tránh để thức ăn đã nấu ngoài môi trường quá 2 giờ.
  • Sử dụng nước sạch và nguyên liệu an toàn, được mua ở nơi tin cậy.
Cách ăn uống khoa học đẩy lùi bệnh tật- Ảnh 5.

Thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biến giúp phòng ngừa nhiều bệnh lý.

Một số biện pháp giúp phòng ngừa bệnh tật

PV: Ngoài chế độ dinh dưỡng thì mỗi người còn có thể thực hiện các biện pháp nào để phòng ngừa bệnh tật, thưa TS?

TS.BS. Nguyễn Thị Huỳnh Mai: Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý thì việc thực hành lối sống tích cực là căn bản quan trọng cho việc điều trị và phòng các bệnh mạn tính không lây như đái tháo đường, tim mạch, huyết áp...

Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động thể lực như duy trì tập luyện thể dục, thể thao ở mức độ vừa phải, phù hợp thể chất, sức khỏe của mình như tập luyện 30 phút mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Duy trì cân nặng hợp lý, bình thường chỉ số khối cơ thể BMI nên ở mức 21-23 kg/cm2, cần giảm cân ở người béo phì, thừa cân và giảm sử dụng rượu bia, không hút thuốc lá.

Xin trân trọng cảm ơn TS.BS!

Mời bạn xem tiếp video:

Rau cải rất tốt nhưng "đại kỵ" với những người này | SKĐS


Lê Thu Lương
Ý kiến của bạn