ThS.BS Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết, nhờ tích cực triển khai các hoạt động can thiệp vào nhóm có hành vi nguy cơ cao, nước ta đã từng bước kiểm soát được dịch HIV. Những kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của các tổ chức xã hội, bao gồm các tổ chức phi chính phủ trong nước, doanh nghiệp xã hội, các tổ chức dựa vào cộng đồng.
Không chỉ cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su, gel bôi trơn, kết nối điều trị ARV/PrEP và hỗ trợ tuân thủ điều trị… những năm gần đây, các tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng đã tham gia mạnh mẽ các dịch vụ cung cấp các hoạt động xét nghiệm HIV tại cộng đồng để tìm các ca nhiễm HIV.
ThS.BS Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS.
Hiện công tác xét nghiệm sàng lọc HIV đã bao phủ 100% tuyến huyện với hơn 1.300 cơ sở và xét nghiệm khẳng định HIV đã bao phủ 100% tỉnh/thành phố với 204 phòng xét nghiệm khẳng định. Xét nghiệm nhiễm mới đã được triển khai tại 28 tỉnh/thành phố trên cả nước. Mỗi năm có tới hơn 1 triệu test HIV được triển khai, không chỉ ở hệ thống y tế mà ở cả cộng đồng và do chính các tổ chức cộng đồng thực hiện.
Có thể nói, các tổ chức cộng đồng đóng góp tới 50% số ca nhiễm mới tại một số tỉnh thành phố hiện nay, thậm chí một số nơi có tới 60-70% các ca nhiễm HIV mới được phát hiện là do các tổ chức xã hội thực hiện.
1. Lợi thế của các tổ chức dựa vào cộng đồng
Do đặc thù ở nước ta, dịch HIV vẫn tập trung ở nhóm người có nguy cơ cao như: Người nghiện chích ma túy, người bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM)… Đây là nhóm dễ bị kỳ thị phân biệt đối xử. Do vậy hệ thống y tế nhà nước khó tiếp cận hơn với các đối tượng này so với các tổ chức cộng đồng.
Các tổ chức cộng đồng thường là người trong cuộc nên có sự đồng cảm hơn, hiểu đối tượng của mình hơn, nên dễ tiếp cận để truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ cho các nhóm này hơn. Họ sẽ giúp cho những người nguy cơ cao tiếp cận được các dịch vụ phòng, chống HIV, giúp người nhiễm HIV sớm phát hiện tình trạng bệnh và tiếp cận điều trị HIV sớm.
Một lợi thế khác là các tổ chức cộng đồng ngày nay cũng rất nhanh nhạy và có lợi thế đó là tiếp cận, truyền thông nâng cao nhận thức cho các đối tượng đích như truyền thông qua mạng xã hội facebook, ticktok, livestream... rất nhanh nhạy, sáng tạo, phù hợp với thị hiếu của đối tượng đích, nên thu hút sự quan tâm của cộng đồng những người có hành vi nguy cơ cao.
ThS.BS Võ Hải Sơn cho biết, nếu như các cơ sở y tế cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV một cách thụ động, thì các tổ chức dựa vào cộng đồng được triển khai các dịch vụ này một cách chủ động. Những người nguy cơ cao không cần đến các cơ sở y tế, vẫn có thể nhận được các dịch vụ y tế chủ động. Tuy nhiên, các tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng cần hoạt động tuân thủ theo quy trình, quy định của pháp luật nhà nước đã đưa ra.
2. Cần có giải pháp duy trì các hoạt động tổ chức cộng đồng
Các tổ chức cộng đồng đóng góp tới 50% số ca nhiễm mới tại một số tỉnh thành phố hiện nay.
Có thể nói, ở nước ta các tổ chức xã hội, nhóm cộng đồng là những người trực tiếp tham gia cung cấp các dịch vụ phòng chống HIV cho nhóm hành vi nguy cơ cao. Họ được ví như như những cánh tay nối dài của nhân viên y tế, triển khai những công việc mà nhân viên y tế ít có lợi thế hơn để từng bước góp phần kiểm soát dịch HIV tại địa bàn mình sinh sống. Do vậy, vai trò của các tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng là không thể thiếu trong công tác phòng, chống HIV và bảo đảm các kết quả bền vững trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Từ trước tới nay hoạt động của các tổ chức xã hội hay các nhóm dựa vào cộng đồng phần lớn nhờ vào ngân sách tài trợ của các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, nguồn ngân sách này đã và đang tiếp tục cắt giảm. Do vậy việc huy động sự tham gia của các tổ chức cộng đồng tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới cũng như cần có một cơ chế chính sách để duy trì sự tham gia của các tổ chức cộng đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước là hết sức quan trọng.
Hiện một số quốc gia đã sử dụng hình thức "Hợp đồng xã hội" để huy động các tổ chức xã hội tham gia cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS thông qua việc sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước.
Việt Nam cần học tập kinh nghiệm của các nước để duy trì, nhân rộng và tạo điều kiện và để các tổ chức xã hội, tiếp tục cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS thông qua hình thức hợp đồng xã hội, bởi họ là nhóm khó có thể thay thế trong việc tìm, phát hiện ca nhiễm mới và can thiệp dự phòng HIV trong bối cảnh dịch vẫn chưa được khống chế như hiện nay. Các tổ chức xã hội có vai trò vượt trội so với cơ sở y tế trong các hoạt động này, ThS.BS Võ Hải Sơn cho biết.
Được biết, ở nước ta, Bộ Y tế đã phê duyệt "đề án thí điểm mua sắm dịch vụ phòng chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp giai đoạn 2022-2024". Đề án đã được triển khai thí điểm tại 9 tỉnh: Nghệ An, Tây Ninh, Đồng Nai, Tiền Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bình Dương, Hải Phòng và Điện Biên.