Các tôn giáo khát vọng chung tay sớm đẩy lùi dịch bệnh

31-08-2021 06:30 | Nhịp cầu Nhân ái
google news

SKĐS - Những ngày COVID-19 hoành hành, TP.Hồ Chí Minh trở thành tâm dịch. Danh sách bệnh nhân cứ nối dài trong các bệnh viện điều trị COVID-19. Từng hẻm nhỏ đều oằn mình trong bộn bề lo âu, phập phồng chờ đợi sự bình yên trở lại.

Bừng lên tinh thần bác ái

Sẻ chia cùng nỗi vất của Thành phố cũng như các y bác sĩ tuyến đầu, hàng loạt tình nguyện viên ở nhiều tôn giáo khác nhau lại vùng cháy khát vọng chung tay sớm đẩy lùi dịch bệnh. 

 Trong cuốn sổ tay, lấy ra nghiền ngẫm mỗi đêm, anh Nguyễn Văn Tùng theo đạo Công giáo đang làm công tác tình nguyện giúp bệnh nhân COVID-19 ở Thủ Đức đều thuộc lòng dòng chữ "Hãy sát cánh bên nhau, mọi tôn giáo đều như tình anh em. Một cơ thể đau là lòng mình cũng lo".

Các tôn giáo khát vọng chung tay sớm đẩy lùi dịch bệnh  - Ảnh 2.

Các lực lượng tôn giáo chung tay nơi tuyến đầu chống dịch.

Tùng chia sẻ rằng: "Hơn lúc nào hết, những ngày đại dịch này lại càng cần yêu thương nhau hơn. Mỗi ngày chứng kiến các y bác sĩ căng mình làm việc, ngủ không đủ giấc, chúng tôi lại thấy dâng trào tình yêu thương, trân trọng. Đỡ đần được họ là niềm vui. Phụ vào lo giấc ngủ, miếng ăn cho bệnh nhân COVID-19 càng nhiều càng tốt".

Ướt đẫm mồ hơi sau nhiều giờ vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm, thức ăn cho bệnh nhân Bệnh viện Dã chiến số 12 (Thủ Đức), giọng Nguyễn Văn Ân (Dòng Đức mẹ Người nghèo) vẫn vững vàng niềm tin.

Ân bộc bạch rằng: Ở Thành phố này chúng tôi vẫn hay gọi là Sài Gòn. Sài Gòn những ngày này thương lắm. Có hôm rất khuya rồi, mọi con phố đều im lìm trong giấc ngủ thì hàng loạt Bệnh viện Dã chiến ở Thủ Đức vẫn sáng đèn. Mấy ngàn bệnh nhân trong mỗi bệnh viện phân chia nhiều dòng tâm trọng. Thế nên sự trăn trở càng nhiều hơn.

Các tôn giáo khát vọng chung tay sớm đẩy lùi dịch bệnh  - Ảnh 3.

Bảo Vinh luôn khát khao cùng các thành viên tôn giáo của mình chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Chúng tôi quyết tâm lao vào điểm nóng, dốc hết sức mình giúp bệnh nhân COVID-19, không phân biệt tuổi tác hay tôn giáo nào cả. Đúng như Ân nói, nhiều lần đi qua những tòa nhà đối diện nhau vốn là những khu chung cư được tận dụng làm Bệnh viện Dã chiến, tiếng rì rầm đan xen vào nhau đầy ám ảnh. 

Có cô gái trẻ người Cơ Ho cất tiếng gọi chàng trai người Cill hẹn ngày hết bệnh trở về cao nguyên Lâm Đồng. Lại có cụ già phía bên này gọi với sang bên kia khi nhận ra đó là người cùng quê với mình.

Nhiều lần đi qua những tòa nhà đối diện nhau vốn là những khu chung cư được tận dụng làm Bệnh viện Dã chiến, tiếng rì rầm đan xen vào nhau đầy ám ảnh.

Sài Gòn vốn như chiếc bao bố khổng lồ, thu nạp mọi dân tộc đến từ khắp nơi trên dải đất hình chữ S. Họ mưu sinh, có người bám trụ định cư luôn. Mỗi người một công việc, nhưng khi thành phố nằm trong vòng vậy của dịch bệnh thì tinh thần đoàn kết, gắng gượng lại trỗi dậy mạnh mẽ.

