Các yếu tố nguy cơ cao bị trầm cảm
Cùng với áp lực của công việc, cuộc sống, gia đình, ngày càng nhiều chị em bị stress và mắc hội chứng suy nhược thần kinh, hay rơi vào trạng thái trầm cảm.
Trầm cảm có liên quan mật thiết với sự gián đoạn của các chu kỳ kinh nguyệt. Giai đoạn mãn kinh thường kết hợp với sự tăng tần suất và độ nghiêm trọng của trầm cảm. Cộng hưởng với các yếu tố nguy cơ cao như: đổ vỡ gia đình, khó khăn kinh tế, con cái hư hỏng, lo lắng trong nghề nghiệp, tiền căn bệnh mạn tính, mất người thân… thì tình trạng trầm cảm càng dễ phát sinh và khó lường.
Những biểu hiện trầm cảm ở phụ nữ tuổi mãn kinh thường bắt đầu bằng việc họ có những thay đổi về tâm lý, hành vi và cảm xúc. Chị em thường cảm thấy:
- Buồn rầu, ủ rũ, bực bội, khó chịu
- Cảm giác mệt mỏi, thiểu lực, uể oải, khó tập trung và không thể nắm bắt được thông tin, giảm sút lòng tự tin.
- Có ý nghĩ chán nản, buông xuôi, ít chăm sóc bản thân hoặc gia đình, tự cho mình không xứng đáng hoặc tự nghĩ mình có lỗi.
- Bị rối loạn giấc ngủ (khó ngủ, ít ngủ, thức dậy sớm hoặc ngủ nhiều).
- Có triệu chứng sút cân nhanh.
- Giảm ham muốn tình dục, ít ngủ, thức giấc sớm, có kèm hoang tưởng và ảo giác.
Trầm cảm đặc biệt có liên quan đến những phụ nữ có các triệu chứng rối loạn vận mạch. Qua khảo sát mối liên hệ giữa các bệnh lý tim mạch và triệu chứng trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh cho thấy, trầm cảm có liên quan mật thiết với các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch (hút thuốc lá, dinh dưỡng thấp, kém vận động, dư cân béo phì, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu…). Điều đặc biệt nguy hiểm đối với bệnh nhân trầm cảm là họ thường có suy nghĩ tiêu cực đối với bản thân như chán sống, tự tử…
Trầm cảm có liên quan mật thiết với tình trạng hormone của người phụ nữ. Cơ thể đã trải qua những thay đổi to lớn trong và sau thời kỳ mãn kinh. Lượng estrogen suy giảm nghiêm trọng giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh được coi là yếu tố then chốt khiến phụ nữ phải đối mặt với nguy cơ cao bị trầm cảm.
Sự thay đổi một số hormone khác cũng có thể gây trầm cảm như bệnh tuyến giáp, đái tháo đường và một số bệnh về rối loạn chuyển hóa khác.
Trầm cảm cũng có liên quan mật thiết với tình trạng suy chức năng buồng trứng sớm. Mối tương tác ngược lại, thì trầm cảm là một trong những nguyên nhân gây mãn kinh sớm ở người phụ nữ.
Cần làm gì để phụ nữ mãn kinh đối phó với trầm cảm?
Phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh cần được tư vấn về tâm lý để phát hiện và điều trị sớm chứng trầm cảm. Đặc biệt những trường hợp có triệu chứng tiền mãn kinh rầm rộ cũng như có tình trạng gia đình, kinh tế không may mắn cần được khám và tầm soát trầm cảm để phát hiện sớm và có hướng điều trị kịp thời nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho họ.
Người thân nên gần gũi, chia sẻ, động viên phụ nữ vượt qua các rối loạn mãn kinh.
Có chế độ ăn uống phù hợp, khoa học. Bổ sung thực đơn hằng ngày nhiều rau củ, trái cây; hạn chế sử dụng chất béo, các chất kích thích hay cồn.
Vận dụng các bài tập thư giãn hàng ngày: hít thở, thư giãn cơ, thiền định và yoga sẽ giúp các chị cảm thấy thư giãn và thoải mái.
Tận hưởng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện như massage, xông hơi, tắm khoáng,… giúp các cơ trên cơ thể được thư giãn và phục hồi.
Đẩy lùi suy nghĩ tiêu cực, tránh stress.
Việc điều trị bằng các thuốc chống trầm cảm phải dùng theo đúng chỉ định, có trường hợp phải dùng suốt đời, không được bỏ thuốc giữa chừng, kể cả khi các triệu chứng bệnh đã suy giảm, thì vẫn phải dùng thuốc duy trì.
Xem thêm video được quan tâm
Đau nhức xương khớp và một số các bài thuốc đông y đơn giản I SKĐS