Họ chinh phục những cuộc đua dài nhất, những con sóng lớn nhất và những ngọn núi cao nhất thế giới - tất cả đều bằng chân giả có thể mô phỏng chuyển động của bàn chân thực.
Rất ít người dám nghĩ đến việc chinh phục chặng đường 2.200 dặm qua dãy núi Appalachian, và số người mơ ước làm như vậy sau khi bị liệt từ thắt lưng trở xuống còn ít hơn nhiều.
Cô Kozel, sống ở Madison, bang Ohio, Mỹ là một trong số khoảng 1,5 triệu người Mỹ bị bệnh Lupus và căn bệnh đã cướp mất đôi chân cô năm 2014. Cô cũng là một trong hàng ngàn người sẽ chinh phục dãy núi Appalachian trong năm nay.
Chuyến đi luôn làm nản chí ngay cả những người có kinh nghiệm nhất, và sẽ là “nhiệm vụ bất khả thi” đối với Kozel nếu không có sự trợ giúp của một hệ thống chỉnh hình tuyệt vời gọi là C-Brace. Với sự hỗ trợ của “nẹp chân điện tử tùy chỉnh”, được sản xuất bởi Công ty chuyên sản xuất chân tay giả Ottobock của Đức, Kozel đang đi bộ trung bình 20 dặm một ngày trên con đường mòn Appalachian và viết về nó trên trang Facebook của mình.
Người mang chân giả luôn khát khao chinh phục những con sóng lớn nhất.
Bằng câu chuyện đầy cảm hứng của mình, Kozel nằm trong số những vận động viên đang thực hiện những kỳ công tuyệt vời với sự giúp đỡ của chi giả và nẹp “bionic”. Ví dụ, Mike Coots, một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp tại Hawaii, là người tiên phong lướt sóng bằng chân giả - sử dụng một chân giả bằng sợi carbon Ossur “pro-flex” của mình - để lướt sóng như anh vẫn từng làm trước khi bị cá mập cắn đứt một chân gần 20 năm trước.
Coots đã từng rất sợ hãi khi xuống nước với chiếc chân giả. “Tôi nghĩ bụng: nó sẽ rỉ sét, hoặc sẽ gãy tung. Lò xo sẽ bật ra và bay tung tóe”, anh nhớ lại. Một ngày khi quay lại trường đại học, Coots quyết định thử cơ hội của mình. “Tôi chỉ đi ra ngoài trên tấm ván trượt dài... và đón một con sóng”, anh nói. “Lúc đó tôi chỉ muốn dành nhiều thời gian hơn trong nước... còn bây giờ tôi muốn lướt sóng để cho những người khác thấy rằng việc đó là có thể”.
Coots phải mất vài năm để tìm ra thứ gì có ích và thứ gì không - mua chân giả trên ebay và “cắt các ngón chân và sửa bàn chân”, thậm chi đôi khi phải “vớ lấy cái cưa và cắt từng miếng cao su”. Hai năm trước, anh được lắp chân giả bằng sợi carbon từ Ossur. Theo Coots, sự khác biệt giữa loại chân giả bằng sợi carbon và bằng cao su mà anh từng sử dụng ngay sau khi gặp tai nạn “là như ngày và đêm”. Trong khi “bàn chân bóng cao su” chỉ đơn giản là hấp thu lực, thì chân giả pro-flex cho phép anh điều khiển ván trượt giống hệt như chân thật.
Tim Hurst, 57 tuổi, bị mất bàn chân trong một tai nạn xe máy cách đây 35 năm, đã chia sẻ về những khó khăn tương tự với chiếc chân giả đầu tiên của mình. “Hồi đó nó chủ yếu được làm bằng gỗ”, ông nhớ lại, “Tôi đã rất vất vả với chiếc chân giả vì công nghệ này”. Sau khi mất gần một năm trong bệnh viện và tập đi sau khi bị “liệt từ thắt lưng xuống”, Hurst biết ông muốn quay trở lại cuộc sống thể thao mà ông đã có trước khi gặp tai nạn. Mặc dù chỉ có chân giả để đi bộ, Hurst bắt đầu chạy “ít nhất một dặm một ngày, sáu ngày một tuần” ngay khi có thể. Sau khi biết về chân giả chạy của Ossur từ một cuốn catalogue về chân tay giả gần 10 năm trước, “toàn bộ cuộc sống của tôi đã thay đổi. Ngay ngày đầu tiên tôi đã chạy được 5 dặm. Cuối cùng mọi chuyện cũng tuyệt vời như trước”. Giờ đây ông chạy marathon.
Đến nay, Hurst đã hoàn thành 53 cuộc đua marathon ở 47 bang và dự kiến sẽ hoàn thành 50 cuộc đua ở 50 bang. Ông đã được thuyết phục gia nhập “câu lạc bộ 50 bang”. Hurst dành sự tín nhiệm lớn cho chiếc chân giả mà ông gọi là “công nghệ thời đại vũ trụ” của mình: “Sẽ không thể nào chạy marathon mà không có nó... Tôi cảm thấy mình giống như người máy”.
Câu hỏi về việc liệu chi giả bionic có tạo nên siêu năng lực hay không là một vấn đề nóng bỏng trước Thế vận hội London năm 2012, khi Oscar Pistorius được bật đèn xanh để thi đấu với những vận động viên chạy bình thường. Một bài báo trên tờ Wired mùa hè năm đó đã hỏi thẳng: “Liệu chi giả bionic có làm bẽ mặt Thế vận hội?”. Trong khi Ossur, công ty sản xuất chân giả Flex-Foot Cheetah mà Pistorius sử dụng trong thi đấu, tuyên bố, bàn chân giả tiêu tốn chưa đến 1/3 năng lượng mà chân thật tích lũy trong mỗi bước chạy, các nhà nghiên cứu tại Đại học Southern Methodist thấy rằng độ nhẹ của chân giả khiến Pistorius nhanh hơn là khi không có.
Tuy Coots không nghĩ rằng chân giả cho anh lợi thế trong nước khi lướt sóng, song anh tin rằng trong tương lai mọi chuyện sẽ như vậy.