1. Quá trình lão hóa da diễn ra như thế nào?
Lão hóa da là sự thay đổi dễ nhận biết nhất của quá trình lão hóa toàn cơ thể. Khi đến tuổi, các chức năng tuần hoàn máu suy giảm cũng làm suy yếu mao mạch dưới da và hủy hoại cấu trúc nền của da... Đến thời điểm nội tiết tố estrogen trong cơ thể suy giảm dần, da sẽ trở nên khô, mỏng, nhăn nheo. Chất béo mất dần làm da mất tính đàn hồi, giảm sự đầy đặn mịn màng và bắt đầu chảy xệ. Cùng với đó là các đốm sắc tố xuất hiện ngày càng nhiều, đậm màu hơn.
Ngoài ra, quá trình lão hóa của da còn chịu chịu sự tác động của nhiều yếu tố như chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, sự ô nhiễm môi trường, stress, ánh nắng mặt trời...
Những yếu tố này cộng hưởng gây hại cho làn da từ độ tuổi ngoài 20. Ở độ tuổi dưới 30 thì sự lão hóa trên da chưa xuất hiện rõ và không phát hiện được bằng mắt thường, nhưng sau tuổi 30, các dấu hiệu lão hóa bắt đầu biểu hiện rõ rệt từ những nếp nhăn nơi khóe mắt, khóe miệng... Da lão hóa dần khô ráp, sần sùi, nếp nhăn ngày càng nhiều, do quá trình tái tạo da diễn ra chậm.
Chúng ta không thể can thiệp vào quá trình lão hóa tự nhiên, nhưng có thể chủ động làm chậm quá trình lão hóa da qua chế độ dinh dưỡng, trong đó một số vitamin được coi là chất liệu vàng chống lại sự lão hóa sớm.
2. Các vitamin có tác dụng chống lão hóa da
- Vitamin A: Được coi là loại chất chống lão hóa da tốt nhất mà các hãng dược mỹ phẩm nghiên cứu và bào chế ra nhiều sản phẩm chăm sóc da.
Là một vitamin tan trong chất béo có vai trò hỗ trợ sự phát triển của các tế bào da, giúp giảm sự xuất hiện của nếp nhăn bằng cách tăng đào thải bã nhờn, tăng cường quá trình tái tạo tế bào da mới. Từ đó giúp duy trì tuổi thanh xuân cho làn da, giúp da tươi mới, mềm mại, trẻ trung. Vitamin A còn có tác dụng kích thích sự liền sẹo và ngừa các bệnh ngoài da như trứng cá.
Vitamin A có nhiều trong gan, thịt, cá, cà chua, rau có màu xanh đậm (súp lơ xanh, bông cải xanh, cải bó xôi...), các loại củ, quả có màu đỏ (cà rốt, súp lơ xanh, bí đỏ, cà chua, đu đủ, gấc, dưa hấu…).
- Vitamin C: Vitamin C được biết đến là cực kỳ hữu hiệu trong thẩm mỹ da. Với tác dụng ngăn chặn quá trình sản xuất các gốc tự do, bảo vệ acid béo không no của màng tế bào, vitamin C ngăn sự hình thành và giúp làm mờ sắc tố melanin, làm tăng sản xuất collagen cho da, tăng độ đàn hồi cho da, chữa sẹo thâm do mụn.
Vitamin C có nhiều trong cam, bưởi, chanh, quít, ổi, táo, xoài, dưa hấu, đu đủ, các loại rau xanh.
- Vitamin E: Có vai trò chống oxy hóa bằng cách ngăn ngừa hay làm gián đoạn những phản ứng tạo ra các gốc tự do. Khi kết hợp vitamin E và vitamin C sẽ làm tăng cường khả năng bảo vệ da dưới sự tác động có hại của môi trường và chống lão hóa da.
Vitamin E có nhiều trong các loại thực phẩm: Hạt hướng dương, hạnh nhân, bông cải xanh, quả bơ, bí, quả kiwi, cá hồi, tôm, dầu ô liu, dầu mầm lúa mì và bông cải xanh.
- Vitamin nhóm B
+ Vitamin B1 giúp quá trình chuyển hóa đường thành năng lượng trong cơ thể nhanh hơn, làm cân bằng hệ thống thần kinh, tốt cho hoạt động của não. Vitamin B1 còn có tác dụng làm sáng da, giúp da săn chắc, trẻ lâu. Vitamin B1 có nhiều trong ngũ cốc nguyên cám, thịt, lòng đỏ trứng, măng tây, men bia.
+ Vitamin B2 có tác dụng giúp duy trì độ ẩm cho da, giúp da mềm mại. Nếu thiếu vitamin B2 da dễ bị khô nứt, móng tay móng chân mỏng, dễ gãy. Vitamin B2 có nhiều trong gan, cá, sữa, trứng, quả bơ, chuối...
+ Vitamin B3 đóng vai trò rất quan trọng, giúp tăng cường sự sản xuất ceramide và acid béo - hai chất quan trọng bảo vệ da, đặc biệt là với làn da khô và nhạy cảm vitamin B3 giúp giữ ẩm cho da, chống dị ứng, giảm các vết mẩn đỏ trên da.
Thực phẩm giàu vitamin B3 gồm: Thịt gà, gan, cá, thịt lợn, thịt bò, lạc, quả bơ, ngũ cốc, nấm, khoai tây...
+ Vitamin B5 giúp cân bằng độ pH cho da và giữ ẩm. Từ đó giúp da mềm mại, làm mờ nếp nhăn, chống lão hóa. Vitamin B5 có nhiều trong tôm, các loại hải sản, rau xanh, nấm.
+ Vitamin B12 giúp da ngậm nước, giữ ẩm và tránh khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời... có nhiều trong sữa và các sản phẩm sữa bò, sữa dê, cá biển và đậu nành.
Mời độc giả xem thêm video:
3 biện pháp khắc phụ khô da.