Các vụ án chấn động dư luận năm 2013

04-02-2014 14:48 | Thời sự
google news

Các vụ án được đưa ra xét xử năm 2013 có thể liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế, xã hội, nhưng điểm chung qua các phiên xét xử cho thấy ngành tư pháp đã có những chuyển biến mới, tạo thêm niềm tin của người dân vào các cơ quan pháp luật.

Các vụ án được đưa ra xét xử năm 2013 có thể liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế, xã hội, nhưng điểm chung qua các phiên xét xử cho thấy ngành tư pháp đã có những chuyển biến mới, tạo thêm niềm tin của người dân vào các cơ quan pháp luật.

1. Đoàn Văn Vươn nhận mức án dưới khung hình phạt

Ngày 2/4/2013, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án xảy ra tại đầm tôm của hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn vào ngày 5/1/2012 chính thức được đưa ra xét xử công khai. Sáu bị cáo bao gồm: Đoàn Văn Vươn (chủ đầm tôm) cùng vợ và 3 anh em trai, 1 em dâu trong gia đình ông Vươn.

Tòa án TP. Hải Phòng đã tuyên án với ông Đoàn Văn Vươn và người thân vào ngày 5/4/2013.Ông Vươn bị tuyên phạt 5 năm tù; các ông Đoàn Văn Quý: 5 năm tù; Đoàn Văn Sịnh: 3 năm 6 tháng tù; và ông Đoàn Văn Vệ bị 2 năm tù về tội danh “Giết người”.

Vợ ông Quý là bà Phạm Thị Báu bị 18 tháng tù cho hưởng án treo. Vợ ông Vươn bị tuyên 15 tháng tù cho hưởng án treo.

Phiên phúc thẩm vụ án diễn ra ngày 30/7/2012. Các bị cáo bị tuyên y án, riêng bị cáo Đoàn Văn Sịnh (56 tuổi, anh ông Vươn) được giảm án xuống 2 năm 9 tháng tù, Đoàn Văn Vệ (39 tuổi, cháu ông Vươn) được giảm án xuống 19 tháng tù.

Nhận xét về mức hình phạt dành cho ông Vươn, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, mức án 5 năm tù giam là thấp hơn một nửa so với khung hình phạt dành cho tội giết người (từ 12 năm tù giam đến chung thân, tử hình). "Mức án này thể hiện sự khoan hồng của pháp luật đối với Đoàn Văn Vươn" - một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nói.

 

 - Ảnh 1
Phiên xét xử vụ án Đoàn Văn Vươn thu hút sự chú ý của người dân

Ngày 8/4/2013, 5 quan chức huyện Tiên Lãng, những người đã chỉ đạo phá dỡ nhà của anh em ông Vươn, bị Tòa án Hải Phòng đưa ra xét xử. Bốn cán bộ nhận mức án treo từ 15 - 24 tháng, bị cáo duy nhất nhận mức án 30 tháng tù giam là ông Nguyễn Văn Khanh (cựu phó chủ tịch huyện Tiên Lãng).

Hội đồng xét xử xác định thiệt hại của gia đình hai ông Vươn và Quý là 295 triệu đồng mà bốn quan chức bị cáo buộc ‘hủy hoại tài sản’ phải bồi thường. Sau đó, tại phiên phúc thẩm diễn ra vào tháng 8/2013, ông Khanh cũng được giảm nhẹ hình phạt, chuyển từ 30 tháng tù giam thành 30 tháng tù treo.

Song song với các vụ án trên, TAND huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng cũng tiếp nhận đơn kiện ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng của ông Đoàn Văn Vươn. Đồng thời với việc yêu cầu UBND huyện Tiên Lãng thu hồi quyết định 461 về việc thu hồi diện tích đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình, ông Vươn đòi bồi thường thiệt hại do các quyết định trên gây ra. Tổng số tiền đòi bồi thường thiệt hại là 40 tỷ đồng. Tòa án nhân dân huyện Tiên Lãng đã bác yêu cầu đòi bồi thường nêu trên của ông Vươn trong phiên tòa tháng 10/2013.

2. Xét xử kỳ án vườn mít, Lê Bá Mai nhận án chung thân

Theo hồ sơ vụ án, sáng ngày 11/12/2004, Lê Bá Mai – một người làm thuê trong một trang trại tại Bình Phước phát hiện bé Út (11 tuổi) và bé Hằng (13 tuổi) đi mót củ sắn, liền nảy sinh tà ý. Mai lấy xe máy đến rủ riêng Út đến khu vườn mít cách đó khoảng 80m để hiếp dâm.Bị nạn nhân chống trả, Mai đánh Út đến bất tỉnh rồi thực hiện hành vi đồi bại. Sau đó, Mai lấy quần của chính bé gái, siết cổ em đến chết.

