Các trận dịch hạch khủng khiếp trong lịch sử

08-12-2014 14:00 | Y học 360

SKĐS - Trong lịch sử hàng nghìn năm tồn tại và phát triển, con người đã phải chống đỡ với rất nhiều các trận đại dịch cướp đi sinh mạng hàng trăm triệu người.

Trong lịch sử hàng nghìn năm tồn tại và phát triển, con người đã phải chống đỡ với rất nhiều các trận đại dịch cướp đi sinh mạng hàng trăm triệu người. Dịch bệnh diễn ra ở hầu hết các châu lục trên thế giới, trong đó, dịch hạch là loại bệnh dịch nguy hiểm cho nhân loại mà mỗi khi nhắc đến khiến ai cũng phải lo lắng, sợ hãi.

Dịch hạch - căn bệnh do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra, lưu hành trong quần thể động vật thuộc những loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột) và bọ chét ký sinh trên chúng. Từ đó, bệnh lây truyền sang người qua trung gian bọ chét nhiễm khuẩn. Người mắc bệnh có những triệu chứng sốt, đau đầu, mệt mỏi, hoại tử (các mô trong cơ thể bị chết) và sưng hạch bạch huyết, đặc biệt là hạch vùng nách và háng. Đây là bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm bởi tốc độ lây lan mạnh, diễn tiến nhanh và tỷ lệ tử vong cao.

Trận dịch hạch đầu tiên trên thế giới đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người.

Cho đến nay, người ta vẫn chưa xác định được rõ ràng địa điểm bùng phát của nạn dịch. Theo thuyết phổ biến thì địa điểm bùng phát dịch ở vùng thảo nguyên Trung Á nhưng một số học giả lại cho rằng nó bắt nguồn từ miền Bắc Ấn Độ. Nhà sử học Michael W. Dols dựa vào bằng chứng lịch sử liên quan đến đại dịch đã khẳng định rằng dịch hạch bắt nguồn từ châu Phi, sau đó mới lan sang Trung Á và gây ra dịch trong quần thể gặm nhấm. Dù thế nào thì chính từ Trung Á, dịch hạch đã được lan truyền sang phía Đông và phía Tây thông qua các giao dịch trên con đường tơ lụa và các chiến dịch quân sự của quân đội Mông Cổ. Những ghi chép đầu tiên về sự xuất hiện của căn bệnh này ở châu Âu là vào năm 1347 tại TP. Caffa trên bán đảo Krym. Trong cuộc vây hãm kéo dài tại đây, quân đội Mông Cổ đã mắc dịch hạch và họ quyết định dùng máy bắn đá ném các xác chết nhiễm bệnh vào thành phố để gây bệnh cho dân trong thành. Các nhà buôn Genova ở đây sau khi thoát ra đã mang theo luôn căn bệnh về đảo Sicila và khu vực Nam Âu, nơi dịch hạch bắt đầu thực sự lây lan thành đại dịch. Tạm gác một bên độ chính xác của giả thiết này thì cũng phải thừa nhận rằng các điều kiện có sẵn như chiến tranh, nạn đói và thiên tai đã khiến nạn dịch hạch càng trở nên khủng khiếp.

Một số trận đại dịch hạch khủng khiếp trên thế giới

• Đại dịch đầu tiên là bệnh dịch hạch Justinian những năm 541 và 542, lấy đi sinh mạng của 5.000 người ở châu Âu, Bắc Phi và Nga, được mệnh danh là “cái chết đen”.

• Đại dịch giai đoạn 1346-1350 lan rộng làm rung chuyển châu Âu, Trung Đông, Nga và phía Bắc châu Á. 2/3 số người bị nhiễm bệnh thiệt mạng chỉ trong vòng 4 ngày.

• Tại Trung Quốc, cuộc tấn công nhà Tống của quân đội Mông Cổ đã làm gián đoạn nền nông nghiệp và thương nghiệp ở khu vực này, dẫn tới nạn đói và dịch bệnh lan rộng làm dân số giảm từ khoảng 120 triệu xuống còn chừng 60 triệu người. Ước tính nạn dịch hạch thế kỷ 14 đã cướp đi mạng sống của ít nhất 1/3 dân số Trung Quốc.

