1. Người bị hội chứng ruột kích thích hay bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa
Hội chứng ruột kích thích là một trong những căn bệnh đường tiêu hóa phổ biến gây khó chịu cho nhiều người. Căn bệnh này có mối liên quan trực tiếp đến chế độ ăn uống. Những người mắc hội chứng ruột kích thích thường gặp phải các triệu chứng đường ruột sau khi ăn một số loại thực phẩm không phù hợp.
Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Đan, chuyên khoa Tiêu hóa, BVĐK Xanh Pôn, thông thường, người bị hội chứng ruột kích thích thường có triệu chứng đau bụng và rối loạn tiêu hoá. Ngoài ra, còn có thể có một số triệu chứng khác như: đầy hơi, tức nặng bụng, trung tiện nhiều…
Các triệu chứng này thường liên quan đến chế độ ăn uống. Ví dụ khi ăn các thức ăn không phù hợp sẽ xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa ngay lập tức. Nếu kiêng khem thì các triệu chứng sẽ biến mất.
Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định, người bị hội chứng ruột kích thích cần thay đổi lối sống và điều chỉnh chế độ ăn uống.
Cần thực hiện lối sống lành mạnh, có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Từ bỏ các thói quen có hại như lạm dụng rượu, bia, hút thuốc lá. Tạo tinh thần thoải mái, vui vẻ, tránh lo âu, căng thẳng kéo dài.
2. Chế độ dinh dưỡng phù hợp với người bị hội chứng ruột kích thích
Vì đây là căn bệnh có mối liên quan chặt chẽ đến ăn uống nên việc điều chỉnh chế độ ăn và lựa chọn thực phẩm là biện pháp hiệu quả để cải thiện triệu chứng của hội chứng ruột kích thích.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người bị hội chứng ruột kích thích ngoài việc chú ý ăn uống đủ chất dinh dưỡng thì nên sử dụng các thức ăn được chế biến mềm, dễ tiêu hóa.
Trường hợp có biểu hiện táo bón thì nên tăng cường chất xơ để thúc đẩy nhu động ruột, kích thích tiêu hóa như: ngũ cốc, rau lang, rau mồng tơi, khoai lang, chuối, bơ, đu đủ… Nếu bị tiêu chảy nên áp dụng chế độ ăn ít chất xơ.
Nên ăn rau nấu chín hơn rau sống vì rau nấu chín dễ tiêu hóa hơn. Các phương pháp nấu ăn ít chất béo như hấp, luộc cũng có thể giúp tránh được các triệu chứng khó chịu.
Bổ sung nhóm thực phẩm giàu omega - 3 chống oxy hóa bảo vệ hệ tiêu hóa như: cá hồi, bơ, dầu oliu,…
Chú ý ăn đúng giờ và uống đủ nước, trung bình 2 lít/ngày.
3. Lưu ý tránh thực phẩm làm nặng thêm bệnh
Cần tránh ăn các đồ ăn gây kích thích, rối loạn tiêu hoá. Nếu đã ăn một loại thực phẩm mà có biểu hiện đau bụng rối loạn tiêu hóa vài lần thì nên hạn chế. Tốt nhất là tránh không ăn loại thực phẩm đó nữa.
Nếu có tình trạng đầy hơi gây khó chịu cần loại bỏ các thực phẩm sinh hơi như bắp cải, đồ uống có gas…
Một số trường hợp người bệnh không dung nạp gluten sẽ bị tiêu chảy, đau bụng khi sử dụng thực phẩm này (như lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen) thì cần loại bỏ chúng ra khỏi danh sách thực phẩm hằng ngày.
Hạn chế sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa nếu có biểu hiện không dung nạp lactose. Nên dùng ít một hoặc kết hợp sữa với các loại thực phẩm khác để hạn chế triệu chứng.
Hạn chế sử dụng các chất kích thích, rượu, bia, cà phê, gia vị cay nóng, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhiều dầu mỡ. Thực phẩm chế biến sẵn như: thịt nguội, thịt xông khói, xúc xích… và đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ thường gây khó tiêu, đồng thời chứa nhiều chất béo bão hòa không tốt cho sức khỏe.
Lưu ý không ăn nhanh, bởi khi ăn nhanh, bạn sẽ nuốt nhiều không khí hơn nên dễ gây đầy hơi, khó chịu bụng. Hãy cố gắng ăn chậm và nhai kỹ hơn. Không nên ăn quá no. Tốt nhất nên chia thành nhiều bữa nhỏ, mỗi lần ăn lượng thức ăn vừa phải để giảm bớt áp lực cho hệ tiêu hoá. Không nên vận động mạnh hoặc nằm ngủ ngay sau bữa ăn.
Xem thêm video đang được quan tâm
Dùng thuốc điều trị đau bụng do rối loạn tiêu hóa như thế nào