Các vị thuốc chữa bệnh từ cây sen

30-08-2010 08:10 | Y học cổ truyền
google news

Từ xưa, sen đã được tôn thờ như một loài hoa đẹp, thanh khiết, gắn liền với thế giới tâm linh của người Việt. Sen là cây vừa làm cảnh, vừa làm thực phẩm lại cho nhiều vị thuốc quý.

Từ xưa, sen đã được tôn thờ như một loài hoa đẹp, thanh khiết, gắn liền với thế giới tâm linh của người Việt. Sen là cây vừa làm cảnh, vừa làm thực phẩm lại cho nhiều vị thuốc quý. Các bộ phận của cây sen, từ rễ đến ngọn, hầu hết đều có ích.

Trong cuộc sống thường nhật, cây sen luôn gắn bó với sinh hoạt của con người. Lá sen gói cốm làng Vòng, hoa sen không thể thiếu trong những buổi lễ hội. Hạt gạo của nhị sen là nguyên liệu ướp chè hảo hạng (chè sen), ngó sen làm nộm, hạt sen làm mứt, nấu chè... là những món ăn khó quên đối với người Việt chúng ta. Cây sen quả là một cây vô cùng hữu ích. Với YHCT, sen còn  cho rất nhiều vị thuốc quý, có giá trị.

Thân rễ sen, còn gọi là liên ngẫu có tác dụng cầm máu tốt trong các trường hợp bị chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da... Khi dùng, nên sao đen thì tăng tác dụng. Có thể dùng riêng hoặc phối hợp với cỏ nhọ nồi, trắc bách diệp, hoa hòe, cũng sao đen, dưới dạng thuốc sắc, ngày một thang. Uống liền vài tuần lễ; hoặc dùng các ngó sen, rễ non trồi lên mặt bùn khoảng 20cm, nấu với móng giò lợn, cho trẻ ăn, để trị các chứng chảy máu cam, tuần vài lần, rất hiệu nghiệm.

Lá sen, còn gọi là hà diệp hay liên diệp. Khi tươi dùng để làm thuốc giải thử, tức là những người làm việc ở những nơi nắng nóng, bị chứng trúng thử (bị say nắng), người choáng, ngã, bất tỉnh. Dùng lá sen tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước, thêm chút muối ăn, cho uống. Lá sen còn có tác dụng cầm máu: chảy máu cam, trĩ ra máu, xuất huyết dưới da, tử cung xuất huyết... Khi dùng cần  sao cháy, sắc uống. Ngoài ra còn tác dụng an thần,   chống tim loạn nhịp, dùng khi tim bị chứng hồi hộp, loạn nhịp (thần kinh tim), mất ngủ. Có thể phối hợp với bình vôi, lá vông, mỗi vị từ 8-10g, sắc uống, ngày một thang, uống vài tuần lễ.

Liên tu, còn gọi tua sen (chỉ nhị của hoa sen), phơi khô, sao đen, có tác dụng cầm máu, cố tinh, được dùng trị các chứng chảy máu, nhất là chảy máu đường niệu, còn dùng trị di tinh, tảo tiết của nam giới. Có thể dùng cổ phương: "Kim tỏa cố tinh hoàn" gồm các vị: liên tu, tật lê, khiếm thực, đều 80g; long cốt, mẫu lệ, đều 40g. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 16 - 20g, uống 3 - 4 tuần lễ.

Liên nhục hay hạt sen, trong thành phần chứa nhiều tinh bột, nhiều acid amin không thay thế: treolin, methioni, phenylalanin, leucin, isoleusin, các  acid béo: Acid miristic, palmitic, oleic, linoleic, linolenic... có tác dụng bổ tỳ, kích thích tiêu hóa, làm cho ăn ngon cơm, hoặc bổ thận trong trường hợp thận kém gây đái dầm ở trẻ em, hoặc tảo tiết, di tinh của nam giới. Hạt sen có trong nhiều cổ phương thuốc của YHCT, như phương "Sâm linh, bạch truật tán" gồm: nhân sâm, bạch truật, bạch linh, hoài sơn, cam thảo, mỗi vị 80g; bạch biển đậu, liên nhục, cát cánh, ý dĩ, sa nhân, mỗi vị 40g. Dùng dưới dạng bột mịn, ngày 2-3 lần, mỗi lần 8 -12 g, dùng 3 - 4 tuần lễ, có tác dụng bổ khí kiện tỳ; dùng khi ăn uống kém, đi ngoài phân sống, người gầy, chân tay vô lực. Ngoài ra, liên nhục còn được dùng trong các cốm bổ tỳ, để trị các trường hợp trẻ em bị còi xương, suy dinh dưỡng, chậm lớn.  Cần chú ý khi thu hái và bảo quản hạt sen, không được để hạt sen bị phơi nhiễm nấm mốc.

Liên tâm hay còn gọi là tâm sen, là cây mầm màu xanh, nằm giữa hạt sen, có vị rất đắng, có tác dụng an thần, gây ngủ và hạ huyết áp, ngày dùng 2 - 4g dưới dạng thuốc hãm, uống trước khi đi ngủ. Để tăng tác dụng, có thể phối hợp với một số vị thuốc an thần khác, như lá vông, bình vôi, bá tử nhân...

Liên phòng (đế hoa sen), bộ phận chứa đựng các hạt sen. Sau khi thu hái, phơi khô, khi dùng, thái nhỏ,  sao cháy, sắc uống để chữa các trường hợp  chảy máu, như chảy máu cam, trĩ ra máu...

GS.TS. Phạm Xuân Sinh


Ý kiến của bạn