Trước những ý kiến của dư luận, người dân và doanh nghiệp thời gian qua về một số trạm thu phí bất hợp lý và có dấu hiệu tận thu, lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải đã chỉ đạo từ năm 2016, những bất hợp lý về trạm sẽ được điều chỉnh với tinh thần chia sẻ lợi ích, rủi ro giữa chủ đầu tư đường BOT và người dân. Bên cạnh đó, để giảm thiểu các chi phí phát sinh và hướng đến sử dụng công nghệ cao vào thu phí nhằm tránh thất thoát tiền phí, đến năm 2020, tất cả các trạm thu phí BOT đều phải xây dựng trạm thu sử dụng công nghệ thu tự động. Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cũng khẳng định, mức phí cao tốc là Bộ Giao thông - Vận tải đưa ra sau khi đã cân đối mức thu nhập của người dân, lãi suất và khả năng trả nợ của ngân hàng. Có thể xem đây là tín hiệu đáng mừng đối với những bức xúc của người dân và doanh nghiệp về những trạm thu phí bất hợp lý, có dấu hiệu tận thu.
Tuyến đường từ Thái Bình đi Hà Nội chỉ 105km mà có tới 4 trạm thu phí. Có đoạn mới phủ thêm lớp nhựa nhưng vẫn thu phí cao như trạm Pháp Vân – Cầu Giẽ với mức phí 45 nghìn đồng đối với xe từ 5 - 9 chỗ làm cho chi phí của người dân và doanh nghiệp vốn đã cao nay lại càng cao hơn.
Đã có rất nhiều ý kiến doanh nghiệp nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động được gửi về VCCI để tập hợp gửi lên Thủ tướng Chính phủ trong đó, vấn đề thuế, phí thời gian qua tăng mạnh khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc. Một trong những kiến nghị được cộng đồng
doanh nghiệp gửi đến Thủ tướng nhiều nhất là phí đường bộ. Còn phí thu cho tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng lên đến 190 nghìn/lượt đối với xe con là quá cao, ảnh hưởng lớn tới chi phí của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải.
Vấn đề đặt ra ở đây là việc đầu tư hạ tầng theo hình thức BOT được làm với bất cứ giá nào, trái với quy định về phân bổ các trạm thu phí, nâng mức phí vượt quá mức thu nhập của người dân đã ảnh hưởng giá thành vận tải và gây bức xúc cho cộng đồng. Trong khi đó, theo Hiệp hội Công Thương TP. Hà Nội, việc thu phí giao thông đường bộ có nhiều bất hợp lý, khoảng cách giữa các trạm thu phí chưa tuân thủ quy định; hệ thống đường vừa làm xong đã bị xuống cấp hư hỏng… Vì thế, người dân và doanh nghiệp rất cần có sự minh bạch, công khai làm bao nhiêu tiền/km đường? Được thu phí bao nhiêu năm? Giá cước thu phí cụ thể bao nhiêu năm sẽ thu hồi đủ vốn của nhà đầu tư? Bên cạnh đó, nên thay đổi bằng cách chuyển dần từ BOT thành hợp tác công – tư PPP để Nhà nước, nhân dân kiểm soát được việc đầu tư, minh bạch hóa về giá thành đầu tư. Có như thế mới tránh được những bức xúc của người dân và doanh nghiệp về những trạm thu phí bất hợp lý, có dấu hiệu tận thu hiện nay.