Dùng rượu làm phụ liệu có ý nghĩa tăng tính ấm cho vị thuốc, làm cho khí vị của thuốc đi lên trên thượng tiêu.
Xin giới thiệu các vị thuốc mà Đông y thường ngâm tẩm trước khi sử dụng làm thuốc bổ và cũng làm tăng tác dụng, hiệu quả điều trị của các vị thuốc.
1. Ba kích tẩm rượu: đem ba kích rửa sạch, ngâm nước, ủ cho mềm, bỏ lõi thái thành từng đoạn chéo dài 3 - 5cm. có thể sau ngâm rửa rồi đồ cho mềm, khi còn nóng bỏ lõi, thái đoạn vát dài 3 - 5cm, phơi khô. Đem ba kích đã sơ chế tẩm rượu, ủ 30 phút cho ngấm đều. Sao nhỏ lửa tới khô. Có thể tẩm rượu ủ 12 giờ, sao cho khô… Ba kích là vị thuốc bổ thận dương, mạnh gân cốt. Thường sử dụng cho những người đau lưng mỏi gối, chậm có con, hoặc sinh dục, phát dục kém.
2. Bách bộ chưng rượu: bách bộ thái phiến, rượu 450C. Đem rượu tẩm đều bách bộ. Chưng 30 phút đến 1 giờ. Lấy ra phơi khô. Bách bộ có tác dụng chỉ ho bình suyễn, nhuận phế sát khuẩn, tẩy giun. Dùng trong chứng ho suyễn, trừ đờm, mát phổi.
3. Bạch thược tẩm rượu: bạch thược, rượu 450C, trộn đều 2 thứ, ủ 30 phút. Sao nhỏ lửa tới khô. Hoặc sao cám: đun cho cám bốc khói trắng thì cho bạch thược đã ủ với rượu vào, đảo đều tay tới khi phiến bạch thược có màu hơi vàng hoặc vàng kim, rây bỏ cám đi.
Cũng có thể làm theo cách khác: sao bạch thược phiến với cám, tới nóng già. Đổ ra rây bỏ cám đi. Phun rượu vào bạch thược vẫn còn đang nóng, ủ 30 phút. Phơi âm can. Bạch thược là dạng thuốc bổ huyết, điều kinh, nhuận gan, chỉ thống. Dùng trong các bệnh xuất huyết, băng huyết, ho ra máu, trĩ huyết, máu cam… có rượu để khử tính hàn tăng cường dưỡng huyết điều kinh.
4. Cốt toái bổ chích rượu: đem cốt toái bổ phiến tẩm với rượu. Trộn đều rượu vào cốt toái bổ phiến, ủ 1 giờ cho ngấm hết phụ liệu. Tiến hành sao, đến khi mặt phiến có màu vàng đậm là được (sao khô). Thuốc có tác dụng tư dưỡng, dùng trong các trường hợp đau xương cốt, gãy xương, đau răng, tai ù. Sao rượu tăng cường tác dụng hoạt huyết khi thận bị ứ trệ, mạnh gân cốt.
5. Cúc tần (sài hồ nam) tẩm rượu sao: cúc tần, đem rượu tẩm đều vào cúc tần. Ủ cho hút hết rượu. Sao cho tới khô là được. Là vị thuốc chữa cảm mạo, phong nhiệt ngoài ra còn có tác dụng kích thích tiêu hóa, chữa lỵ.
6. Tắc kè:
Tắc kè tẩm rượu: tắc kè khô, chặt bỏ phần mắt, 4 bàn chân; dùng rượu lau cho ẩm, mềm, để 5 phút đặt trên giàn sắt, hơ trên lửa nhỏ, cho đến khi khô giòn, hơi vàng, thơm, nghiền bột mịn.
Tắc kè sao rượu: tắc kè khô, chặt bỏ phần mắt, 4 bàn chân; có thể chặt thành mảnh nhỏ hơn. Dùng nồi đồng, sao tới nóng thì vẩy rượu vào hoặc tẩy rượu trước rồi sao tới vàng thơm, nghiền bột mịn. Có thể sao như trên, sao tới vàng ngà, phun rượu vào để cho mềm, lại đem sấy khô mới nghiền bột. Cũng có thể làm theo cách nướng như trên, song tẩm rượu 3 - 4 lần, mỗi lần đặt lên lửa cho tới khi giòn vàng. Nghiền bột mịn.
