Viêm đa khớp dạng thấp là màng hoạt dịch khớp bị ăn mòn ở các khớp ngoại biên, đối xứng. Mức độ ảnh hưởng ở nhiều vị trí khớp khác nhau, thường gặp nhất là các vị trí như khớp bàn tay, khớp cổ tay, mắt cá chân và bàn chân. Bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe sụn khớp, xương dưới sụn, màng hoạt dịch.
Hiện tại vẫn chưa thể nhận diện chắc chắn và đầy đủ nguyên nhân của bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Tuy nhiên, các yếu tố miễn dịch trong cơ thể có thể gây ra viêm khớp dạng thấp nếu gặp trục trặc. Vì thế, khác với những dạng bệnh xương khớp khác, viêm đa khớp dạng thấp được xếp vào nhóm bệnh tự miễn với rất nhiều yếu tố tạo thành bệnh.
Ở người bệnh viêm đa khớp dạng thấp sẽ nhận thấy tình trạng các tế bào bạch cầu có chức năng chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn và virus di chuyển từ máu vào trong màng bao quanh khớp. Những tế bào bạch cầu này vì một lý do nào đó mà hoạt động bất thường, tạo ra các protein gây viêm và các chất gây phản ứng viêm. Quá trình tự miễn này diễn ra âm thầm và khiến cho sức khỏe xương khớp suy yếu dần.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ gây viêm đa khớp dạng thấp
Mặc dù vẫn chưa chắc chắn về cơ chế thúc đẩy quá trình tự miễn, nhưng một số yếu tố nguy cơ dưới đây có thể góp phần thúc đẩy quá trình tự miễn gây ra viêm khớp dạng thấp.
- Yếu tố giới tính
Mặc dù chưa có nghiên cứu chắc chắn cũng như chưa thể giải thích nguyên nhân vì sao giới tính lại ảnh hưởng đến nguy cơ viêm đa khớp dạng thấp, nhưng yếu tố này được xem là một yếu tố nguy cơ. Dựa trên khảo sát từ các bệnh viện, tỉ lệ người mắc viêm đa khớp dạng thấp là nữ giới luôn cao hơn rất nhiều so với nam giới. Số người mắc viêm đa khớp dạng thấp là nữ giới thường cao hơn so với nam giới từ 2 – 3 lần. Ở một số nơi tỉ lệ này đạt từ 70 – 80% bệnh nhân là nữ giới.
- Yếu tố tuổi
Mặc dù bệnh có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ tuổi thiếu niên cho đến người cao tuổi. Tuy nhiên độ tuổi từ 40 – 60 tập trung nhiều người mắc viêm đa khớp dạng thấp nhất. Do đó, yếu tố tuổi tác có thể là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra viêm đa khớp dạng thấp ở bệnh nhân.
- Di truyền, tiền sử gia đình
Đây cũng là yếu tố nguy cơ gây viêm đa khớp dạng thấp đáng chú ý. Theo các chuyên gia, viêm đa khớp dạng thấp thường có tính di truyền. Những gia đình có thành viên mà tiền sử liên quan thường có tỉ lệ viêm đa khớp dạng thấp cao hơn so với người bình thường.
- Các nguyên nhân làm suy giảm miễn dịch
Do viêm đa khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, nên các yếu tố ảnh hưởng đến hệ miễn dịch đều có thể gây rối loạn cơ chế phòng vệ của các tế bào bạch cầu, dẫn đến hiện tượng tế bào bạch cầu tự tấn công vào màng bao quanh khớp. Đáng chú ý nhất trong các nguyên nhân làm suy giảm miễn dịch là môi trường sống ẩm thấp, cơ thể bị suy yếu, mệt mỏi, suy giảm miễn dịch do nhiễm lạnh, sau phẫu thuật và nhiều yếu tố khác làm cho hệ miễn dịch yếu đi.
Biểu hiện của bệnh viêm đa khớp dạng thấp
Khi bị viêm đa khớp dạng thấp, một đặc điểm đáng chú ý là dấu hiệu đối xứng. Khác với những bệnh xương khớp khác, viêm đa khớp dạng thấp thường có các triệu chứng đối xứng nhau ở cả hai bên cơ thể. Những vị trí viêm đối xứng như viêm hai bên đầu gối, viêm khớp ngón tay ở hai bên cùng vị trí, hai bàn tay… khi bị viêm đa khớp dạng thấp thường có triệu chứng cùng lúc với nhau.
Tình trạng sưng, phù nề các khớp thường xảy ra do tụ dịch dưới khớp. Đi kèm với tình trạng này là cảm giác tê, ngứa râm ran dưới khớp do các mô viêm tác động lên dây thần kinh cảm ứng đau dưới da. Người bệnh có thể bị sưng, phù nề, ngứa, tê đối xứng ở cả hai bên xảy ra phù nề.
Các hạt dưới da cũng là một trong số các đặc trưng của bệnh nhân viêm đa khớp dạng thấp. Tại các vị trí sưng đau sẽ xuất hiện những hạt cộm dưới da, thường tập trung nhiều ở vùng khớp và những bề mặt duỗi, các vùng gần mặt khớp khi thăm khám.
Dấu hiệu biến dạng khớp tại bàn tay, bàn chân thường xuất hiện ở bệnh nhân khi viêm đa khớp dạng thấp đã bắt đầu tiến triển nặng. Đa phần bệnh nhân viêm đa khớp dạng thấp có biến dạng khớp đều đã có các dấu hiệu của bệnh trong thời gian dài nhưng không được can thiệp, điều trị một cách phù hợp.
Biến dạng khớp cũng có các mức độ từ nhẹ đến nặng. Nếu vẫn không có hướng can thiệp, điều trị, tình trạng biến dạng khớp có thể dẫn đến tàn phế, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và vận động của bệnh nhân.
Lời khuyên thầy thuốc
Viêm đa khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, do đó các xét nghiệm rất cần thiết trong chẩn đoán bệnh. Người bệnh viêm khớp dạng thấp thường được chỉ định các xét nghiệm chung, đánh giá biểu hiện tại khớp, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm huyết học, xét nghiệm huyết thanh, chẩn đoán hình ảnh bằng X-quang… Tùy theo tình trạng của bệnh, một số trường hợp có thể cần xét nghiệm thêm chức năng gan, thận, X-quang tim phổi, điện tâm đồ…
Bệnh nhân được chẩn đoán là viêm đa khớp dạng thấp cần tuân thủ chỉ định của thầy thuốc. Việc điều trị tích cực ngay từ đầu có thể làm ngừng hay làm chậm tiến triển của bệnh, hạn chế tàn phế và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Do vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán.