Các yếu tố gây ung thư da và cách phòng ngừa

20-05-2023 09:43 | Y học 360
google news

SKĐS - Ai cũng có thể bị ung thư da nhất là khi mọi người phải sống trong thời tiết ngày càng khắc nghiệt, ánh nắng mặt trời gay gắt, môi trường ô nhiễm và nhiều bức xạ…

Bệnh ung thư da là tình trạng phát triển bất thường của tế bào da, là một dạng ung thư phổ biến nhất hiện nay. Có 3 dạng ung thư da là: ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và khối u ác tính.

Nguyên nhân và dấu hiệu khi bị ung thư da

Ung thư da bắt đầu ở lớp biểu bì, đó là lớp mỏng cung cấp lớp vỏ bảo vệ các tế bào da mà cơ thể bạn liên tục bị bong ra. Phần lớn thiệt hại cho DNA trong các tế bào da là do bức xạ tia cực tím (UV) được tìm thấy trong ánh sáng mặt trời và trong ánh sáng được sử dụng trên giường tắm nắng. Nhưng cũng có trường hợp ung thư da phát triển trên da không thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Điều này chỉ ra rằng các yếu tố khác có thể góp phần vào nguy cơ ung thư da, chẳng hạn như tiếp xúc với các chất độc hại hoặc có tình trạng làm suy yếu hệ thống miễn dịch.

Bệnh ung thư da là tình trạng phát triển bất thường của tế bào da, là một dạng ung thư phổ biến nhất hiện nay. Ảnh minh họa

Bệnh ung thư da là tình trạng phát triển bất thường của tế bào da, là một dạng ung thư phổ biến nhất hiện nay. Ảnh minh họa

 Dấu hiệu nhận biết ung thư da

Vì da là lớp bảo vệ bên ngoài nên có rất nhiều biểu hiện người bệnh có thể nhìn nhận trực tiếp về ung thư da, có thể chú ý đến những dấu hiệu sau:

Da sần sùi từng mảng, đóng vảy, thô cứng.

Da xuất hiện nốt u hình tròn, hơi mờ, mềm, giống mụn nhưng không có nhân.

Da xuất hiện vùng tổn thương có màu đỏ, xỉn màu, cứng, lõm ở giữa, thường xuyên bị loét và mãi không lành

Nốt ruồi trở nên bất thường: thẫm màu hơn, thay đổi kích thước nhanh chóng

Yếu tố nguy cơ gây ung thư da

Nguy cơ mắc ung thư da tăng lên theo tuổi, nhất là sau 50 tuổi. Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư da gồm:

Da trắng: Da ít hắc tố (melanin) có khả năng bảo vệ chống tia cực tím thấp. Nếu bạn có mái tóc hoe vàng hoặc đỏ nâu, mắt sáng màu, da dễ bị tàng nhang hoặc dễ sạm nắng, nguy cơ ung thư da của bạn cao gấp 20 – 30 lần hơn so với những người có đặc điểm tương ứng sậm màu hơn.

Da mỏng: Da bị mỏng do bỏng hoặc tổn thương bởi các bệnh lý khác, hoặc một số biện pháp điều trị bệnh vẩy nến, có thể làm tăng nguy cơ ung thư da.

Tiền sử da sạm nắng và phơi nắng quá nhiều: Sạm nắng là một hiện tượng tự bảo vệ của da chống lại các tia mặt trời có hại. Người từng bị sạm nắng nặng một hoặc nhiều lần khi còn nhỏ có nguy cơ ung thư da tăng cao lúc trưởng thành. Người tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời, nhất là không dùng kem chống nắng hoặc không mặc quần áo bảo vệ, có nguy cơ cao bị ung thư da.

Nối ruồi: Những người bị loạn sản nơ-vi có nguy cơ cao bị ung thư da. Những nối ruồi này trông bất thường và lớn hơn những nốt ruồi thông thường. Trường hợp có quá nhiều nốt ruồi có nguy cơ cao gấp 15 - 20 lần bình thường.

Các sang thương da tiền ung thư: Mắc một số sang thương da, như chứng dày sừng quang hoá, có thể tăng nguy cơ phát triển ung thư da. Chúng thường là những mảng gồ ghề, có vảy, màu nâu hoặc hồng sậm, thường thấy ở da mặt, cẳng tay, bàn tay của những người có nước da trắng bị sạm nắng thường xuyên.

Môi trường: Tiếp xúc với những nguy hại của môi trường như môi trường như môi trường hoá chất, thuốc diệt cỏ cũng tăng nguy cơ ung thư da.

Tiền sử gia đình có người bị ung thư da: Nguy cơ ung thư da của bạn tăng lên nếu cha mẹ ruột hoặc anh chị em ruột đã bị bệnh này. Tiền sử bản thân: Người từng bị ung thư da sẽ có nguy cơ tái phát.

Hệ miễn dịch bị suy yếu: Những bệnh nhân ghép cơ quan phải sử dụng các thuốc ức chế hệ miễn dịch, người mắc bệnh ung thư máu, có nguy cơ cao ung thư da.

Hầu hết các bệnh ung thư da đều có thể phòng ngừa được.

Hầu hết các bệnh ung thư da đều có thể phòng ngừa được.

Biện pháp phòng ngừa ung thư da

Bất cứ ai, bất kể màu da, đều có thể bị ung thư da. Hầu hết các bệnh ung thư da đều có thể phòng ngừa được. Để bảo vệ bản thân, hãy thực hiện các bước sau:

Tránh ánh nắng mặt trời vào giữa ngày.

Sử dụng kem chống nắng hằng ngày kể cả khi không nắng và chọn lựa những loại phù hợp với làn da của mình.

Mặc quần áo chống nắng, đội mũ rộng vành, đeo kính bảo vệ khi đi ngoài trời nắng.

Chế độ dinh dưỡng hằng ngày chú trọng các thực phẩm chứa: beta caroteen, lutain, selennium, các loại vitamin…đều có trong ổi, dưa hấu, cam, chanh, các loại hạt, thịt, bánh mì…

Kiểm tra da của bạn thường xuyên để phát hiện thay đổi trong các nốt ruồi, tàn nhang, vết sưng và vết bớt hiện có.

Xem thêm video được quan tâm

Tập luyện khi nắng nóng thế nào để tránh sốc nhiệt


Bs. Vũ Khanh
Ý kiến của bạn