1. Giá trị dinh dưỡng của cà tím
Cà tím là một thành viên của họ thực vật họ cà, được các nhà nghiên cứu xếp vào nhóm danh sách cây trồng có giá trị do chúng chứa các hợp chất chống oxy hóa anthocyanin đặc biệt có lợi cho sức khỏe.
Cà tím có rất nhiều lợi ích, nó chứa một lượng lớn chất chống oxy hóa, các chất dinh dưỡng thực vật đặc biệt gồm các hợp chất phenolic, flavonoid như nasunin, cũng như nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
Theo phân tích thành phần dinh dưỡng, trong một cốc cà tím sống (khoảng 82g) có chứa khoảng:
- 20,5 calo
- 4,8 carbohydrate
- 0,8 gam chất đạm
- 0,1 gam chất béo
- 2,5 gam chất xơ
- 0,2 miligam mangan (10% giá trị hằng ngày - DV)
- 18 microgam folate (5% DV)
- 189 miligam kali (5% DV)
- 2,9 microgam vitamin K (4% DV)
- 1,8 miligam vitamin C (3% DV)
- 0,5 miligam niacin (3% DV)
- 0,1 miligam vitamin B6 (3% DV)
- 11,5 miligam magiê (3% DV)
- 0,1 miligam đồng (3% DV)
Cà tím có lượng calo thấp nhờ hàm lượng chất xơ và nước cao, cho nên đây là thực phẩm lành mạnh tốt cho tiêu hóa và hữu ích cho những người muốn giảm cân.
2. Tác dụng của chất chống oxy hóa đặc biệt trong cà tím
Một trong những lợi ích sức khỏe được nghiên cứu nhiều nhất của cà tím là nguồn chất chống oxy hóa phong phú. Cà tím chứa một loại chất chống oxy hóa hơi hiếm và đặc biệt có lợi được gọi là nasunin.
Nasunin là một loại chất chống oxy hóa anthocyanin được tìm thấy trong các loại cà tím. Giống như các chất chống oxy hóa khác, nó có khả năng chống lại các gốc tự do gây hại trong cơ thể. Đây thường là nguyên nhân phát triển bệnh tật và thúc đẩy quá trình lão hóa của cơ thể. Hầu hết nasunin có trong loại rau quả này được tìm thấy trong lớp vỏ màu tím đẹp mắt của cà tím.
Theo các nghiên cứu, nasunin là một chất chống viêm và stress oxy hóa mạnh, có liên quan đến khả năng giúp các tế bào tiếp nhận và sử dụng các chất dinh dưỡng từ thức ăn và loại bỏ chất độc. Nó được sử dụng để giúp cơ thể hấp thụ sắt và liên kết các phân tử với các tác nhân kim loại độc hại, ví dụ như thủy ngân, asen và chì, sau đó đưa nó ra khỏi cơ thể. Nếu không có đủ chất chống oxy hóa như nasunin trong cơ thể, chất độc và chất thải sẽ tích tụ lại làm tăng nguy cơ gây bệnh, có thể là ung thư, bệnh tim, viêm khớp…
Nasunin đã được chứng minh là có khả năng bảo vệ cơ thể chống lại tổn thương DNA và màng tế bào do stress oxy hóa gây ra, vì nó có tác dụng tích cực đối với thành tế bào. Nó cũng có khả năng bảo vệ lớp chất béo của màng tế bào, giữ cho cấu trúc của nó nguyên vẹn, ngăn ngừa đột biến hoặc chết tế bào.
Ngoài nasunin, cà tím còn chứa nhiều chất dinh dưỡng thực vật khác như axit chlorogen. Axit chlorogen là loại polyphenol có giúp điều hòa chuyển hóa glucose và lipid.
Axit cholorogenic được tìm thấy trong thành tế bào của một số loại thực vật, rất có lợi trong việc ngăn chặn các gốc tự do hình thành tế bào ung thư và dẫn đến sự phát triển của khối u ung thư. Ngoài tác dụng chống đột biến và chống khối u, axit cholorgenic được cho là hoạt động như một chất kháng khuẩn, chống LDL (cholesterol xấu) và kháng virus, nghĩa là nó bảo vệ cơ thể chống lại các mức độ viêm và hình thành các loại bệnh khác nhau.
3. Cách ăn cà tím có lợi cho sức khỏe nhất
Cà tím thường có bán ở chợ quanh năm, nhưng ngon nhất vào những tháng cuối hè, kéo dài từ khoảng tháng 8 đến tháng 10. Khi chọn cà tím, bạn nên chú ý những quả cà tím có vỏ mịn màng, sáng bóng, màu sắc tím tươi đồng nhất và cầm chắc tay. Tránh mua những quả cà tím có vỏ bị nhăn hoặc có nhiều vết thâm, sạm trên vỏ.
Sau khi mua về, nên chế biến ngay là ngon nhất. Nếu chưa ăn ngay có thể bảo quản trong tủ lạnh bằng cách bọc trong khăn giấy. Không nên đông lạnh cà tím vì có thể làm thay đổi kết cấu và khiến cà bị úng nước.
Về cách chế biến, cà tím nấu chín được chứng minh là có nhiều lợi ích cho sức khỏe hơn. Việc nấu chín cà tím không ảnh hưởng đến tác dụng tích cực của các chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa của nó.
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cà tím có nhiều chất dinh dưỡng, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như xào, nướng, bung... Khi chế biến nên nấu lửa nhỏ để nấu cà tím. Không nên đun ở nhiệt độ quá cao sẽ mất nhiều chất dinh dưỡng.
Do trong cà tím có chứa một loại protein và một số chất chuyển hóa có tác dụng như một loại histamin nên có thể gặp hiện tượng ngứa ở ngoài da và miệng sau khi ăn. Để tránh bị ngứa sau khi ăn cà tím cần nấu chín kỹ cà tím.
Không nên ăn quá nhiều cà tím. Không nên uống nước ép cà tím rất dễ xảy ra ngộ độc solanine.
Trước khi chế biến nên ngâm cà tím qua nước pha muối, sau đó rửa lại sẽ giúp làm mềm và loại bỏ gần hết vị đắng. Nên ăn cả vỏ cà tím vì vỏ cà tím còn chứa vitamin nhóm B và vitamin C rất có lợi cho sức khỏe.
Xem thêm video đang được quan tâm
Ngâm rau sống vào nước muối có diệt được giun sán?