Hà Nội

Các trường đại học tính toán phương án tuyển sinh năm 2024 ra sao?

16-10-2023 07:33 | Thời sự
google news

SKĐS - Hiện nhiều trường đại học trên cả nước đã công bố kế hoạch tuyển sinh năm 2024, đặc biệt, có tính toán đến chỉ tiêu và các phương thức tuyển sinh.

Trường Đại học Kinh tế quốc dân vừa công bố thông tin dự kiến về phương thức và chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024

PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường đại học (ĐH) Kinh tế quốc dân cho biết, năm 2024, phương hướng tuyển sinh của nhà trường cơ bản giữ ổn định như năm 2023 nhưng dự kiến sẽ có điều chỉnh chỉ tiêu xét tuyển. Cụ thể, trường sẽ dành khoảng 18% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT (giảm 7% so với năm 2023), tăng tương ứng phương thức xét tuyển kết hợp lên 80% và dành 2% chỉ tiêu cho phương thức tuyển thẳng.

Như vậy, trong 4 năm, Trường ĐH Kinh tế quốc dân giảm chỉ tiêu thi tốt nghiệp từ 70% xuống 18%. Trường cũng triển khai nghiên cứu, đơn giản hóa phương thức xét tuyển kết hợp theo quy định của Bộ GD&ĐT mà không ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh.

Trường ĐH Công thương TP.HCM

ThS. Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công thương TP.HCM cho biết: "Nhà trường dự kiến giữ nguyên phương thức xét tuyển và tỉ lệ xét tuyển 4 phương thức (50% - 60% xét tuyển bằng kết quả tốt nghiệp THPT, 20% - 30% xét tuyển bằng học bạ THPT, từ 10% - 15% xét điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và 10% - 15% xét tuyển thẳng theo đề án của trường).

Theo thầy Sơn, tuyển sinh năm 2024 cơ bản giữ nguyên để chuẩn bị cho năm 2025 sẽ thay đổi hoàn toàn cách xét tuyển. Vì năm 2025 là khóa đầu tiên của THPT sẽ tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông mới. "Theo tôi, năm 2024, tỉ lệ xét tuyển bằng kết quả tốt nghiệp THPT sẽ được các trường đại học tăng lên và thậm chí là bỏ luôn phương án xét tuyển bằng học bạ. Ở phía Nam, các trường ĐH đang có xu hướng giống như ĐH Bách khoa TP.HCM là xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và kết hợp với bài viết của bản thân mình và kết quả công tác xã hội. Học sinh lớp 10 hiện nay cũng đang tập trung vào việc học tập, thể thao và làm công việc xã hội để cho mình được hoàn thiện hơn khi xét tuyển. Theo tôi, điều đó hoàn toàn phù hợp với quan điểm của chương trình đào tạo THPT mới".

Các trường đại học tính toán phương án tuyển sinh năm 2024 ra sao? - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

Tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, TS. Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho biết, vào tháng 11/2023, nhà trường sẽ công bố đề án tuyển sinh 2024. "Năm 2024, trường sẽ giữ ổn định về chỉ tiêu cũng như các phương thức tuyển sinh như năm 2023. Cụ thể, có 4 phương thức xét tuyển là sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả học tập THPT (học bạ), ưu tiên xét tuyển thẳng theo đề án của trường và sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, với khoảng 8.000 chỉ tiêu".

TS. Nguyễn Trung Nhân cho biết thêm, về các phương thức tuyển sinh năm 2025, trường sẽ không thay đổi nhiều mà chỉ điều chỉnh tổ hợp các môn xét tuyển cho phù hợp với Chương trình GDPT 2018, và dự kiến đến tháng 11/2024 sẽ công bố đề án tuyển sinh 2025.

Trường ĐH Văn Lang cũng dự kiến công bố đề án tuyển sinh năm 2024 vào tháng 1/2024 và đề án sẽ không có thay đổi so với năm 2023. Cụ thể, chỉ tiêu xét tuyển tương đương năm 2023, tức khoảng 14.000. Các phương thức xét tuyển gồm xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả học tập cấp THPT (học bạ), xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, xét tuyển kết hợp thi tuyển các môn năng khiếu và xét tuyển thẳng.

Trước đó, ĐH Quốc gia Hà Nội đã công bố lịch tổ chức 6 đợt thi đánh giá năng lực với quy mô khoảng 75.000 lượt thi, ít hơn 2 đợt so với năm 2023. Dự kiến, đợt thi sớm nhất sẽ diễn ra vào ngày 23 và 24/3/2024; đợt thi cuối dự kiến diễn ra vào ngày 1 và 2/6/2024. Địa điểm tổ chức tại 10 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đã công bố lịch 6 đợt thi đánh giá tư duy năm 2024. Nội dung và hình thức thi đánh giá tư duy năm 2024 giữ nguyên như năm 2023. Kỳ thi đánh giá tư duy không tập trung kiểm tra kiến thức nên không đòi hỏi thí sinh dành thời gian ôn luyện nhiều, bởi rèn luyện tư duy đã được hình thành trong suốt quá trình học. Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá tư duy sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi có thời hạn trong hai năm và có thể sử dụng điểm số kỳ thi đánh giá tư duy để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH chấp nhận kết quả này.

Về kỳ tuyển sinh ĐH 2024, Bộ GD&ĐT yêu cầu cơ sở đào tạo hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2024; chuẩn bị các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Các đơn vị hoàn thiện đề án, phương thức tuyển sinh năm 2024, khắc phục các bất cập hiện nay trên cơ sở phân tích dữ liệu, trong đó đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa theo đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh đưa ra những phương thức tuyển sinh phức tạp, gây khó khăn cho thí sinh.

Chuyên gia giáo dục chia sẻ cách chống "sốc" cho tân sinh viênChuyên gia giáo dục chia sẻ cách chống 'sốc' cho tân sinh viên

SKĐS - Chuẩn bị vào đại học, tân sinh viên sẽ phải đối mặt với một "thế giới mới" khác xa so với cuộc sống phổ thông trước đây. Để giúp các em giảm cảm giác lo lắng, không bỡ ngỡ và lạc lõng trước môi trường học tập mới, chuyên gia giáo dục khuyên gì?


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn