Các xét nghiệm người bệnh tăng huyết áp cần làm

17-08-2024 18:03 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Thông thường tăng huyết áp không có triệu chứng gì đặc biệt trong một thời gian dài, thường được người bệnh phát hiện khi tình cờ đo huyết áp hoặc khám sức khoẻ tổng quát. Vậy các xét nghiệm mà người bệnh tăng huyết áp cần làm là gì?

Tăng huyết áp (còn gọi là cao huyết áp) là tình trạng huyết áp lớn hơn mức bình thường. Mức huyết áp bình thường khi đo < 120/80 mmHg, tiền tăng huyết áp trong khoảng 120-139/80-89 mmHg và cao huyết áp khi lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg.

Hệ lụy do tăng huyết áp gây ra là gì?

Khi tăng huyết áp có thể gây hệ lụy cho các cơ quan bao gồm não, mắt, tim, các động mạch trung tâm, các động mạch ngoại biên và thận.

  • Não: Cơn thiếu máu não thoáng qua hoặc đột quỵ là những biểu hiện phổ biến của tăng huyết áp. Ngoài ra còn có thể gặp tình trạng đau đầu nhiều, không kèm với tai biến mạch máu não. Các triệu chứng có thể gặp như đau đầu, rối loạn thần kinh, suy giảm nhận thức và mất trí nhớ, hoặc yếu liệt tay chân, nói ngọng, liệt mặt…
  • Mắt: Có thể gây xuất huyết võng mạc, phình vi mạch và phù gai thị ở bệnh nhân tăng huyết áp ác tính và tiến triển, biểu hiện bởi triệu chứng nhìn mờ, rối loạn thị giác.
  • Tim: Tăng huyết áp lâu ngày làm phì đại thất trái có thể dẫn đến suy tim, có thể biểu hiểu bởi triệu chứng ho khan, khó thở khi nằm, tăng về đêm, phù 2 chân. Ngoài ra trong tăng huyết áp cấp cứu có thể gây nhồi máu cơ tim, biểu hiện bởi triệu chứng đau thắt ngực, lan lên cổ vai, dẫn đến sốc, suy hô hấp.
  • Thận: Tăng huyết áp gây tổn thương thận, lâu dần có thể dẫn đến suy thận mạn tính. Trong cơn tăng huyết áp cấp cứu tổn thương thận có thể gặp triệu chứng tiểu máu.
  • Động mạch: Gây nên xơ vữa động mạch thường gặp ở động mạch cảnh, động mạch chủ, động mạch chi dưới.

Các xét nghiệm người bệnh tăng huyết áp cần làm- Ảnh 1.

Nên thăm khám định kỳ để bác sĩ điều chỉnh đơn thuốc phù hợp.

Cách đo huyết áp tại nhà đúng cách

Người bệnh ngồi nghỉ 15 phút trước khi đo. Không hút thuốc lá, không uống bia rượu, không uống cà phê ít nhất 2 giờ trước khi đo.

Tư thế đo: Nằm trên giường hoặc ngồi dựa lưng vào ghế, hai chân chạm sàn nhà, không bắt chéo chân, tay duỗi thẳng, đặt ngang tim, giữ im lặng trong lúc đo.

Lần đầu tiên đo huyết áp cả 2 tay. Bạn chọn tay có mức huyết áp cao hơn để đo và theo dõi huyết áp những lần sau. Mỗi lần đo 2 lượt, cùng một tay; mỗi lượt đo cách nhau 2 phút.

Nếu huyết áp tâm thu ở 2 lần đo khác biệt > 10 mmHg, đo thêm lần thứ 3 sau 2 phút. Lấy huyết áp trung bình của 2 lần đo gần nhất.

Dùng máy đo tự động, loại có băng quấn cánh tay có kích thước phù hợp. Người bệnh có thể đo huyết áp buổi sáng hoặc buổi chiều, hoặc khi có triệu chứng gợi ý tăng huyết áp kể trên.

