1. Ăn rau có lợi gì cho sức khỏe đường ruột?
Đường ruột chịu trách nhiệm thực hiện các chức năng quan trọng của cơ thể như phân hủy thức ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng để duy trì sự cân bằng, sản xuất năng lượng và loại bỏ chất thải.
Sức khỏe đường ruột đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Hoạt động của ruột dựa vào sự cân bằng hợp lý của các vi khuẩn khác nhau để tiêu hóa thức ăn và ngăn ngừa nhiễm trùng và viêm. Khi đường ruột yếu có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, giảm khă năng miễn dịch, thậm chí gây lo lắng và trầm cảm.
Chế độ dinh dưỡng và những thực phẩm chúng ta ăn có thể ảnh hưởng lớn đến các loại vi khuẩn sống bên trong đường ruột, trong đó có rau và trái cây.
Ăn thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như rau và trái cây giúp cải thiện sức khỏe đường ruột vì những thực phẩm này rất giàu chất dinh dưỡng và chất xơ, chất chống oxy hóa giúp nuôi dưỡng vi khuẩn đường ruột có lợi.
Theo BS. Trần Thị Bích Nga, chuyên khoa Dinh dưỡng, nguyên Giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội, rau và trái cây là nhóm thực phẩm không thể thiếu trong chế độ ăn uống hằng ngày để cung cấp các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể như: vitamin A, C, E, nhóm B...; các khoáng chất như sắt, canxi, magie, selen, kali...
Rau cũng là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào giúp hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa và tăng cường sức khỏe đường ruột. Nên kết hợp nhiều cách chế biến rau xanh bằng cách nấu chín hoặc lựa chọn salad cũng là một cách hiệu quả và ngon miệng để tăng lượng chất xơ trong khẩu phần ăn.
2. Nên chọn loại rau nào để chế biến salad?
Salad là món ăn chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa. Cung cấp năng lượng cho cơ thể bằng món salad là một cách rất tốt để thúc đẩy sức khỏe tiêu hóa, hỗ trợ hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh và tăng cường sức khỏe tổng thể.
Các loại rau lá xanh thường được sử dụng trong món salad như: rau diếp, rau bina, cải xoăn… rất giàu vitamin A, vitamin C và vitamin E. Những vitamin này có thể hỗ trợ thị lực khỏe mạnh, tăng cường chức năng miễn dịch và chống viêm trong cơ thể.
Các món salad từ rau lá xanh thường chứa nhiều chất chống oxy hóa polyphenol, có thể thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn tốt trong ruột. Nghiên cứu cho thấy, khi polyphenol từ thực phẩm tiếp cận vi khuẩn đường ruột, chúng sẽ thay đổi hệ vi sinh vật và có các đặc tính tiền sinh học và kháng khuẩn.
Nghiên cứu cho thấy, rau lá xanh còn chứa một phân tử đường gọi là sulfoquinovose, rất cần thiết để cung cấp vi khuẩn tốt cho đường ruột. Khi số lượng vi khuẩn tốt trong ruột tăng lên, chúng sẽ hạn chế khả năng sinh sản và cư trú của "vi khuẩn xấu" trong đường tiêu hóa.
Rau lá xanh còn chứa nhiều chất xơ, chất xơ giúp nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi trong đường ruột và giữ cho mọi thứ di chuyển trong đường tiêu hóa thuận lợi.
Lượng chất xơ ăn vào có liên quan đến sức khỏe trao đổi chất tích cực, sức khỏe đại tràng và nhu động ruột cũng như giảm bệnh tim mạch và giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.
3. Cách sơ chế salad rau an toàn cho sức khỏe đường ruột
- Lựa chọn rau có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được trồng theo tiêu chuẩn an toàn. Tốt nhất là mua sản phẩm rau hữu cơ để tránh nguy cơ nhiễm thuốc trừ sâu và các hóa chất bảo vệ thực vật khác rất có hại cho đường ruột.
- Chọn các loại rau không bị dập nát hoặc hư hỏng. Cần đảm bảo rằng bất kỳ sản phẩm chế biến sẵn như salad đóng túi, rau cấp đông cần được bảo quản lạnh đúng quy trình an toàn thực phẩm.
- Để tách riêng rau quả khỏi các sản phẩm khác như thịt sống, gia cầm, hải sản, trứng trong giỏ hàng và trong tủ lạnh.
- Loại bỏ lớp lá bên ngoài của rau diếp và bắp cải. Cắt bỏ các bộ phận bị dập nát hoặc hư hỏng. Sau đó, bảo quản rau và trái cây, bao gồm cả sản phẩm đã được cắt và đóng gói sẵn trong tủ lạnh.
- Không có phương pháp rửa nào loại bỏ hoàn toàn tất cả vi khuẩn. Nhưng cách tốt nhất để rửa rau xanh là rửa kỹ dưới vòi nước chảy. Không rửa bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa.
- Khi chuẩn bị rau ăn sống, cần thực hiện các bước: Rửa tay bằng xà phòng và nước trước và sau khi chuẩn bị rau xanh; Loại bỏ các lá bên ngoài và những lá bị rách hoặc dập nát; Rửa sạch rau dưới vòi nước chảy và dùng tay chà nhẹ lên bề mặt lá; Không ngâm các loại rau có lá trong bồn chứa đầy nước vì chúng có thể bị nhiễm vi khuẩn trong bồn rửa và sự ô nhiễm từ lá này có thể lây lan qua nước sang các lá khác.
Xem thêm video đang được quan tâm
Ngâm rau sống vào nước muối có diệt được giun sán?