Nhìn vào phòng cấp cứu bệnh nhân COVID-19, Nguyễn Văn Ân lại đưa tay quẹt nước mắt. Anh chia sẻ rằng: Mình vào đây tình nguyện phục vụ thấy thấu hiểu hơn những thân phận không may mắn như mình. Có người rất nghèo, nhất là công nhân từ khắp nơi đổ về. Có người theo dòng này, dòng khác, đạo này, đạo khác nhưng chúng tôi đều xem như anh em của mình hết. Coi như đang cùng chung sống trong một đại gia đình lớn để đỡ đần cho nhau vậy.

Cũng là tín đồ xung phong đi giúp Bệnh viện Dã chiến 12 cùng với Ân còn có một số người làm ở bộ phận hành chính; hậu cần. 

Nguyễn Văn Ân chia sẻ: Trong đội chúng tôi, đặc biệt anh Nguyễn Văn Hoa khắc phục được mọi khó khăn trước mắt, tham gia hỗ trợ đắc lực cho việc lo hậu sự cho bệnh nhân COVID-19 không may qua đời. Khi đã dấn thân vào tâm dịch rồi thì mọi thứ đều xác định gắn bó, san sẻ với y bác sĩ và trên hết là được chăm chút những bệnh nhân ở bất kể tôn giáo nào.

Dáng hình nhỏ bé nhưng Sơ Maria Nguyễn Thị Duyên Anh hàng ngày vẫn thoăn thoắt quét dọn vệ sinh, vận chuyển rác từ sáng đến tối như quên đi bao mệt mỏi. Sơ bảo rằng: Hạnh phúc vì được giúp y bác sĩ, bệnh nhân khiến không còn mệt nữa.

Ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (Thủ Đức) mỗi thành viên từ các tôn giáo khi bước chân vào khuôn viên bệnh viện đều nêu bật quyết tâm: Chiến đấu với dịch bệnh đến cùng. Không để cho các nhân viên y tế phải kiệt sức.

"Thương người như thể thương thân"…

Theo Uỷ ban mặt trận tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam TP.Hồ Chí Minh, chỉ riêng trong ngày 22/7, đã làm lễ xuất quân lực lượng tình nguyện các tôn giáo tham gia phòng, chống dịch COVID-19 với số gần 300 người.

Các tôn giáo khát vọng chung tay sớm đẩy lùi dịch bệnh  - Ảnh 6.

Sơ Mai luôn thấy hạnh phúc khi được chăm chút cho bệnh nhân COVID-19

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.Hồ Chí Minh chia sẻ: Để vượt qua những khó khăn của đại dịch, các tầng lớp nhân dân cùng chung sức, đồng lòng sát cánh bên các y bác sĩ tuyến đầu. Nghĩa cử cao đẹp, năng động, giàu tính nhân văn được phát huy cao độ. Tinh thần sẻ chia và lòng nhân ái được lan tỏa mạnh mẽ. Các Giáo hội, các tổ chức tôn giáo, các chức sắc, chức việc, tu sĩ, tín đồ tùy theo sức lực để phục vụ trong các bệnh viện, khu cách ly.

Vào tâm dịch, mỗi người đều tâm niệm, hơn lúc nào hết, đồng bào các dân tộc, các giới, các tổ chức tôn giáo càng phải đoàn kết nhau hơn. Tạo nên sức mạnh cùng đẩy lùi dịch bệnh. Ở các khu các ly, các bệnh viện dã chiến, tình nguyện viên từ các tôn giáo không nề hà bất cứ việc gì từ trợ giúp bệnh nhân ăn uống, vệ sinh, vận động đến miệt mài túc trực trong các phòng cấp cứu.

Các tôn giáo khát vọng chung tay sớm đẩy lùi dịch bệnh  - Ảnh 7.

Nhiều tình nguyện viên tôn giáo căng mình làm việc trong phòng cấp cứu bệnh nhân COVID-19

Tu sĩ Nguyễn Bảo Vinh, trưởng nhóm tình nguyện thuộc Dòng chú Cứu thế đang phục vụ tận tình các bệnh nhân COVID-19 ở Bệnh viện Dã chiến số 12 khẳng định: Nơi gian khó nhất, tiềm ẩn hiểm nguy nhất mà giúp được cộng đồng thì chúng tôi luôn sẵn sàng. Ngay từ khi dịch bùng phát, chúng tôi đã nung nấu quyết tâm lên đường. Không chỉ Bệnh viện Dã chiến số 12 mà còn tỏa xuống nhiều nơi đang điều trị bệnh nhân COVID-19.

