Lồng ruột là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở trẻ em, vì vậy việc phát hiện sớm là vô cùng quan trọng.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ lồng ruột ở trẻ
Lồng ruột thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt là từ 3 - 9 tháng; bé trai có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 - 3 bé gái. Hầu hết các trường hợp lồng ruột ở trẻ em < 2 tuổi thường không rõ nguyên nhân. Trẻ lớn hiếm gặp lồng ruột hơn và thường có nguyên nhân như: Túi thừa Meckel’s, nang ruột đôi, polyp ruột, u thành ruột. Ngoài ra, lồng ruột còn xảy ra nhiều hơn ở trẻ có tiền sử bệnh lý như: Trẻ bị nhiễm siêu vi hô hấp, viêm ruột, khối u trong ruột, polyp lòng ruột hoặc mắc bệnh gây rối loạn co bóp…
Hậu quả của lồng ruột là các mạch máu ruột bị thắt nghẹt, tổn thương, gây chảy máu. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh lồng ruột có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như: Hoại tử, thủng ruột, rách thành ruột gây nhiễm trùng ổ bụng và nhiễm trùng máu.
Dấu hiệu nhận biết trẻ lồng ruột
Biểu hiệu ban đầu thường gặp nếu trẻ bị lồng ruột là trẻ khỏe mạnh bỗng đột ngột khóc thét từng cơn do đau bụng. Khi đau trẻ có thể co gối vào ngực, bấu víu cha mẹ hoặc giãy giụa khóc lóc. Trẻ đau từng cơn một, lúc đầu mỗi cơn kéo dài khoảng 15 - 20 phút. Những cơn đau này càng về sau càng kéo dài và thường xuyên hơn.
Những triệu chứng khác gồm: Nôn ói, tiêu phân nhầy máu, u bụng, bụng trướng, trẻ mệt lả do mất nước, tiêu chảy, sốt. Giai đoạn đầu trẻ nôn ra thức ăn. Qua giai đoạn muộn, trẻ có thể bị nôn ra dịch xanh hoặc dịch vàng. Đại tiện ra máu thường sau khoảng 6 - 12 tiếng, trẻ có thể đại tiện ra máu đỏ hoặc nâu, phân có nước lầy nhầy hồng
Không phải mọi trẻ đều có tất cả triệu chứng kể trên. Một số trẻ không có cơn đau bụng rõ ràng, một số khác không bị đại tiện có máu hay có cục u trong bụng. Trẻ lớn hơn có thể chỉ đau bụng âm ỉ mà không có các triệu chứng khác.
Cách xử trí lồng ruột ở trẻ
Nếu trẻ có các biểu hiện nghi ngờ bị lồng ruột, bố mẹ cần đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế gần nhất. Các bác sĩ sẽ thăm khám, siêu âm (có giá trị lớn trong chẩn đoán), trong một số trường hợp cần thiết sẽ chỉ định chụp cộng hưởng từ MRI. Sau khi xác định trẻ bị lồng ruột, phương pháp sẽ điều trị có thể được chỉ định như sau:
Nếu trường hợp cấp cứu kịp thời: Trẻ sẽ được điều trị bằng phương pháp tháo lồng bằng hơi. Thủ thuật được thực hiện như sau: Đặt một ống thông nhỏ vào lòng trực tràng, bác sĩ sẽ bơm hơi từ từ vào ruột già với một áp lực có đồng hồ kiểm soát cho tới khi khối ruột bị lồng được tháo ra hoàn toàn.
Nếu tháo lồng bằng hơi thất bại (tỉ lệ thấp) do búi lồng quá chặt hoặc bệnh nhi đến muộn: Chỉ định phẫu thuật tháo lồng ruột. Trường hợp trong quá trình mổ nếu đánh giá đoạn ruột hoại tử thì bác sĩ sẽ phải cắt bỏ đoạn ruột bị hoại tử này và tái lập lưu thông tiêu hóa.
Nhiều người thường thắc mắc rằng liệu trẻ lồng ruột có tự khỏi được không? Trên thực tế rất ít các trường hợp lồng ruột có thể tự tháo mà không cần điều trị. Tuy nhiên, tình trạng này phải được bác sĩ xác định và theo dõi, thân nhân không được tự ý chờ cho khối lồng tự tháo.
Một điều cần lưu ý là lồng ruột có khả năng tái phát vài lần, cha mẹ nên chú ý biểu hiện của con mình sau khi điều trị. Khi có các biểu hiện tương tự như ban đầu, cha mẹ phải nghi ngờ và đưa trẻ vào bệnh viện khám lại sớm.
Tóm lại: Lồng ruột là hiện tượng thường gặp ở trẻ em và có nhiều triệu chứng, gây hiểu lầm với các bệnh tiêu hóa thông thường, đã có không ít trường hợp bệnh bị biến chứng do không xử lý kịp thời. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý quan sát và nhanh chóng nhận biết các triệu chứng bất thường ở trẻ, để đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế, tránh các biến chứng nguy hiểm do lồng ruột gây ra.
Mời độc giả xem thêm video:
Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-