Rối loạn mỡ máu là gì?
Rối loạn mỡ máu hay còn gọi là rối loạn lipid máu là tình trạng bệnh khi có một hoặc nhiều chỉ số mỡ máu bị rối loạn. Các chỉ số có thể bao gồm: tăng cholesterol máu, tăng triglyceride (TG) máu, tăng chỉ số LDL cholesterol hoặc giảm thấp HDL cholesterol.
Biểu hiện của rối loạn mỡ máu
Rối loạn mỡ máu có triệu chứng gì? Biểu hiện của rối loạn mỡ máu trên lâm sàng không có gì nhiều. Tình trạng rối loạn mỡ máu chỉ có thể phát hiện thông qua xét nghiệm máu. Tuy nhiên cũng có thể có một số triệu chứng đặc hiệu ngoại vi như:
- Ban vàng xanthomas
- Xuất hiện gân Achilles ở khớp khuỷu tay hoặc khuỷu chân của bệnh nhân.
Tuy nhiên các triệu chứng lâm sàng này rất hiếm gặp.
BSCKI Lưu Thúy Quỳnh - Khoa Nội tiết, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 giải đáp thông tin về rối loạn mỡ máu.
Nguy cơ gây rối loạn mỡ máu
Tất cả mọi đối tượng đều có nguy cơ mắc rối loạn mỡ máu. Trong thực hành lâm sàng, các yếu tố nguy cơ dẫn đến tăng rối loạn mỡ máu được chia làm các nhóm: nhóm các yếu tố nguy cơ không thay đổi được; nhóm yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được liên quan đến yếu tố hành vi; các bệnh lý đi kèm.
Nhóm nguy cơ không thay đổi được gây rối loạn mỡ máu
- Tiền sử gia đình. Nếu trong gia đình có người thân mắc rối loạn mỡ máu, sẽ làm tăng nguy cơ mắc rối loạn mỡ máu.
- Tuổi. Tuổi càng cao nguy cơ mắc rối loạn mỡ máu càng cao.
- Giới tính. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, giới tính nam có nguy cơ mắc rối loạn mỡ máu cao hơn so với nữ ở trước tuổi mãn kinh.
Nhóm nguy cơ thay đổi được có liên quan đến hành vi
Nhóm nguy cơ này có bao gồm:
- Chế độ dinh dưỡng: Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa (trans fat).
- Lối sống tĩnh tại, hoạt động thể chất ít.
- Hút thuốc lá cũng là những yếu tố nguy cơ cao gây rối loạn mỡ máu.
Các bệnh lý đi kèm
Các bệnh lý đi kèm có thể gây tăng rối loạn mỡ máu hay được nhắc đến bao gồm:
- Béo phì
- Đái tháo đường
- Bệnh tăng cholesterol có tính chất gia đình
- Bệnh lý suy giáp
Với các bệnh nhân có rối loạn mỡ máu, không thể can thiệp vào các yếu tố không thay đổi (tuổi tác, giới tính, tiền sử gia đình…). Vì vậy, bệnh nhân có thể can thiệp vào các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được, như: điều chỉnh chế độ ăn, chế độ luyện tập và điều trị các bệnh lý đi kèm.
Với chế độ ăn có thể chuyển đổi chế độ dinh dưỡng sang việc sử dụng các chất béo không bão hòa để có lợi cho sức khỏe. Chất béo không bão hòa thường có trong các loại thức ăn như: quả bơ, dầu oliu, dầu nành, hạt hạnh nhân…
Về chế độ luyện tập: Việc tập luyện, giảm cân sẽ hỗ trợ điều trị rối loạn mỡ máu.
Về điều trị các bệnh lý đi kèm: Cần điều trị các các bệnh lý béo phì, đái tháo đường hoặc suy giáp kèm theo.
Đây là những phương pháp giúp hạn chế được những biến chứng lâu dài của rối loạn mỡ máu.
Điều trị rối loạn mỡ máu ở bệnh nhân đái tháo đường
Với những bệnh nhân mắc đái tháo đường bị rối loạn mỡ máu sẽ được điều trị theo khuyến cáo của ADA (Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ). Với mỗi bệnh nhân rối loạn mỡ máu sẽ được cá thể hóa theo tuổi và theo bệnh lý tim mạch đi kèm. Theo đó mỗi bệnh nhân sẽ được lựa chọn liệu pháp điều trị (dinh dưỡng, vận động, Statin khi dùng thuốc) và có thể phối hợp với thuốc Ezetimibe khi cần thiết.
Xem thêm video được quan tâm:
Dịch Mũi Đổi Màu Cảnh Báo Bệnh Gì? |SKĐS