Cũng theo tu sĩ Vinh, tình nguyện viên từ các tôn giáo phân chia ra phục vụ ở hầu hết các khâu như: Hỗ trợ cấp cứu; hỗ trợ lo hậu sự; hỗ trợ lo đồ ăn, hậu cần… Tiết kiệm tối đa từng giờ, các bộ phận túc trực bên ngoài khi rãnh lại tham gia dọn vệ sinh, sát khuẩn quanh các khu sinh sống, điều trị bệnh nhân.

Gần một tháng dỗ dành bệnh nhân COVID-19 vào giấc ngủ, xoa bóp cho từng người ở phòng cấp cứu (Bệnh viện Dã chiến số 10 ở Thủ Đức), Sơ Mai bộc bạch rằng: "Chúng tôi đã xác định rõ, tất cả tôn giáo đều bình đẳng và có tình thương, sự hy sinh cho nhau. Ở phòng cấp cứu này mỗi bệnh nhân đều để cho tôi một sự xúc động mạnh mẽ. Các y bác sĩ ở đây rất tận tâm. Tuy không học ngành y nhưng tôi vẫn xung phong đến phòng cấp cứu. 

Tại đây mình giúp được y bác sĩ và người nhiễm COVID-19 rất nhiều. Tinh thần phục vụ trong mình luôn dâng cao, không nề hà bất cứ việc gì hết. Có những câu chuyện do "con COVY" gây ra từ phía bệnh nhân ùa vào lòng mình, không diễn tả thành lời. Có gia đình cả nhà bị, mỗi người điều trị một nơi. Xót xa lắm. Mắt mũi cứ xè cay. Vậy nên mình dành cho họ tất cả lòng yêu thương, trân trọng".

Ngay khi các ca bệnh dần tăng, Sơ Mai đã làm đơn xung phong vào phòng bệnh nặng. Sơ Mai tâm tình thêm rằng: Làm việc gì cũng được miễn ra giúp được cộng đồng, được bệnh nhân. Dù đi đổ bô nước tiểu hay lau rửa một thân thể… thì với mình đó là tất cả tình yêu có thể phục vụ con người. Ban đầu dự định phục vụ hai tháng nhưng nếu dịch còn kéo dài thì đồng hành với các y bác sĩ đến phút chót, đẩy lùi được đại dịch mới thôi.

Gần một tháng dỗ dành bệnh nhân COVID-19 vào giấc ngủ, xoa bóp cho từng người ở phòng cấp cứu (Bệnh viện Dã chiến số 10 ở Thủ Đức), Sơ Mai bộc bạch rằng: Chúng tôi đã xác định rõ, tất cả tôn giáo đều bình đẳng và có tình thương, sự hy sinh cho nhau.

Theo Sơ Mai cũng như hàng loạt tình nguyện viện khác từ các phòng bệnh, phòng cấp cứu người nhiễm COVID-19 thì càng ngày sự gắn bó với các "chiến sĩ áo trắng", các bệnh nhân giống như tình thân vậy. Vượt lên nữa đó là lòng trân trọng, bác ái với con người. 

Đánh giá về các tình nguyện viên từ các tôn giáo, TS.BS.CKII Nguyễn Thanh Vinh, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 10 cho biết: Họ mang quyết tâm và sự chia sẻ rất cao. Tính cách của họ rất dịu dàng, chăm chút, an ủi bệnh nhân nhiệt tình, xua tan bớt đi những căng thẳng, hỗ trợ cho công tác điều trị rất nhiều. 

Các tình nguyện viện này được bố trí làm rất nhiều việc như: Đưa thức ăn đến phòng bệnh, tham gia công tác khử khuẩn. Nhiều tình nguyện có chút nghiệp vụ nghề y thì bố trí vào phòng ICU, phòng hồi sức cấp cứu. Mỗi người mỗi việc phù hợp đã hỗ trợ rất nhiều cho công tác điều trị và phục hồi cho bệnh nhân COVID-19.

Sơ chăm sóc bệnh nhân COVID-19 trong phòng cấp cứu


Bài, ảnh, video Hà Văn Đạo
Ý kiến của bạn