Các tổn thương da liên quan khẩu trang N95 và biện pháp dự phòng, điều trị

09-06-2021 23:21 | Y học 360
google news

SKĐS - Mặc đồ phòng hộ cá nhân (PPE) phòng chống lây nhiễm COVID-19 trong thời gian dài giữa thời tiết nắng nóng làm các nhân viên y tế dễ bị sốc nhiệt, mệt lả, và dễ mắc các bệnh da nghề nghiệp ở các nhân viên y tế.

Nếu không được chẩn đoán và điều trị, các bệnh da và những triệu chứng ngứa, khó chịu của bệnh có thể làm ảnh hưởng đến việc tuân thủ các quy định khi mặc đồ bảo hộ cá nhân, dẫn đến nguy cơ thủng/ rách đồ bảo hộ, làm tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cho NVYT.

Vì vậy, nhận biết và dự phòng sớm bệnh da do PPE là điều rất cần thiết để bảo vệ nhân viên y tế (NVYT) trong đại dịch COVID-19.

Tổn thương da liên quan khẩu trang N95 và kính bảo hộ

Theo nghiên cứu của Lan J và cộng sự, trong đại dịch COVID-19, 97% NVYT tuyến đầu ở Trung Quốc có biểu hiện tổn thương da do PPE. Những người mang khẩu trang N95 và kính bảo hộ từ 6 giờ trở lên có nguy cơ bị tổn thương da ở vị trí tiếp xúc hơn những người mang những phương tiện bảo hộ này trong thời gian ngắn hơn. Mang các phương tiện bảo vệ mặt trong thời gian dài là yếu tố nguy cơ chính của các bệnh lý da.

Vì vậy, các NVYT nên được sắp xếp các đợt nghỉ giải lao nhiều hơn, để giảm thời gian mặc PPE liên tục (không quá 6 giờ), đặc biệt trong thời tiết nóng ẩm như hiện nay.

Trứng cá

Đối với những người đã có tiền sử bị trứng cá, việc mang khẩu trang N95 và kính bảo hộ trong thời gian dài gây nên áp lực và ma sát, làm bít tắc các nang lông và làm nặng tình trạng trứng cá trước đó. Những NVYT không bị trứng cá trước đó thì có thể mắc trứng cá do kích thích (acne mechanica) do khẩu trang, kính bảo hộ gây nên các chấn thương cơ học, tạo nên các sẩn viêm nhỏ. Mang khẩu trang và kính bảo hộ cũng tạo ra một vi môi trường nóng ẩm bên trong, làm tăng tiết mồ hôi và chất bã nhờn ở mặt, tạo điều kiện cho vi khuẩn C.acnes hoạt động.

Để dự phòng trứng cá, NVYT nên được nghỉ giải lao thường xuyên để giảm tối đa sự cọ xát và áp lực từ khẩu trang, kính bảo hộ. Ngoài ra, nên rửa mặt bằng sữa rửa mặt có thành phần axit salicylic và benzoyl peroxide trước và sau ca làm việc.

Đối với các sẩn, nhân mụn trứng cá, có thể dùng kháng sinh, benzoyl peroxide, retinoid dạng kem/gel, đơn độc hoặc phối hợp. Nên dùng các loại dưỡng ẩm không chứa dầu, không gây nhân mụn. Những trường hợp trứng cá nặng, dai dẳng nên hội chẩn với bác sỹ Da liễu để được điều trị bằng các thuốc đường toàn thân.

Tổn thương da do áp lực (pressure injuries)

Mang khẩu trang N95 và kính bảo hộ có thể gây ra các vết lõm trên da và các dát đỏ, thậm chí chỉ sau 1-2 giờ. Đây là những biểu hiện cảnh báo sớm của các tổn thương da do áp lực. Với áp lực liên tục lên một vị trí cố định lặp đi lặp lại hằng ngày thì các vết lõm và dát đỏ có thể tiến triển thành các bọng nước, vết trợt, loét. Các vị trí thường gặp là cầu mũi và hai má. Khí hậu nóng bức có thể làm tăng độ ẩm vùng da dưới khẩu trang, từ đó làm tăng nguy cơ bị các tổn thương da do áp lực và nguy cơ nhiễm khuẩn da thứ phát.

Các nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ cá nhân để lấy mẫu bệnh phẩm tại tâm dịch huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang (06/2021). Ảnh: BS. Nguyễn Thị Hà Vinh.