 

 - Ảnh 2
Xét xử "kỳ án vườn mít" thu hút sự chú ý của dư luận

Năm 2005, TAND tỉnh Bình Phước đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Lê Bá Mai mức án tử hình với hai tội danh “hiếp dâm trẻ em” và “giết người”. Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP. HCM sau đó cũng giữ nguyên bản án. Sau đó, do tiếp nhận đơn thư từ người dân cũng như từ báo chí, bà Nguyễn Thị Hoài Thu (nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội) đã có thư gửi Chủ tịch nước đề nghị hoãn thi hành án tử hình Lê Bá Mai để làm rõ các dấu hiệu oan sai. Chấp nhận đề nghị này, Văn phòng Chủ tịch nước chuyển khẩn cấp “Lệnh hoãn thi hành án tử hình Lê Bá Mai” cho Hội đồng Thi hành án tử hình. Vụ án sau đó được hủy để điều tra lại từ đầu.

Chín năm, sau hàng chục lần xét xử, tháng 5/2013, sau nhiều lần tuyên hoãn, TAND tỉnh Bình Phước đã tổ chức phiên sơ phẩm lần thứ 3 “kỳ án vườn mít”. Chính tòa án trước đây tuyên tử hình Lê Bá Mai (phiên sơ thẩm lần 1), tuyên vô tội ( phiên sơ thẩm lần 2) nay lại tuyên bị cáo Mai chịu án tù chung thân cho hai tội danh “hiếp dâm trẻ em” và “giết người”.

Không chấp nhận với bản án chung thân của cấp sơ thẩm, Viện KSND tỉnh Bình Phước tiếp tục kháng nghị xử phúc thẩm vụ án theo hướng tăng mức hình phạt đối với bị cáo Mai. Bị cáo Mai cũng làm đơn kêu oan, xin giảm hình phạt. Ngày 30/8/2013, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM thụ lý đã xử phúc thẩm (lần ba) vụ “kỳ án” này và tuyên giữ nguyên mức án tù chung thân với bị cáo.

 

 - Ảnh 3
Ông Dương Chí Dũng (ngoài cùng bên phải) trước khi dính líu vào đại án Vinalines

3 Xét xử nguyên Cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines Dương Chí Dũng

Ngày 12/12/2013, phiên toà xét xử vụ đại án Dương Chí Dũng và các thuộc cấp tại Vinalines chính thức bắt đầu. Theo đó, Dương Chí Dũng bị truy tố với 2 tội danh: Tội tham ô (Điều 278 BLHS) và Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Theo Điều 165 BLHS).

17h30 ngày 16/12/2013, hội đồng xét xử tuyên án tử hình đối với hai bị cáo Dương Chí Dũng cùng Mai Văn Phúc.

4. Vụ nguyên Phó Giám đốc Công an Hải Phòng Dương Tự Trọng

Cuối tháng 3/2013, ngay sau khi vụ án Dương Chí Dũng bị phanh phui, liên quan đến cuộc đào tẩu của anh trai mình, Dương Tự Trọng bị bắt tạm giam để điều tra về tội Tổ chức đưa người trốn ra nước ngoài. Đầu tháng 1/2014, vụ án trên được đưa ra xét xử. Dương Tự Trọng nhận án 18 năm tù giam cho tội danh đã bị truy tố.

Cũng trong phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng, một vụ án khác được khởi tố. Đây là vụ án “làm lộ bí mật nhà nước”, liên quan đến một quan chức ngành Công an. Bị cáo Dương Chí Dũng khai rằng vị cán bộ này đã nhận khoản tiền hối lộ lên tới (10 tỷ đồng) để mật báo cho ông Dũng trốn ra nước ngoài trước khi bị truy nã.

 

 - Ảnh 4
Nguyên Phó giám đốc Công an Hải Phòng trước vành móng ngựa

5. Khởi động các phiên xét xử nhằm minh oan, bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn

Tháng 7/2013, bà Nguyễn Thị Chiến (trú thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) đã có đơn kêu oan gửi Cục Điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (KSNDTC) kêu oan cho chồng mình là Nguyễn Thanh Chấn, hiện đang chấp hành án tù chung thân sau khi bị kết tội “giết người” năm 2004.

Ngay khi nhận được đơn, cơ quan điều tra của Viện KSNDTC đã tổ chức điều tra, xác minh, lần theo dấu vết chỗ ở của Lý Nguyễn Chung (SN 1988, cùng trú thôn Me), người mà bà Chiến cho là thủ phạm thực sự của vụ án.

Ngày 25/10/2013: Đối tượng Lý Nguyễn Chung đã đến đầu thú tại Công an huyện và khai nhận chính mình là thủ phạm trong vụ án giết người mà ông Chấn đã bị buộc tội.

 

 - Ảnh 5
Ông Nguyễn Thanh Chấn trong ngày được trả tự do

Ngày 4/11/2013: Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã ký quyết định kháng nghị bản án đối với Nguyễn Thanh Chấn, cùng ngày, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn.

Ngày 6/11/2013: Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, thay mặt Hội đồng tái thẩm ký Quyết định tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm từng kết tội giết người đối với ông Nguyễn Thanh Chấn. Theo đó, hồ sơ vụ án sẽ được chuyển về VKSNDTC để điều tra lại theo thủ tục chung.

Ngày 25/1/2014: Bộ Công an trao Quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Nguyễn Thanh Chấn. Như vậy, vụ án oan này chính thức kết thúc, ông Nguyễn Thanh Chấn được minh oan.

 

 


Ý kiến của bạn