Các xét nghiệm mà người bệnh tăng huyết áp cần làm

Để tìm ra nguyên nhân gây tăng huyết áp và những hệ lụy, bác sĩ có thể chỉ định làm các xét nghiệm. Ví dụ: hẹp động mạch thận, u tuyến thượng thận, hẹp eo động mạch chủ,…

Xét nghiệm tìm nguyên nhân tăng huyết áp bao gồm:

  • Siêu âm bụng tổng quát: tìm bệnh về thận, tuyến thượng thận.
  • Siêu âm động mạch thận: tìm hẹp động mạch thận.
  • Siêu âm động mạch chủ: tìm bệnh hẹp eo động mạch chủ.
  • Xét nghiệm chức năng thận (creatinine máu, albumin niệu, tổng phân tích nước tiểu), hormone tuyến thượng thận (aldosterone máu, renin huyết tương, metanephrine máu, niệu), tuyến giáp (TSH), tuyến yên (cortisol máu, ACTH),…
  • Chụp CT hoặc MRI bụng tìm u tuyến thượng thận.
  • Đo đa ký giấc ngủ: tìm bệnh ngưng thở khi ngủ.
  • Xét nghiệm thường quy đánh giá ảnh hưởng của huyết áp lên các cơ quan trong cơ thể.
  • Đo điện tim: phát hiện dày giãn buồng tim, rối loạn nhịp hoặc thiếu máu cơ tim.
  • Siêu âm tim: đánh giá chức năng tim, dày giãn buồng tim, hở van tim.
  • Xét nghiệm máu: công thức máu, đường huyết lúc đói, chỉ số HbA1c của đường huyết 3 tháng qua, chức năng thận, điện giải đồ, acid uric máu, chức năng tuyến giáp (hormon TSH), mỡ máu, men gan.
  • Tổng phân tích nước tiểu, tỷ lệ microalbumin/creatinine niệu: đánh giá ảnh hưởng của huyết áp lên chức năng thận như gây tiểu đạm ở các mức độ khác nhau. Ngoài ra, tổng phân tích nước tiểu còn giúp phát hiện bệnh cầu thận, ống thận, nhiễm trùng tiểu hay tiểu đường đi kèm.
  • Đo chỉ số huyết áp cổ chân/cánh tay (ABI): để tìm bệnh hẹp hoặc tắc động mạch ngoại biên ở 2 chân. 
  • Chụp võng mạc: phát hiện tổn thương mạch máu đáy mắt do huyết áp cao lâu ngày.
  • Xét nghiệm đánh giá ảnh hưởng của tăng huyết áp lên tim, mạch máu, não, thận và mắt.

Lời khuyên thầy thuốc

Các xét nghiệm người bệnh tăng huyết áp cần làm- Ảnh 2.

Nên vận động cơ thể thường xuyên để phòng bệnh.

Tăng huyết áp là vấn đề thường gặp, khi có biểu hiện tăng huyết áp người bệnh không nên tự ý mua thuốc điều trị tại nhà mà cần đến cơ sở y tế để được các bác sĩ khám và chẩn đoán.

Trên thực tế, tăng huyết áp ở mỗi người sẽ có mức độ khác nhau, cũng có sự ảnh hưởng khác nhau đến các bệnh lý liên quan. Vậy nên, việc không hiểu rõ bệnh tình và tự uống thuốc điều trị sẽ có thể gây tác dụng phụ phát sinh biến chứng khó lường.

Việc thường xuyên thăm khám định kỳ là cần thiết, tùy vào tiến triển bệnh mà bác sĩ sẽ điều chỉnh đơn thuốc hoặc phương pháp điều trị hợp lý.

Những đối tượng có nguy cơ bị tăng huyết áp cần tầm soát là: Nam giới ≥ 40 tuổi, phụ nữ tuổi mãn kinh. Béo phì, thừa cân, lối sống ít hoạt động thể lực. Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, ăn mặn, chế độ ăn nhiều muối. Căng thẳng tâm lý và stress. Người có các bệnh lý về rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, rối loạn lipid máu, bệnh thận mạn...

Người có tiền sử gia đình có người bệnh tăng huyết áp… cũng cần áp cần tầm soát theo đúng khuyến cáo.

10 loại thực phẩm người bị tăng huyết áp cần tránh10 loại thực phẩm người bị tăng huyết áp cần tránh

SKĐS - Cả yếu tố di truyền và lối sống đều góp phần gây tăng huyết áp. Việc đưa ra quyết định sáng suốt và có ý thức trong lựa chọn thực phẩm sẽ giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả.


BSCKI Nguyễn Thị Ngọc
Ý kiến của bạn