Các ý kiến về vụ việc bác sĩ từ chối mổ dịch vụ cho một bệnh nhân

27-03-2015 01:24 | Thời sự
google news

SKĐS - Báo Sức khỏe&Đời sống số 48 ngày 25/3 có bài viết: “Thực hư vụ việc bác sĩ từ chối mổ dịch vụ cho một bệnh nhân”....

Báo Sức khỏe&Đời sống số 48 ngày 25/3 có bài viết: “Thực hư vụ việc bác sĩ từ chối mổ dịch vụ cho một bệnh nhân”. Ngay sau đó báo Sức khỏe&Đời sống đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi xung quanh vụ việc. Để giúp bạn đọc thêm thông tin, chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến:

Đừng để bệnh nhân hiểu lầm người thầy thuốc (*)

Ảnh: Lê Phương

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, sự ứng xử của bác sĩ với bệnh nhân là vô cùng quan trọng. Trong trường hợp không phải cấp cứu nhưng bác sĩ không thể mổ được vì lý do công việc, BS nên giải thích và người bệnh nên thông cảm. Sự cảm thông giữa hai phía thầy thuốc và bệnh nhân là vô cùng quan trọng để phục vụ lợi ích vì sức khỏe trước tiên của bệnh nhân, sau là mới tới thầy thuốc.

TS. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế:

Việc từ chối bệnh nhân trên là hoàn toàn đúng chuyên môn và phù hợp quy định

Trao đổi với phóng viên về vụ việc này, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết: “Thứ nhất phải căn cứ vào Luật Khám, chữa bệnh. Theo luật, người bệnh được quyền khám, chữa bệnh theo yêu cầu và điều kiện thực tế. Người bệnh được giải thích, tư vấn rõ ràng về hiện trạng bệnh và rủi ro có thể xảy ra khi điều trị. Quyền của người bệnh gắn với nghĩa vụ của người khám, chữa bệnh. Người thầy thuốc cần sơ, cấp cứu kịp thời và đối xử bình đẳng với mọi người bệnh. Nghiêm cấm từ chối hoặc chậm cấp cứu người bệnh. Với trường hợp cụ thể này, đây không phải là trường hợp cấp cứu nên bác sĩ từ chối để phục vụ người bệnh cấp cứu là phù hợp quy định. Về mặt đạo đức, người thầy thuốc ưu tiên các ca bệnh khẩn, cấp cứu, không phân biệt là ai. BS. Quyết làm quản lý và kiêm thêm công tác chuyên môn, BS hoàn toàn có thể cân nhắc tùy theo chẩn đoán bệnh để đảm bảo an toàn cho các ca cả mẹ và bé. Trường hợp bệnh nhân nêu trên không phải ca cấp cứu, chỉ được chọn BS phù hợp với hiện trạng bệnh. Hơn nữa, các BS khác không kém gì về chuyên môn, y đức nên hoàn toàn phù hợp. Giả sử có một trường hợp người bệnh cấp cứu mà BS. Quyết từ chối để mổ dịch vụ cho người khác, sau đó ca cấp cứu xảy ra biến cố thì lúc đó chính BS. Quyết đã vi phạm chuyên môn và y đức. Vì vậy, việc từ chối bệnh nhân trên là hoàn toàn đúng chuyên môn và phù hợp quy định”.

LS Hoàng Mạnh Hùng - Phó trưởng Văn phòng Luật sư Việt Thành, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội:

Bác sĩ đã hoàn thành trách nhiệm đưa lời khuyên và tư vấn chuyên môn cho bệnh nhân khá đầy đủ

Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 23/11/2009 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2011 quy định về vấn đề này như sau: BS có quyền từ chối khám chữa bệnh cho bệnh nhân như: được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh mà tiên lượng bệnh vượt quá khả năng hoặc trái với phạm vi hoạt động chuyên môn của mình nhưng phải báo cáo với người có thẩm quyền hoặc giới thiệu người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để giải quyết. Trong trường hợp này, người hành nghề vẫn phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác; Được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu việc khám bệnh, chữa bệnh đó trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp.

Sự việc diễn ra như báo SK&ĐS nêu, BS. Quyết có quyền từ chối phẫu thuật cho bệnh nhân Trang.

BS. Quyết đã thực hiện trách nhiệm khám cho bệnh nhân Trang. Trước khi từ chối mổ cho bệnh nhân Trang để chuyển sang thăm khám cho những bệnh nhân khác đang chờ đợi, BS. Quyết cũng đã hoàn thành trách nhiệm đưa lời khuyên và tư vấn chuyên môn cho bệnh nhân Trang khá đầy đủ.