• Năm 1665, bệnh dịch hạch tại London (Anh) đã giết chết khoảng 100.000 người (15% dân số London vào thời điểm đó). Bệnh gây ra bởi vi khuẩn Yersinia pestis qua vết cắn của bọ chét ký sinh trên cơ thể chuột nhiễm bệnh.

• Vào đầu thế kỷ thứ 18, bệnh xuất hiện trở lại tại Pháp, khởi phát ở Marseille vào năm 1720, đã giết chết khoảng 100.000 người dân và phải mất 2 năm, đại dịch này mới hoàn toàn bị chế ngự.

• Vào đầu năm 1771, dịch hạch tái xuất hiện ở Moscow, Nga và nhanh chóng chuyển thành đại dịch. Đại dịch này đã khiến cho kinh tế nước Nga gần như tê liệt, lương thực cạn kiệt, cuộc sống của người dân rơi vào cảnh khốn cùng.

Hệ lụy từ dịch hạch

Con số người thiệt mạng do đại dịch hạch này thay đổi liên tục theo kết quả các cuộc nghiên cứu. Ước tính có chừng 75 - 200 triệu người là nạn nhân của đại dịch này trong thế kỷ 14. Theo chuyên gia về lịch sử Trung cổ Philip Daileader thì kết quả các cuộc nghiên cứu cho thấy chừng 45 - 50% dân số châu Âu chết trong vòng chỉ 4 năm; các quốc gia ở khu vực Địa Trung Hải như miền Nam nước Pháp, Tây Ban Nha, tỷ lệ dân số tử vong có lẽ lên tới 75 - 80% trong khi ở các nước phía Bắc như Đức, Anh, con số này dừng lại ở chừng 20%. Tại khu vực Trung Đông gồm Iraq, Iran và Syria, số người chết trong giai đoạn Trung kỳ Hồi giáo vào khoảng 1/3 dân số. Ước chừng 40% dân số Ai Cập đã chết trong lần đại dịch này.

Dịch bệnh lây lan nhanh như vậy không chỉ gây tử vong cho con người mà còn gây nên mối nghi ngờ cho các giới cầm quyền. Thời kỳ khoa học chưa phát triển, họ đưa ra giả thiết cho rằng đại dịch này do các thế lực siêu nhiên, động đất hoặc việc người Do Thái đầu độc nguồn nước. Kết quả là cộng đồng người Do Thái ở châu Âu đã phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công. Tháng 2/1349, người Công giáo đã giết 2.000 người Do Thái ở Strasbourg; tháng 8/1349, cộng đồng người Do Thái ở Mainz và Köln đã bị tiêu diệt, tổng cộng cho tới năm 1351 đã có 60 cộng đồng lớn và 150 cộng đồng nhỏ của người Do Thái bị diệt vong.

Dịch hạch còn đem đến hệ lụy cho nền kinh tế. Tình trạng kinh tế và xã hội của châu Âu không chỉ tan          hoang trong đại dịch mà còn phải chịu ảnh hưởng từ chính sách cấm vận và thù địch lẫn nhau. Ví dụ: người Anh không thể mua hạt giống từ Pháp do cấm vận và nếu có mua được thì các con tàu buôn cũng thường bị cướp biển tấn công hoặc bị trộm cắp để đưa ra thị trường chợ đen. Năm 1337, ngay trước khi dịch hạch bùng nổ, Anh và Pháp đã lao vào cuộc chiến sau này được biết đến với cái tên Chiến tranh Trăm năm. Tất cả đã khiến châu Âu vào giữa thế kỷ 14 thực sự rơi vào thảm kịch cả về kinh tế và xã hội.

Hiện nay, dịch hạch đang có nguy cơ bùng phát trở lại. Theo thông tin chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 21/11/2014, Bộ Y tế Madagascar đã thông báo với WHO về việc bùng phát dịch bệnh dịch hạch tại quốc gia này.

Trước đó, cơ quan đầu mối IHR của Mỹ thông báo ghi nhận 04 trường hợp mắc bệnh dịch hạch tại bang Colorado, Mỹ và Ủy Ban Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc cũng đã thông báo ghi nhận 01 trường hợp tử vong do bệnh dịch hạch thể phổi tại tỉnh Cam Túc (Trung Quốc).

Như vậy, dịch hạch là một bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm, được xếp vào diện phải kiểm dịch và khai báo quốc tế.

(Tổng hợp)

Nam Phong

 

 

Ý kiến của bạn