Hà Nội

Cách ăn quả vải tránh gây hại cho sức khỏe

13-06-2017 07:10 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Quả vải còn gọi là Lệ Chi, tên khoa học là Litchi chinensis, là loài duy nhất trong chi Litchi thuộc họ Bồ hòn (Sapindaceae).

Trích nguồn lịch sử thì Dương Quý Phi, Sủng Ái phi của Hoàng đế Đường Minh Hoàng (Đường Huyền Tông) của nhà Đường – Trung Quốc rất yêu thích trái vải này.

Sử Việt Nam thì liên quan đến Mai Thúc Loan, xuất thân là phu khuân vải cống nạp cho nhà Đường Trung Quốc. Ông đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa chống lại nhà Đường năm 722 và lên ngôi Mai Hắc Đế....


quả vải


Đã có nhiều tin tức ghi nhận liên quan đến cái chết và cây vải. Đặc biệt là từ 1995 ở khu vực Muzzaffarpur có những vụ bộc phát số lượng lớn trẻ em thiệt mạng từ giữa tháng 5 đến đỉnh điểm là tháng 6. Điều này trùng hợp với mùa thu hoạch Vải. Các trẻ em thuộc nhóm kinh tế yếu thì bị ảnh hưởng nhiều nhất. Bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng co giật, thay đổi nhận thức, thường vào sáng sớm và tỉ lệ tử vong cao.

Trên cơ sở đó, các nhà khoa học Mỹ và Ấn Độ đã bắt tay vào nghiên cứu, rà soát các thông tin y học trước đây và tìm hiểu trên 390 bệnh nhân (dưới 15 tuổi, và theo một số tiêu chuẩn cụ thể về dấu hiệu bệnh lý và các xét nghiệm có liên quan trên máu, nước tiểu, dịch não tuỷ, chụp MRI não, Điện não đồ) trong khoảng từ 25/06/2014 đến 17/07/2014, rồi tìm ra kết luận. Kết luận này đã được đăng trên tạp chí Y học có uy tín là tờ Lancet.

Kết luận cho thấy: Những vụ việc bộc phát của não bệnh cấp tính trong nghiên cứu này, có liên quan đến ngộ độc của 2 chất có trong quả vải. Đó là Hypoglycin A và Methylene –CycloPropyl – Glycerine (viết tắc MCPG).

Để có kết luận này, các nhà nghiên cứu đã loại trừ được những khả năng khác mà trước đây được coi có thể là nguyên nhân (như nhiễm trùng/ nhiễm siêu vi trùng viêm não/màng não, ngộ độc thuốc trừ sâu, ngộ độc kim loại nặng. Cũng như việc tìm thấy có nồng độ của 2 chất Hypglycin A và MCPG cũng như các ảnh hưởng của 2 chất này lên chuyển hoá Acid béo, và đặc biệt là sự ức chế tạo đường glucose (điều này đã được nghiên cứu thực nghiệm trên động vật).


cách ăn vải


Do đó, để ngăn ngừa tình trạng bệnh lý, các nhà nghiên cứu khuyên rằng:

- Không ăn quá nhiều quả vải.

- Tránh ăn lúc đói và nên có ăn thêm bữa tối khuya (để đề phòng hạ đường máu), cũng như cần có phương án xử trí rối loạn hạ đường máu trong những trường hợp có nghi ngờ bị ngộ độc do quả vải.

- Tránh ăn quả chưa chín đủ, và cũng tránh ăn, cắn nhai vào hạt các loại quả này.

- Không nên diễn lệch quá mức, tránh giật tít câu like các tiêu đề (title) báo làm người dân không dám ăn vải hay thương nhân sẽ ép giá người trồng trọt.

- Thực sự theo cá nhân tôi, rủi ro ăn vải chín mà đến mức ngộ độc ở Việt Nam là rất hãn hữu… Do vậy chỉ cần nhắc nhở các cháu là việc nên làm. Còn tiêu thụ cá nhân thì chắc chưa đến mức ăn thừa đến mức ngộ độc.

- Chú ý vào mùa vải, ở các địa phương trồng vải. nên có phương án chống hạ đường máu cho các trường hợp có nghi ngờ.

- Nếu có điều kiện nghiên cứu hay hợp tác quốc tế, cũng nên chú ý việc nghiên cứu và thử nghiệm nồng độ của 2 chất Hypoglycine A và MCPG để đánh giá hiệu ứng và độ an toàn (mặc dù vậy, tôi tin là mức độ của ngộ độc này trong điều kiện Viẹt Nam có thể rất ít, rất nhỏ khó mà tạo được nghiên cứu số lượng lớn).

Một số mặt chú ý khác của nghiên cứu trên còn để mở hoặc cần biết thêm:

1. Nhóm bệnh nhi ở vùng Muzzaffapur thuộc nhóm kinh tế yếu, chơi thường xuyên dưới khu vực trồng cây vải rộng lớn, và do vậy ăn vải thay cơm ban ngày, chiều tối về chán không ăn bữa tối… Do vậy nguy cơ cao hơn vì ăn quả có thể chưa chín kỹ đủ độ, và là vì trẻ nhỏ nên việc thu thập bệnh cảnh cũng có thể hơi khó khăn để định lượng quả chín đến mức nào, có cắn cả hạt vải đôi chút hay không.

2. Điều này rất quan trọng vì quả vải, khi chín thì hàm lượng Hypoglycerine A giảm đáng kể (trong cả phần cùi vải hay hạt vải). Và nên nhớ là MCPG thì không tìm thấy trong phần cùi vải của những quả vải đã chín ăn được.

(Theo một số nghiên cứu chưa thống nhất nhưng giữa quả vải chưa chín và chín có hàm lượng Hypoglycine A thay đổi rất đáng kể. Ví dụ quả vải có thể là hơn 20 lần độc tố trong quả chưa chín so với quả chín (1, cite 47,48), hay quả Ackee (thuộc họ Bồ Hòn như Vải, Nhãn, Chôm chôm), có độ lệch về Hypoglycine còn cao hơn (có thể đến 10000 giữa quả chưa chín và chín).

3. Điều đáng nói có thể áp dụng điều này cho những quả như Vải, Nhãn, hay Chôm chôm không: (theo lý thuyết là có thể)

Tài liệu tham khảo:

1. https://vi.wikipedia.org/wiki/Vải_(thực_vật)

2. https://en.wikipedia.org/wiki/Mai_Thúc_Loan

3. https://vi.wikipedia.org/wiki/Vụ_án_Lệ_Chi_Viên

4. http://www.thelancet.com/journals/langlo/article/PIIS2214-109X(17)30035-9/fulltext?rss=yes

5. https://en.wikipedia.org/wiki/Hypoglycin_A

6. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1243468/pdf/biochemj00805-0005.pdf


BS. Phan Đình Hiệp
Ý kiến của bạn