Các trường đại học thu học phí thế nào trong năm học này?

19-09-2023 08:56 | Thời sự

SKĐS - Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 quy định cơ chế thu, quản lý học phí các trường đại học và địa phương cả nước. Theo đó, Bộ GD&ĐT đề xuất Chính phủ cho tăng học phí đại học.

Bộ GD&ĐT đề xuất tăng học phí đại học

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 quy định cơ chế thu, quản lý học phí các trường đại học và địa phương cả nước. Cụ thể, Bộ GD&ĐT đề xuất Chính phủ cho tăng học phí đại học. Động thái mới này của Bộ GD&ĐT thực chất là tiếp tục đưa ra đề xuất ban đầu, đó là đề nghị Chính phủ cho phép thực hiện Nghị định 81 nhưng lùi lộ trình thực hiện một năm.

Theo tờ trình của Bộ GD&ĐT, mức trần học phí với đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học 2023 - 2024 là 1,2-2,45 triệu đồng/tháng, tùy khối ngành, thay vì mức 1,35-2,76 triệu đồng như Nghị định 81. Mức thu hiện nay là 980 nghìn đến 1,43 triệu đồng. Với những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), tùy mức độ được thu tối đa bằng 2-2,5 lần mức trên, tương đương khoảng 2,4-6,15 triệu đồng/tháng.

Đối với mức trần học phí với các trường chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học 2023-2024 dao động từ 30.000-650.000 đồng/tháng tùy cấp học và khu vực. Mức này đã được nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, TPHCM, áp dụng từ năm học vừa qua. Với cơ sở giáo dục đã tự chủ, mức trần tối đa gấp 2-2,5 lần mức trên.

Căn cứ vào mức trần này và tình hình địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố quyết định khung học phí bậc mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn. Theo lộ trình, từ năm học 2024-2025, khung và mức học phí được điều chỉnh phù hợp theo điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng không quá 7,5%/năm.

Các trường đại học thu học phí thế nào trong năm học này? - Ảnh 1.

Mức trần học phí đối với các khối ngành đào tạo trình độ ĐH tại các cơ sở giáo dục ĐH công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên áp dụng từ năm học 2023-2024 đến năm học 2026-2027.

Sinh viên thuộc diện miễn hoặc giảm học phí có bị ảnh hưởng?

Về đề xuất trên, theo Bộ GD&ĐT, sinh viên khuyết tật, sinh viên thuộc hộ nghèo, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn sẽ không bị ảnh hưởng vì chính Nghị định 81 quy định những sinh viên này thuộc diện được miễn học phí.

Đối với sinh viên học chuyên ngành Mác - Lê Nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; các đối tượng của các chương trình, đề án được miễn học phí theo quy định của Chính phủ; sinh viên học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh cũng được miễn học phí theo Nghị định 81.

Nghị định 81 cũng quy định giảm 70% học phí cho sinh viên học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù: các ngành nhạc công kịch hát dân tộc, nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam bộ, diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống, nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc... và một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Sinh viên là người dân tộc thiểu số ở thôn bản đặc biệt khó khăn, xã KV3 vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hải đảo.

Học phí các trường đại học năm 2023

Các trường ĐH đã thông báo học phí năm học 2023 đối với sinh viên trúng tuyển và nhập học. Trong đó, nhiều trường điều chỉnh học phí trong năm học này sau khi Chính phủ chỉ đạo về việc không tăng học phí.

Trường ĐH Thương mại thông báo về mức học phí cụ thể cho từng khóa/chương trình đào tạo của trường được công bố điều chỉnh ngay khi có Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP hoặc văn bản hướng dẫn chính thức của Bộ GD&ĐT. Trước đó, trong đề án tuyển sinh, cơ sở giáo dục này công bố mức thu học phí năm học 2023-2024 với chương trình chuẩn dao động 23 - 25 triệu đồng, chương trình chất lượng cao, tích hợp 35,2 - 40 triệu đồng. Năm ngoái, mức thu học phí đại học chính quy áp dụng cho khóa 58 của trường này dao động từ 535.000 - 959.000 đồng/tín chỉ.

Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM thông báo không tăng học phí năm học 2023 - 2024. Theo đó, mức học phí với chương trình đào tạo chuẩn là 354.000 đồng/tín chỉ, chương trình chất lượng cao 770.000 đồng/tín chỉ. Mức học phí này được duy trì trong suốt 3 năm qua.

Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cũng quyết định không tăng học phí theo lộ trình nhằm chia sẻ, đồng hành với người học. Theo công bố gần đây nhất của nhà trường, mức học phí dao động từ 1.200.000 - 1.450.000 đồng/tháng thay vì mức 1.410.000 - 1.640.000 đồng/tháng như trong đề án trước đó.

ĐH Bách khoa Hà Nội: Theo đề án tuyển sinh năm nay, trường dự kiến thu học phí chương trình chuẩn dao động 23-29 triệu đồng một năm, tăng khoảng 8% so với năm ngoái. Học phí chương trình chất lượng cao, quốc tế và liên kết quốc tế dao động 25-90 triệu đồng, tương tự năm 2022. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ thông báo sẽ sửa đổi Nghị định 81 về học phí công lập, ĐH Bách khoa Hà Nội quyết định giữ nguyên mức thu học phí kỳ I như hai năm qua - khoảng 10 triệu đồng.

Theo thông báo của Trường ĐH Y Hà Nội, mỗi năm học 10 tháng, khi nhập học, sinh viên đóng học phí 5 tháng. Chi tiết học phí như sau:

Các trường đại học thu học phí thế nào trong năm học này? - Ảnh 2.

Học viện Ngoại giao thông báo, học phí kì 1 năm học 2023 - 2024 như sau: Đối với sinh viên 6 ngành: Quan hệ quốc tế; Kinh tế quốc tế; Truyền thông quốc tế; Luật quốc tế; Ngôn ngữ Anh; định mức học phí 4.150.000 đồng/tháng. Tổng học phí học kì 1 (5 tháng) là 20.750.000 đồng. Đối với 2 ngành: châu Á - Thái Bình Dương học; Luật thương mại quốc tế, định mức học phí là 1.900.000, tổng học phí học kì 1 (5 tháng) là 9.500.000 đồng.

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông thông báo, học phí đối kì 1 năm 2023 - 2024 với sinh viên khóa tuyển sinh năm 2023 là 7.175.000 đồng.

Nghị định 81 được Chính phủ ban hành tháng 8/2021. Tuy nhiên, từ khi ban hành đến nay, Nghị định 81 không được triển khai, do Chính phủ yêu cầu các trường ĐH, các địa phương không tăng học phí so với năm học 2020 - 2021 nhằm hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng nặng nề trong và sau dịch COVID-19.

Tháng 8 vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ GD&ĐT lấy ý kiến các địa phương, các trường ĐH, chuyên gia về việc điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 81 cho phù hợp tình hình thực tế. Các ý kiến đều cho rằng, học phí năm học 2023 - 2024 cần phải được điều chỉnh tăng để bảo đảm nguồn lực nâng cao chất lượng GD&ĐT, đầu tư cơ sở vật chất trong điều kiện nguồn lực đầu tư hạn chế, ngân sách chi thường xuyên bị cắt giảm hằng năm.

Đặc biệt, với các trường ĐH công lập, nguồn thu từ học phí chiếm tỷ trọng chủ yếu (trên 80% tổng nguồn thu của trường), khả năng khai thác từ các nguồn thu khác còn hạn chế. Nhiều trường ĐH đề nghị phải tăng học phí để có thể bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện lộ trình tự chủ.

Theo Bộ GD&ĐT, nếu học phí năm học 2023 - 2024 thực hiện theo Nghị định 81 thì mức trần sẽ tăng cao, có khối ngành tăng lên gần 100% so với các năm học trước. Việc này trở thành gánh nặng rất lớn với xã hội.

5 điều tân sinh viên cần chuẩn bị trước khi nhập học5 điều tân sinh viên cần chuẩn bị trước khi nhập học

SKĐS - Để chính thức trở thành sinh viên các trường đại học, thí sinh cần làm gì sau khi biết điểm chuẩn đại học năm 2023?

ĐV
Ý kiến của bạn