Các vị thuốc, bài thuốc trị rối loạn kinh nguyệt

SKĐS - Rối loạn kinh nguyệt là sự thay đổi trong chu kỳ hành kinh của phụ nữ như rong kinh, vô kinh, lượng máu kinh thất thường, đau bụng, đau thắt lưng, chu kỳ ngắn dài không đều...

1. Triệu chứng rối loạn kinh nguyệt

- Chu kỳ thay đổi liên tục: Phụ nữ thường có chu kỳ kinh nguyệt từ 28-35 ngày là bình thường, nhưng những phụ nữ bị rối loạn sẽ thất thường, tháng có, tháng lại không, lượng máu cũng không đều.

- Tắc kinh: Không có kinh nguyệt trong thời gian dài.

- Đau bụng khi hành kinh: Trước và trong thời gian hành kinh thường bị đau bụng dữ dội ở những chị em bị rối loạn kinh nguyệt. Cơn đau kéo dài dai dẳng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lý của chị em.

- Rong kinh: Lượng máu kinh ra nhiều trong thời gian hành kinh, kéo dài trên 7 ngày.

2. Bài thuốc trị rối loạn kinh nguyệt

Bài 1: Giúp ổn định khí huyết, ngăn ngừa máu kinh vón cục, có mùi hôi tanh.

- Thành phần: Hoàng cầm 12g, mạch môn 12g, sinh địa 12g, xích thược 12g, đan bì 2g, bạch linh 2g, thạch hộc 10g.

- Cách dùng: Trước ngày kinh tầm 7 ngày thì sắc uống sẽ có hiệu quả. Sắc uống ngày 01 thang chia 02 lần sáng chiều, uống từ 10-15 thang.

re-hoang-cam-duoc-dung-lam-thuoc

Vị thuốc hoàng cầm kết hợp một số dược liệu giúp trị rối loạn kinh nguyệt.

Bài 2: Giúp hạn chế kinh nguyệt ra sớm, không vón cục, giúp cải thiện giấc ngủ, giải nhiệt, mặt mày khô khốc, miệng lở loét.

- Thành phần: Huyền sâm 40g, sinh địa 40g, a giao 12g, địa cốt bì 12g, mạch môn 20g, bạch thược 20g.

- Cách dùng: Uống 1 thang/ngày, chia 02 lần sáng chiều, uống liên tục 7-10 thang.

Bài 3: Chữa rối loạn kinh nguyệt như lưu thông khí huyết, điều chỉnh đồng đều lượng máu kinh ra mỗi tháng. Những chị em nào bị chứng hư hàn hoặc người thể hàn, hay đau bụng, đau thắt lưng, môi tái nhạt thì rất thích hợp để sử dụng.

- Thành phần: Đảng sâm 12g, thục địa 12g, xuyên khung 10g, xương bồ 8g, hà thủ ô 10g, can khương 8g, ngải cứu 12g.

- Cách dùng: Uống 1 thang/ ngày, chia 02 lần uống sáng chiều, uống liên tục 8-10 thang để điều hòa kinh nguyệt, tăng cường sức khỏe, da dẻ hồng hào.

tac-dung-dang-sam-1024x768

Vị thuốc đảng sâm.

3. Một số vị thuốc điều hòa kinh nguyệt

- Ngải cứu: Có vị đắng và cay, tính ấm giúp điều hòa kinh nguyệt, điều hòa thân nhiệt, kháng viêm và ổn định kinh nguyệt rất hiệu quả.

Cách dùng: Lá ngải cứu phơi khô, sau đó đun với nước để uống, dùng như trà bình thường sẽ giúp cải thiện tình trạng kinh nguyệt không đều. Hoặc có thể sử dụng ngải cứu vào chính các món ăn hàng ngày của mình và gia đình ví dụ như gà hầm ngải cứu, gà hấp ngải cứu, canh ngải cứu.

- Rễ râm bụt: Có vị ngọt, tính bình tác dụng bổ khí huyết thông mạch, điều kinh nên chữa rối loạn kinh nguyệt hiệu quả.

Cách dùng: Sử dụng 40g rễ dâm bụt cùng với 30g lá huyết dụ, lấy một lượng vừa đủ các vị trên sắc lấy nước uống ngày 1 lần trong vòng 7 ngày giúp chữa rong kinh.

- Nghệ và tinh bột nghệ: Theo đông y, nghệ tinh hay bột nghệ có vị cay đắng, tính ấm, mùi thơm nồng. Đặc tính của nghệ là thông kinh, trị viêm, phá huyết, hành khí, lành sẹo, mờ thâm rất tốt.

Trong nghệ có chứa chất cucumin, giúp cơ thể cân bằng lượng hormone trước, trong và sau chu kỳ, giúp điều hòa kinh nguyệt, tăng lưu thông máu đến tử cung, từ đó làm giảm đau bụng kinh, đau lưng và váng đầu.

Cách dùng: Lấy một phần tư thìa cà phê nghệ với sữa, mật ong hoặc đường thốt nốt. Dùng hàng ngày trong vài tuần hoặc cho đến khi bạn thấy kỳ kinh ổn định hơn.

tinh-bot-nghe

Tinh bột nghệ.

4. Những điều nên làm để tăng hiệu quả điều trị

- Thay đổi thực đơn hàng ngày: Nên tạo cho mình một chế độ ăn uống phù hợp, bổ sung các loại vitamin và các khoáng chất thiết yếu, bổ sung rau củ quả và nên ăn đa dạng các loại thực phẩm. Điều này giúp tăng cường sức đề kháng và nội tiết tố trong cơ thể được ổn định.

- Tăng cường tập luyện thể dục: Tập thể dục hàng ngày phù hợp với bản thân, không tập luyện quá sức giúp cho chị em có một hệ tuần hoàn và trao đổi chất tốt giúp loại bỏ những rối loạn nội tiết.

- Tránh sử dụng các chất kích thích: Tránh uống bia rượu, hút thuốc lá... Bởi đây là những thứ gây hại đến sức khỏe khiến cho kinh nguyệt không đều.

- Ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng stress...

Mời bạn xem tiếp video:

Kinh nguyệt nhiều hay ít thì có hại? | SKĐS


BS. Vũ Duy Thành
Ý kiến của bạn