Giả sử BS. Quyết có thành kiến với nhà báo - bệnh nhân Trang - thì theo tôi, BS. Quyết đã từ chối khám ngay từ khi đọc hồ sơ bệnh nhân để tập trung thăm khám cho các bệnh nhân khác đang xếp hàng chờ đợi.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW Nguyễn Thế Kỷ:

Người phóng viên phải đưa đến cho bạn đọc những thông tin chính xác, khách quan nhất (*)

 

Ảnh: Lê Phương

Ảnh: Lê Phương

Nếu cô phóng viên đến bệnh viện với mục đích được chữa trị hoặc muốn được bác sĩ chăm sóc sức khỏe thì không cần giới thiệu mình là ai. Bởi khi đến viện, người bệnh chỉ có nhu cầu chữa khỏi bệnh.Ngay cả với những người nghèo khó nhất, có địa vị xã hội thấp nhất cũng không cần phải nói điều đó, còn đối với người có thân phận và địa vị xã hội càng cao thì càng không nên nói ra để cho người khác biết. Không nên tự cho mình có quyền nọ, quyền kia nhân danh một vị thế xã hội để phục vụ cho mục đích cá nhân. Hiện nay, có 1 số phóng viên trẻ do kiến thức và trải nghiệm chưa nhiều nên đôi khi xử lý công việc còn cảm tính, mà điều này là không nên.

Nhà báo Nguyễn Thùy Linh, PV báo VTC News:

Vội vã viết một bài báo phê phán - đó là vùi dập người có tâm với nghề

Nhiều nhà báo, trong đó có tôi thỉnh thoảng vẫn dùng cái thẻ nhà báo của mình để giải quyết một số việc... Nhưng tôi biết cái thẻ đó không phải là “bùa hộ mệnh” trong bất cứ trường hợp nào, đặc biệt khi mình đi khám chữa bệnh thì không bao giờ dùng nghiệp vụ vì mình là người có bệnh đang cần cứu chữa… Khi gặp bác sĩ, gặp công an, trước hết tôi vẫn coi mình là một công dân. Nếu sai, tôi sẽ xin lỗi rồi dùng lời lẽ nhũn nhặn để thuyết phục họ một cách có lý có tình nhất mà tôi có thể.

Tôi đã từng làm việc với BS. Vũ Bá Quyết - Giám đốc BV Phụ sản TW. Bằng cảm nhận từ cái đầu và trái tim, tôi không bao giờ nghĩ BS. Quyết “phũ phàng” đến vậy. Có thể BS - người từng bị “gài bẫy” và bị đưa lên báo nên bác ấy có phản ứng và buột miệng nói gì đó khiến ai đó thấy không chấp nhận được. Ai cũng có lúc như vậy, nhưng không đủ để viết một bài báo phê phán một con người có thể khiến người ấy bị cả xã hội nhìn nhận sai lệch. Điều đó là vùi dập một con người có tài và cũng có tâm với nghề, với bệnh nhân. Tôi thấy đau lòng!!! Các bạn có quá vội vàng không???

BS. Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới TW:

Bác sĩ quyết định vì chính lợi ích của người bệnh

BS. Quyết từ chối mổ trong trường hợp này là đúng, bởi BS phải chịu áp lực quá tải công việc. Sự không tỉnh táo và kiệt sức của thầy thuốc có thể gây nguy hại cho BN và cho chính bản thân BS. Chính vì thế, những công việc đòi hỏi độ chính xác cao như phẫu thuật, thủ thuật không được cố khi đã mệt mỏi sẽ ảnh hưởng tới tính mạng bệnh nhân. Nếu một phẫu thuật viên trong tâm lý bị ức chế thì không nên đứng mổ vì ca mổ sẽ không tốt cho bệnh nhân, trừ trường hợp không có ai thay thế hoặc phải xử trí cấp cứu ngay. Trong khi đó, BV Phụ sản Trung ương là một BV đầu ngành của sản khoa, có nhiều BS phẫu thuật tay nghề cao thực hiện được nên tốt nhất là giới thiệu cho BS khác mổ.

Trong y học có những quy định bất thành văn nhưng toàn thế giới vẫn tuân thủ như BS không mổ, trực tiếp điều trị cho người thân (cha, mẹ, vợ con...) vì tâm lý có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Và những đối tượng có mâu thuẫn cũng vậy. Điều đó xuất phát từ ích lợi của BN chứ không phải ích lợi của thầy thuốc.

Nguyễn Xuân Hoàng, Điều dưỡng gây mê Bệnh viện K:

Ưu tiên những trường hợp cấp cứu để giành giật sự sống cho họ - đó cũng là y đức

Tôi đồng tình với BS. Quyết từ chối mổ cho bệnh nhân Trang bởi phải ưu tiên BS có tay nghề cao để cứu những ca bệnh khó trước. Bệnh nhân nên biết và dành cho BS sự tôn trọng, trước hết là giữa con người với con người, sau là đối với người đã chữa bệnh cho mình. Không nên mang đồng tiền ra để làm thước đo giá trị con người và đánh giá y đức. Mỗi ngành nghề đều có đặc thù riêng, phải ở trong nghề thì mới thấu hiểu hết được.

Tôi đã từng được chứng kiến bệnh nhân viêm ruột thừa, đau đớn, khả năng vỡ cũng khá cao. Nhưng đã đưa bệnh nhân vào cửa phòng mổ rồi lại phải đưa ra vì lúc đó còn một bệnh nhân khác nặng hơn nhiều, khả năng tử vong cận kề, cần phải được ưu tiên giải quyết trước. Đương nhiên ai cũng cần được cứu chữa nhưng bệnh nhân nào cần cấp cứu để giành giật sự sống thì BS sẽ ưu tiên được làm trước - đó cũng là y đức.

Nhóm PVTS

(* Trích ý kiến bên lề Hội thảo “Báo chí với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân” tổ chức ngày 25/3 tại Hà Nội).

 

 

 


Ý kiến của bạn