Các biện pháp dự phòng, điều trị:

NVYT nên rửa mặt bằng các loại sữa rửa mặt nhẹ dịu có pH cân bằng, tránh dùng các loại xà phòng, chất tẩy rửa có tính kiềm có thể làm tổn thương hàng rào da. Sau khi thấm khô da mặt, nên bôi một lớp dung dịch bảo vệ lên vùng da chịu áp lực (Ví dụ như gel silicone, 3M Cavilon No Sting Barrier Film), xoa nhẹ nhàng và đảm bảo da khô hoàn toàn trước khi mang PPE. Chú ý tránh bôi những loại này vào vùng da gần mắt và các niêm mạc.

Nên bôi các loại dưỡng ẩm có chứa ceramide lên da trước khi mặc PPE khoảng 1 giờ; khi hết ca làm việc, nên bôi dưỡng ẩm vùng mặt đều đặn để duy trì hàng rào bảo vệ da.

Tránh bôi các sản phẩm dung môi dầu, mỡ như petrolatum vì có thể gây trơn, làm trượt khẩu trang hoặc kính bảo hộ, không đảm bảo an toàn cho NVYT.

Có thể dùng các miếng dán y tế mỏng (ví dụ như băng dán hydrocolloid) để giảm áp lực lên da, tuy nhiên việc dùng các loại miếng dán này cùng khẩu trang N95 vẫn còn nhiều tranh cãi vì chưa có bằng chứng đảm bảo độ an toàn trong phòng chống lây nhiễm COVID-19 cho người mang.

Giảm thời gian chịu áp lực: NVYT nên được nghỉ giải lao mỗi 2-3 giờ, mỗi lần khoảng 10-15 phút để cởi bỏ tạm thời các phương tiện phòng hộ

Nếu có tổn thương da nặng do áp lực, có thể cần dùng kháng sinh bôi tại chỗ và băng vết thương. Lý tưởng nhất là vết thương nên được điều trị khỏi hẳn trước khi mang lại khẩu trang.

Nếu tổn thương da do áp lực khi mang kính bảo hộ, có thể thay thế bằng mạng che mặt hoặc tấm kính che mặt.

Mày đay do tiếp xúc và mày đay do áp lực

Đeo khẩu trang N95 và kính bảo hộ vừa vặn, đúng cách sẽ bịt kín và chặt vùng da mặt. Những dụng cụ bảo hộ này và dây đeo đi kèm có thể gây mày đay do tiếp xúc và mày đay do áp lực.

Các biện pháp dự phòng:

NVYT nên nghỉ giải lao đều đặn mỗi 2-3 giờ để giảm tối đa áp lực và ma sát từ PPE.

Có thể uống dự phòng thuốc kháng histamin H1 (thế hệ 2) 1-2 giờ trước khi bắt đầu ca làm việc.

Viêm môi (cheilitis)

Liếm môi thường xuyên do mất nước, uống nước không đủ có thể gây ra viêm môi. Khí hậu nóng ẩm càng làm tình trạng này nặng lên.

Để dự phòng, NVYT nên bôi thường xuyên các loại dưỡng môi (không chứa hương liệu) và uống nước đầy đủ mỗi 2-3 giờ khi nghỉ giải lao.

Các tổn thương da khác vùng mặt

Viêm da dầu.

Viêm da do cọ xát, viêm da tiếp xúc kích ứng: do khẩu trang, gọng kính bảo vệ, dây đeo.

Viêm da tiếp xúc dị ứng: ít gặp hơn, dị ứng với một thành phần nào đó của khẩu trang (gọng kim loại, dây cao su).

Tăng sắc tố vùng da mặt: tăng sắc tố sau viêm (viêm da tiếp xúc kích ứng, dị ứng)

Các biện pháp dự phòng và điều trị:

Khi đội mũ phẫu thuật, kéo mũ che vùng da quanh tai trước khi mang khẩu trang để hạn chế áp lực từ dây đeo.

Ngoài ra có thể dùng khẩu trang có dây đeo quanh đầu thay cho loại khẩu trang có dây đeo quanh tai để tránh viêm da tiếp xúc kích ứng ở vùng da quanh tai.

Dùng steroids bôi vùng da bị viêm và dưỡng ẩm thường xuyên để bảo vệ hàng rào da khỏi các tổn thương nặng hơn

Có thể dùng các chất bảo vệ da như gel silicone để làm giảm ma sát.

Tất cả các loại thuốc, kem bôi tại chỗ nên được dùng ít nhất 1 giờ trước khi mặc PPE.

(Còn nữa...)


PGS.TS Lê Hữu Doanh - TS.BS Nguyễn Thị Hà Vinh
Ý kiến của bạn