Chlamydia là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất, được biết đến như một bệnh nhiễm trùng "im lặng". Khoảng 75% phụ nữ bị nhiễm bệnh không có bất kỳ triệu chứng nào và khoảng 50% nam giới cũng vậy.
Nhiều phụ nữ bị Chlamydia có thể không có triệu chứng đáng chú ý, điều này khiến việc sàng lọc thường xuyên trở nên cần thiết để phát hiện và điều trị sớm. Nếu không được điều trị, Chlamydia có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe sinh sản, bao gồm bệnh viêm vùng chậu (PID) và vô sinh.
1. Nguyên nhân gây bệnh Chlamydia
Chlamydia lây truyền qua quan hệ tình dục với người bị nhiễm bệnh. Bao gồm quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng mà không được bảo vệ. Phụ nữ mang thai bị Chlamydia cũng có thể truyền bệnh cho con mình trong khi sinh, dẫn đến nhiễm trùng mắt hoặc viêm phổi ở trẻ sơ sinh. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Chlamydia bao gồm nhiều bạn tình, tiền sử mắc các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) và sử dụng bao cao su không thường xuyên.

Chlamydia là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến.
2. Triệu chứng của bệnh Chlamydia ở phụ nữ
Nhiều phụ nữ không biểu hiện triệu chứng của bệnh Chlamydia, nhưng khi có, họ có thể gặp phải:
- Khí hư âm đạo tăng hoặc bất thường: Sự thay đổi về màu sắc, độ đặc hoặc mùi của dịch tiết âm đạo có thể là dấu hiệu sớm của nhiễm trùng.
- Cảm giác nóng rát khi đi tiểu: Cảm giác đau hoặc nóng rát khi đi tiểu là triệu chứng phổ biến của bệnh Chlamydia ảnh hưởng đến đường tiết niệu.
- Đau lưng hoặc bụng: Đau lưng dưới hoặc đau bụng có thể là dấu hiệu nhiễm trùng đã lan đến cơ quan sinh sản.
- Buồn nôn: Một số phụ nữ bị buồn nôn, đặc biệt nếu bệnh Chlamydia dẫn đến các biến chứng như viêm vùng chậu.
- Sốt: Sốt cao báo hiệu tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng hơn, cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
- Khó chịu khi quan hệ tình dục: Đau hoặc khó chịu khi quan hệ tình dục thường là dấu hiệu của tình trạng viêm cổ tử cung do bệnh Chlamydia gây ra.
- Chảy máu giữa kỳ kinh: Hiện tượng ra máu bất thường ngoài chu kỳ kinh nguyệt có thể liên quan đến bệnh Chlamydia.
- Đau trực tràng, chảy máu hoặc tiết dịch: Bệnh Chlamydia lây truyền qua quan hệ tình dục qua đường hậu môn có thể dẫn đến các triệu chứng ở trực tràng như đau, tiết dịch hoặc chảy máu.
- Đau họng: Nếu lây truyền qua quan hệ tình dục bằng miệng, bệnh Chlamydia có thể gây nhiễm trùng họng, dẫn đến đau nhức hoặc khó chịu.

Nếu bệnh Chlamydia dẫn đến các biến chứng như viêm vùng chậu có thể gây buồn nôn.
3. Khi nào cần tìm kiếm sự điều trị?
TS. Vincent Chia, Thành viên Hiệp hội sức khỏe nam giới, Bác sĩ gia đình được chứng nhận tại Singapore cho biết: Bệnh Chlamydia dễ dàng được điều trị bằng thuốc kháng sinh do bác sĩ kê đơn. Điều quan trọng là người bệnh phải hoàn thành toàn bộ liệu trình dùng thuốc, ngay cả khi các triệu chứng cải thiện nhanh chóng. Bạn tình của bệnh nhân cũng nên được xét nghiệm và điều trị để ngăn ngừa tái nhiễm. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân và bạn tình nên kiêng quan hệ tình dục cho đến khi bệnh nhiễm trùng được chữa khỏi hoàn toàn.
Phụ nữ gặp bất kỳ triệu chứng nào nêu trên hoặc nghi ngờ mình đã tiếp xúc với Chlamydia nên nhanh chóng đi khám. Điều quan trọng nữa là phải xét nghiệm thường xuyên, ngay cả khi không có triệu chứng, đặc biệt là đối với những người quan hệ tình dục với bạn tình mới hoặc nhiều bạn tình. Khi bác sĩ xác nhận sự hiện diện của vi khuẩn Chlamydia và dựa trên các triệu chứng của từng bệnh nhân sẽ có hướng điều trị sớm để ngăn ngừa biến chứng.
4. Phòng ngừa bệnh Chlamydia
Phòng ngừa bệnh Chlamydia bao gồm thực hành tình dục an toàn, luôn sử dụng bao cao su đúng cách và màng chắn miệng nếu quan hệ bằng miệng. Kiểm tra thường xuyên, đặc biệt là đối với những người có nhiều bạn tình có thể giúp phát hiện sớm các bệnh nhiễm trùng. Giao tiếp cởi mở với bạn tình về tình trạng STI và các biện pháp an toàn cũng rất cần thiết để giảm nguy cơ lây truyền. Việc xét nghiệm và tìm kiếm phương pháp điều trị kịp thời là chìa khóa để duy trì sức khỏe tình dục.
Xem thêm video:
Tại sao phụ nữ giảm ham muốn tình dục sau sinh?