Hà Nội

Các tương tác thuốc khi bổ sung chất khoáng

03-06-2017 08:24 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Trong trường hợp cần thiết phải bổ sung chất khoáng, để tránh các tương tác thuốc xảy ra, cần thông báo cho thầy thuốc các thuốc đang sử dụng và tuân theo các chỉ định của thầy thuốc.

Các chất khoáng có vai trò hết sức quan trọng, tuy nhu cầu của cơ thể không nhiều. Các chất khoáng là những chất xúc tác tham gia vào các phản ứng sinh hóa và có vai trò quan trọng  vào chức năng dẫn truyền thần kinh của cơ thể. Ngoài ra, chất khoáng còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, là thành phần cấu trúc của xương, hồng cầu…

Thực phẩm (rau, đậu, trứng, sữa…) là nguồn cung cấp chủ yếu các chất khoáng và đủ đáp ứng cho nhu cầu hàng ngày của cơ thể. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bệnh lý, người già yếu, phụ nữ mang thai hay đang cho con bú nhu cầu chất khoáng tăng cao, nên cần phải bổ sung chất khoáng.

Khi bổ sung chất khoáng cho cơ thể, cần lưu ý với các tương tác thuốc có thể xảy ra.

Các tương tác thuốc khi bổ sung chất khoángNgười già yếu, phụ nữ mang thai hay đang cho con bú nhu cầu chất khoáng tăng cao, nên cần phải bổ sung chất khoáng

Canxi (Ca): một trong những thành phần chính cấu tạo nên xương, răng của cơ thể. Canxi thường được bổ sung trong phòng ngừa và điều trị loãng xương. Khi bổ sung canxi cần lưu ý với các tương tác sau:

Thuốc kháng sinh: canxi gây tương tác với các kháng sinh nhóm quinolon (offloxacin, ciprofloxacin…) và nhóm tetracyclin (tetracyclin, doxycyclin…).

- Canxi làm giảm 40% sinh khả dụng của thuốc ciprofloxacin nên làm giảm tác dụng điều trị nhiễm khuẩn.

- Tetracyclin ngăn cản sự hấp thu canxi vào cơ thể, gây ra hiện tượng vàng răng ở trẻ em khi sử dụng tetracyclin trong thời gian dài.

Thuốc kháng viêm corticosteroid (prednisolon, dexamethason…) khi sử dụng trong một thời gian dài làm giảm sự hấp thu canxi vào cơ thể và gây ra nguy cơ loãng xương.

Thuốc lợi tiểu (furosemid, chlorothiazid….) làm tăng đào thải canxi ra khỏi cơ thể, gây nguy cơ loãng xương.

Thuốc chống động kinh (Phenobarbital, phenytoin…): ngăn cản vitamin D chuyển hóa thành dạng hoạt tính. Vitamin D có vai trò tăng cường sự hấp thu canxi vào cơ thể, nên khi vitamin D bị ảnh hưởng sẻ làm giảm sự hấp thu canxi.

Để tránh các tương tác xảy ra, thuốc bổ sung canxi nên được uống cách xa thời gian sử dụng các thuốc trên tối thiểu 4 giờ.

Magie (Mg): chất khoáng tham gia vào chức năng dẫn truyền thần kinh của cơ thể. Khi bổ sung magie cần thận trọng với các tương tác thuốc:

Thuốc kháng sinh: nhóm quinolon và nhóm tetracyclin.

Thuốc chống loãng xuơng: nhóm bisphosphonate (alendronate, risedronate, pamidronate...).

Hoóc-môn tuyến giáp: levothyroxin.

Các tương tác này làm giảm hoạt tính của thuốc và ức chế hấp thu magie. Vì vậy khi bổ sung magie, cần tránh sử dụng đồng thời với các thuốc trên, nên uống cách xa nhau tối thiểu 2 giờ.

Sắt (Fe): thành phần cấu tạo nên huyết sắc tố của hồng cầu. Khi thiếu sắt, cơ thể trở nên mệt mỏi, khó thở, giảm hoạt động thể chất và khả năng tập trung, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Khi bổ sung sắt cho cơ thể, có thể gây ra tương tác với các thuốc:

Thuốc kháng sinh: nhóm quinolon và tetracyclin.

Thuốc thuốc ức chế bơm proton: omeprazol, lanzoprazol…

Thuốc kháng axít: trong thành phần có hydroxyt nhôm Al(OH)3, hydroxyt magie Mg(OH)2.

Hoóc-môn tuyến giáp: levothyroxin.

Glycoside tim: Digoxin.

Thuốc cao huyết áp: Methyldopa…

Các tương tác này ức chế sự hấp thu sắt và làm giảm hoạt tính của thuốc. Vì vậy, khi bổ sung sắt cần uống cách xa các thuốc này với thời gian tối thiểu 2 giờ.

Một số lưu ý khi bổ sung sắt cho cơ thể:

- Khi uống thuốc cần tránh xa các bữa ăn 1 - 2 giờ, vì thức ăn làm giảm sự hấp thu sắt.

- Không uống nước chè, sữa, cà phê… ngay sau khi uống thuốc vì làm giảm hấp thu sắt.

- Vitamin C làm gia tăng sự hấp thu sắt nên thường được phối hợp với nhau.

Kali (K): chất khoáng quan trọng, tham gia vào chức năng duy trì hoạt động của hệ tim mạch. Khi bổ sung kali cho cơ thể, cần lưu ý đến các tương tác làm gia tăng nồng độ kali trong máu với các thuốc sau:

Thuốc cao huyết áp: nhóm thuốc ức chế men chuyển (captopril, enalapril…) và nhóm đối kháng thụ thể angiotensin II (losartan, ibesartan…).

Glycoside tim: Digoxin.

Thuốc kháng viêm NSAID: Indomethacin.

Thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali: Spinorolacton, triamterene.

Với những lưu ý trên cho thấy việc bổ sung chất khoáng cũng cần phải hết sức thận trọng. Một chế độ dinh dưỡng phong phú, đầy đủ các chất sẽ là cách bổ sung chất khoáng hiệu quả và an toàn cho cơ thể.

 


DS. MAI XUÂN DŨNG
Ý kiến của bạn