Tắc kè nấu rượu: tắc kè một đôi, rượu 40g. Đun sôi rượu, cho tắc kè vào đảo đều, đun đến cạn là được.
Tắc kè có tác dụng bổ phế ích thận, nạp khí, định suyễn, dùng tốt cho người bị phế hư, viêm phế quản mạn tính, thận dương kém, khả năng sinh lý kém. Tắc kè là vị thuốc bồi bổ chung cho cơ thể vì bản thân tắc kè chứa rất nhiều acid amin, đặc biệt là đuôi của nó.
7. Cẩu tích tẩm rượu: cẩu tích 1kg, rượu 0,4kg. Cẩu tích sau khi tẩm rượu, ủ 30 phút - 1 giờ cho ngấm hết rượu. sao cho đến khi có màu vàng xám. Cẩu tích là một vị thuốc bổ dương, dùng bổ can thận, dùng chữa đau lưng, đau xương cốt, trừ phong thấp. Chế với rượu có tác dụng tán hàn, dùng cho phong thấp.
8. Diên hồ sách tẩm rượu: diên hồ sách 1kg, rượu 0,2kg. Đem diên hồ sách tẩm với rượu, trộn đều để 30 phút, cho rượu ngấm hết. Sao nhỏ lửa cho đến khi có màu vàng. Là loại thuốc hoạt huyết, hóa ứ, chỉ thống. Dùng trong bệnh lý đau gan mật, nhất là trường hợp gan bị xơ hóa. Chế với rượu tăng khả năng hành huyết.
10. Đại phúc bì (vỏ quả cau) tẩm rượu: đại phúc bì trộn đều với rượu, ủ 30 phút cho ngấm hết rượu, phơi âm can. Có tác dụng hạ khí hành thủy, lợi niệu, dùng trong các trường hợp bí tiểu tiện, bụng đầy trướng, thượng vị căng tức, đại tiện khó khăn.
11. Đảng sâm tẩm rượu: đem rượu trộn đều vào đảng sâm phiến, ủ 1 giờ cho ngấm đều, sao nhỏ lửa tới khô là được. Công dụng: đảng sâm là thuốc bổ khí, kiện tỳ, dùng trong các trường hợp chân khí kém, khí hư, người yếu mệt hoặc tiêu hóa kém, khí phế kém gây ho. Sao chế nhằm tăng hiệu lực điều trị bệnh của đảng sâm. Sao với rượu tăng thêm tính ấm cho đảng sâm.
12. Địa cốt bì tẩm rượu: trộn rượu vào địa cốt bì, ủ 30 phút cho ngấm đều. Sao qua. Công dụng: địa cốt bì là thuốc thanh nhiệt lương huyết, dùng trong bệnh thấp nhiệt như đau nóng âm ỉ trong xương (bệnh cốt chưng). Do tính chất chỉ hãn của địa cốt bì mà nó được dùng để chữa cốt chưng có mồ hôi. Ngoài ra còn được dùng chữa ho do phế nhiệt, ho ra máu, bệnh tiêu khát (đái đường, đái nhạt).
13. Đương quy tẩm rượu: đương quy trộn với rượu, ủ mềm, thái phiến, phơi hong (làm 2 lần) đến khi ngoài đen trong vàng, thái phiến. Hoặc đương quy sao với rượu: tẩm rượu và đương quy phiến, ủ 30 phút cho rượu ngấm đều. Sao nhỏ lửa đến khi có màu vàng đậm, mùi thơi đặc trưng. Cũng có thể sao đương quy nóng tới già, phun rượu vào, tiếp tục sao tới màu vàng đậm hoặc xuất hiện trên mặt phiến các chấm đen, mùi thơm đặc trưng. Đương quy có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết và chỉ huyết theo từng bộ phận của rễ. Tuy nhiên tác dụng bổ huyết là chủ yếu. Ngoài ra còn sử dụng tác dụng điều kinh giảm đau, nhuận tràng thông tiện. Thuốc không tẩm chích thiên về bổ huyết hoạt tràng. Chế rượu làm tăng tác dụng hoạt huyết thông kinh.
BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