Các yếu tố nguy cơ gây đau lưng cần biết

22-09-2024 12:31 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Hầu như bất kỳ ai cũng trải qua một hoặc nhiều lần bị đau lưng. Phần lớn cơn đau lưng sẽ giảm dần khi thực hiện các trị liệu chăm sóc tại nhà. Một số hiếm trường hợp đau lưng có thể là một dấu hiệu của bệnh toàn thân nghiêm trọng cần đi khám bác sĩ.

Chớ chủ quan với những cơn đau lưngChớ chủ quan với những cơn đau lưng

SKĐS - Đau lưng là một triệu chứng thường gặp ở người lớn tuổi và có xu hướng ngày càng phổ biến hơn ở người trẻ tuổi.

Nguyên nhân gây đau lưng

Đau lưng thường diễn tiến mà không có nguyên nhân rõ ràng, bác sĩ có thể xác định bằng các xét nghiệm hay nghiên cứu trên phim. Các triệu chứng thường liên quan đến đau lưng bao gồm:

- Căng cơ hoặc dây chằng: Việc nâng vật nặng lặp lại nhiều lần hoặc một cử động đột ngột bất ngờ có thể làm cơ lưng và dây chằng cột sống bị kéo căng. Khi sức khỏe toàn thân kém, việc kéo căng vùng lưng liên tục có thể gây ra các cơn đau co thắt cơ.

- Viêm khớp: Viêm xương khớp có thể ảnh hưởng đến lưng dưới. Trong một số trường hợp, viêm khớp ở cột sống có thể làm hẹp không gian xung quanh tủy sống, tình trạng này được gọi là hẹp đốt sống.

- Bệnh loãng xương: Với bệnh lý loãng xương, các xương trở nên xốp và dễ gãy, do đó các đốt sống ở vùng cột sống có thể bị nứt gãy gây đau đớn.

Các yếu tố nguy cơ gây đau lưng

Bất cứ ai cũng có thể bị đau lưng, cả với trẻ em và thanh thiếu niên. Những yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ đau lưng của bạn:

- Tuổi: Người lớn tuổi thường hay bị đau lưng hơn, bắt đầu từ khoảng 30 hay 40 tuổi.

- Nâng đồ vật không đúng cách: Khi nâng đồ vật lên, nếu không dùng lực ở chân mà dùng lực của lưng có thể dẫn đến đau lưng.

- Ít vận động: Các cơ ở vùng lưng và bụng nếu không được luyện tập thường xuyên sẽ yếu và có thể dẫn đến đau lưng.

- Thừa cân: Trọng lượng cơ thể dư thừa gây tăng áp lực lên lưng của bạn

- Một số bệnh lý: Một số bệnh viêm khớp và ung thư có thể góp phần gây ra đau lưng.

- Tình trạng tâm lý: Những người dễ bị trầm cảm và lo lắng có nguy cơ bị đau lưng cao hơn.

- Hút thuốc: Những người hút thuốc lá có tỷ lệ đau lưng cao hơn. Điều này có thể do hút thuốc khiến phản xạ ho nhiều hơn, có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm. Hút thuốc cũng có thể làm giảm lưu lượng máu đến cột sống và làm tăng nguy cơ loãng xương.

Các yếu tố nguy cơ gây đau lưng cần biết- Ảnh 2.

Đau lưng thường diễn tiến mà không có nguyên nhân rõ ràng.

Đau lưng khi nào nên đi khám?

Đau lưng có các triệu chứng thay đổi, từ nhức mỏi cơ cho đến cơn đau nhói, nóng rát hay đau "như dao đâm". Ngoài ra, cơn đau có thể lan xuống chân và cơn đau tăng nhiều khi thực hiện các vận động vặn người, xoắn, nâng đồ vật, thay đổi tư thế hay đi bộ.

Hầu hết cơn đau lưng sẽ giảm dần khi thực hiện các trị liệu chăm sóc tại nhà, trong thời gian khoảng vài tuần.

Một số hiếm trường hợp đau lưng có thể là một dấu hiệu của bệnh toàn thân nghiêm trọng. Nên đi khám ngay nếu cơn đau lưng của bạn có các triệu chứng:

- Có thêm vấn đề ở ruột hay bàng quang (ảnh hưởng đến việc tiêu tiểu); Đau lưng đi kèm với sốt; Sau khi bị ngã, va đập vào lưng hay các chấn thương khác.

- Cơn đau không giảm trong vài tuần; Cơn đau tăng thêm và không cải thiện khi nghỉ ngơi.

- Đau lan xuống mông và một hoặc hai chân, đặc biệt nếu cơn đau lan xuống bên dưới đầu gối và bàn chân.

- Chân bị yếu đi, tê hoặc ngứa ran ở một hoặc hai chân.

- Teo cơ.

- Đi kèm với bị sụt cân không rõ nguyên nhân.

Lời khuyên thầy thuốc

Đau lưng là vấn đề thường gặp, khi có các biểu hiện đau lưng người bệnh cần nghỉ ngơi, làm việc vừa sức, không mang vác nặng khiến tình trạng đau lưng thêm nặng hơn.

Ngoài ra, để giảm đau lưng có thể sử dụng chườm nóng hoặc chườm lạnh. Hơi nóng làm giảm co thắt và đau cơ. Hơi lạnh giúp giảm sưng và làm tê liệt chỗ đau nặng. Cần có một chế độ ăn uống đầy đủ canxi và vitamin D sẽ tốt cho cơ, xương, khớp. Chế độ ăn uống lành mạnh tránh tình trạng thừa cân, béo phì, gây áp lực lớn lên cột sống.

Chọn đệm ngủ có độ mềm vừa phải, không quá cứng hoặc quá mềm. Đảm bảo nâng đỡ tốt cột sống, đặc biệt vùng vai và mông trong khi ngủ, cột sống phải được giữ thẳng. 

Khi làm việc cần giữ tư thế ngồi đúng (giữ thẳng lưng, bàn làm việc phù hợp với chiều cao để tránh tình trạng gập lưng hoặc cúi thấp quá mức cột sống cổ khi làm việc, vị trí ngồi nên có chỗ tựa lưng). Thường xuyên thay đổi tư thế, sau 60 phút ngồi nên đứng lên di chuyển hoặc vận động nhẹ nhàng tại chỗ.

Thường xuyên tập thể dục, có thể dành 30 phút để vận động cơ thể mỗi ngày, ưu tiên thực hiện những bài tập cơ bụng và cơ lưng, bài tập sức mạnh cho cơ chân.

Tuy vậy, các biện pháp trên chỉ làm giảm bớt cơn đau tạm thời, nếu tình trạng đau lưng kéo dài thì cần đi khám để các bác sĩ có những biện pháp điều trị kịp thời.

Điểm mặt các 'thủ phạm' gây đau lưngĐiểm mặt các "thủ phạm" gây đau lưng

SKĐS - Lưng là một cấu trúc phức tạp, cấu thành bởi xương, cơ, khớp và dây thần kinh. Đau lưng là căn bệnh thường gặp, phổ biến ở nhiều người. Đó cũng là triệu chứng của nhiều bệnh…

BS Phạm Thị Hoa
Ý kiến của bạn