Hà Nội

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc sa sút trí tuệ

06-09-2019 15:05 | Y học 360
google news

SKĐS - Mặc dù chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra chứng sa sút trí tuệ, nhưng có những yếu tố nguy cơ được biết đến có thể làm tăng khả năng mắc chứng sa sút trí tuệ.

Khi dân số thế giới tiếp tục già đi, tỷ lệ bệnh sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer cũng tăng tỷ lệ thuận. Điều quan trọng là phải nhận thức và có các biện pháp làm giảm những yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ. Dưới đây là các yếu tố nguy cơ cho chứng sa sút trí tuệ.

Tăng cân

Nghiên cứu cho thấy những cá nhân có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn có nguy cơ phát triển bệnh sa sút trí tuệ cao hơn người bình thường. Cứ tăng mỗi 5 đơn vị BMI là đủ để tăng nguy cơ 30% mắc chứng sa sút trí tuệ. Tốt nhất, giữ chỉ số khối cơ thể (BMI) của bạn dưới 23 và trên 18,5 dành cho người châu Á. Nếu chỉ số BMI của bạn trên 23 là thừa cân và trên 25 là béo phì. Kiểm soát vòng eo trong giới hạn cho phép: Đàn ông <90cm và phụ nữ <80 cm theo chuẩn người châu Á.

Tăng lượng đường trong máu

Nếu mắc bệnh đái tháo đường, nhưng không kiểm soát tốt sẽ làm tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ. Lý do là vì lượng đường trong máu cao có thể gây tổn thương cho tất cả mạch máu và các cơ quan của cơ thể, kể cả tế bào não. Ngay cả khi không bị đái tháo đường, nhưng mức đường trong máu nằm trong giới hạn tiền đái tháo đường, cũng đã gây ra các ảnh hưởng xấu lên tế bào não. Các nghiên cứu cho thấy những cá nhân mắc tiền đái tháo đường tăng 20% chứng sa sút trí tuệ. Chẩn đoán tiền đái tháo đường khi có một trong các rối loạn sau đây:

Rối loạn glucose huyết đói (impaired fasting glucose: IFG): Glucose huyết tương lúc đói từ 100 (5,6mmol/L) đến 125mg/dL (6,9 mmol/L), hoặc rối loạn dung nạp glucose (impaired glucose tolerance: IGT): Glucose huyết tương ở thời điểm 2 giờ sau khi làm nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống 75g từ 140 (7.8 mmol/L) đến 199mg/dL (11 mmol/L), hoặc HbA1c từ 5,7% (39 mmol/mol) đến 6,4% (47 mmol/mol).

Sống một cuộc sống tĩnh tại

Chính lối sống không lành mạnh, thiếu hoạt động thể chất đang làm tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ. Nghiên cứu cho thấy, tập thể dục có tác dụng bảo vệ tế bào não, và có thể ngăn ngừa mất trí nhớ. Ngay cả khi trọng lượng cơ thể trong giới hạn cho phép, không bị béo phì, bạn cũng không nên lười vận động, vì vẫn tạo nguy cơ cho chứng sa sút trí tuệ. Siêng năng tập thể dục là cách tốt nhất để duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần. Nếu không thể tập các môn thể dục cần nhiều sức mạnh, bạn chỉ cần đi bộ 30 phút hàng ngày vẫn đem lại hiệu quả mong muốn.

Không ăn đủ chất béo lành mạnh

Nhiều người chọn một chế độ ăn uống không có chất béo hoặc bỏ qua chất béo vì tin rằng chất béo sẽ làm tăng cân và có hại cho tim mạch. Nhưng ăn đúng loại và lượng chất béo không những giữ cho bạn khỏe mạnh, mà còn có thể bảo vệ não bộ của bạn. Nghiên cứu cho thấy những người tiêu thụ nhiều chất béo hơn carbohydrate khoảng 42% cho thấy ít phát triển tình trạng suy giảm nhận thức. Đối với người lớn, nên ăn ít nhất hai suất cá giàu acid béo omega-3 một tuần, khối lượng một suất cá là 99g. Các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi và cá ngừ, sữa chua, phô mai là các thực phẩm cung cấp chất béo tốt. Sử dụng chất béo lành mạnh, như dầu ô liu và dầu canola, thay vì dùng bơ hoặc mỡ lợn.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc sa sút trí tuệKiêng cữ chất béo quá không tốt cho sức khỏe não bộ.

Thiếu vitamin D

Vitamin D là một vitamin quan trọng cho một số chức năng khác nhau cơ thể, đặc biệt chức năng não. Các nghiên cứu cho thấy những người có mức vitamin D thấp nhất có nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ cao hơn 53%. Khuyến cáo gợi ý rằng để duy trì mức độ lành mạnh hầu hết người lớn trung bình cần 1.000 - 2.000 đơn vị quốc tế vitamin D mỗi ngày. Ánh sáng mặt trời là nguồn gốc tự nhiên mạnh mẽ nhất cho vitamin D. Chỉ cần khoảng 10 phút tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mùa hè có thể cung cấp cho bạn với 3.000 - 5.000 IU vitamin D

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc sa sút trí tuệNên duy trì thói quen tắm nắng 15 phút mỗi ngày.

Uống soda

Soda không phải là một lựa chọn uống lành mạnh, đặc biệt là cho não. Tiêu thụ soda có liên quan với tăng nguy cơ bệnh Alzheimergần gấp ba lần. Đồ uống ngọt gây tăng tình trạng viêm ở não và có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ trong số những người có khuynh hướng mắc bệnh này.

Sống nơi đô thị

Các thành phố là những nơi tấp nập và ô nhiễm tiếng ồn và các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những cá nhân sống gần các khu vực có lưu lượng giao thông cao có nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ cao hơn 7% so với những người sống xa nơi đó ít nhất 300m. Các nghiên cứu khác cho thấy ô nhiễm không khí liên quan đến sức khỏe kém, vì có thể gây ra chứng viêm ở tim và não, có thể làm tăng nguy cơ chứng sa sút trí tuệ.

Sống một mình

So với những người đã lập gia đình hoặc có bạn tình, các cá nhân sống cô đơn thường có sức khỏe tồi tệ hơn. Trên thực tế, những người độc thân có nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ cao hơn 42% so với những người đã lập gia đình. Điều này là do những người sống một mình có tỷ lệ trầm cảm cao hơn, đây là một yếu tố nguy cơ khác cho chứng sa sút trí tuệ.

Thiếu ngủ

Thật khó để tránh căng thẳng trong cuộc sống ngày nay, nhưng mọi thứ có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát nếu bạn bị căng thẳng và không có đủ giấc ngủ. Nhiều nghiên cứu cho thấy ngủ không đủ giấc có thể gây ra nhiều vấn đề xấu cho sức khỏe, có thể dẫn đến sự mệt mỏi về tinh thần và thể chất và ảnh hưởng đến sự tập trung và trí nhớ của bạn, làm tăng nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ.


BS. Thanh Hải
Ý kiến của bạn