Các tỉnh thành phía Nam chuẩn bị khôi phục sản xuất kinh doanh như thế nào sau dịch COVID-19?

19-09-2021 18:00 | Thị trường
google news

SKĐS - Thời gian này, khi tình hình dịch bệnh đang có những tín hiệu tích cực, các tỉnh thành phía Nam cũng đã sẵn sàng tâm thế để bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế theo kế hoạch, giải pháp đã được xây dựng.

Doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh

Các tỉnh thành phía Nam chuẩn bị khôi phục sản xuất kinh doanh như thế nào sau dịch COVID-19? - Ảnh 1.

Chế biến cao su xuất khẩu tại Đồng Nai

Việc thực hiện giãn cách xã hội thời gian qua đã khiến nhiều lao động rời các khu công nghiệp, rời nhà máy, phân xưởng để về quê. Với tình hình kiểm soát dịch bệnh hiện nay, một số tỉnh, thành phố, dự kiến sẽ xem xét việc nới lỏng giãn cách trong thời gian tới. Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp có sử dụng đông lao động như dệt may, thủy sản, chế biến gỗ.... đã lên kế hoạch tuyển dụng mới, đồng thời, tăng cường các giải pháp phòng chống dịch trong nhà máy để đảm bảo an toàn cho sản xuất.

Với ngành gỗ, các doanh nghiệp như đang "ngồi trên đống lửa" khi nhiều nhà máy nhận được đơn hàng đến tháng 3, tháng 4 năm sau nhưng lại không có đủ lao động để sản xuất. Trong số 265 doanh nghiệp chế biến gỗ tại các tỉnh, thành phía Nam, số lượng công nhân hiện chỉ bằng ¼ so với thời điểm trước khi thực hiện giãn cách xã hội. Để đảm bảo tiến độ giao hàng, ngành đang phải nỗ lực tuyển mới nhiều lao động.

Còn với ngành nhựa, để người lao động yên tâm ở lại sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã tăng cường tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Một số doanh nghiệp còn mở thêm 1 trung tâm y tế ngay chính trong nhà máy, đồng thời, tổ chức test nhanh cho nhân viên đều đặn hàng tuần để đảm bảo luôn có một lực lượng lao động xanh.

Trước cơ hội khôi phục lại hoạt động sản xuất, các doanh nghiệp cũng chủ động phương án để hạn chế tối đa thiệt hại từ đứt gãy chuỗi cung ứng do những khó khăn về lưu thông hay thiếu hụt nguyên vật liệu.

Ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, nhận định: "Hiệp hội sẽ giúp cho doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ, của thành phố một cách nó tốt nhất, gọn nhất và nhanh chóng hỗ trợ sớm nhất, ví dụ như về vấn đề vốn".

Các doanh nghiệp cũng cho rằng, nên cho doanh nghiệp chủ động phương sản xuất tuỳ theo tỷ lệ tiêm vaccine và năng lực phòng chống dịch. Ngoài ra, để chuỗi cung ứng được thông suốt, vấn đề phối hợp giữa tỉnh, thành cần được tính đến. Hình thành chuỗi sản xuất an toàn, liên kết giữa các vùng xanh, tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất mang tính dây chuyền.

Các tỉnh phía Nam sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi kinh tế

Doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch sản xuất an toàn - Ảnh 2.

Nhiều chính sách hỗ trợ giúp các doanh nghiệp phía Nam phục hồi sản xuất sau dịch. Ảnh minh họa



Chỉ đạo về công tác phòng chống dịch bệnh cũng như chuẩn bị cho việc phục hồi kinh tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nêu rõ, các địa phương cần nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, toàn diện, dựa trên thực tiễn để có các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh nhằm khôi phục và phát triển kinh tế.

Việc nới lỏng và khôi phục các hoạt động theo nguyên tắc mở cửa có lộ trình, từng bước có kiểm soát và liên tục đánh giá để kịp thời điều chỉnh phù hợp, dựa trên nguyên tắc "sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất".

Triển khai theo chỉ đạo trên, các địa phương khu vực phía Nam đã xây dựng những kịch bản sẵn sàng đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương mình.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, vừa ban hành kế hoạch "Phục hồi, phát triển kinh tế tại TP Cần Thơ". Mục đích nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo tiêu chí của Bộ Y tế và của TP.

Kế hoạch được chia làm 2 giai đoạn: Giao đoạn 1 từ đây đến cuối năm xác định những ngành nghề sản xuất, kinh doanh dịch vụ (thiết yếu, xuất khẩu, phục vụ sản xuất đời sống), nông nghiệp (4 huyện và các phường vùng xanh của quận), xây dựng cơ bản… được hoạt động trở lại. Giai đoạn 2 từ ngày 1/1/2022 trở đi tiến tới khôi phục hoàn toàn nền kinh tế.

Các tỉnh thành phía Nam chuẩn bị khôi phục sản xuất kinh doanh như thế nào sau dịch COVID-19? - Ảnh 3.

Nhiều địa phương đang tính toán kế hoạch khôi phục sản xuất sau thời gian dài ảnh hưởng dịch bệnh.


Tại TP Hồ Chí Minh, hiện nay, Thành phố tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 30/9 với phương châm triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả từng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên từng địa bàn cụ thể. Thành phố xác định, phòng chống dịch, tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội, đây là nhiệm vụ trọng yếu. 

Từng bước mở cửa nền kinh tế, là yêu cầu cấp thiết. Phương châm "mở cửa" của Thành phố là không quá chậm so với yêu cầu của thực tiễn đặt ra, nhưng cũng không chủ quan nôn nóng, mà phải thực hiện từng bước thận trọng, chắc chắn, không mở cửa nếu không tuyệt đối an toàn. Thành phố hiện đang thí điểm nới lỏng giãn cách tại một số đơn vị, địa phương. Cụ thể, quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ, một số Khu công nghiệp, Khu chế xuất, doanh nghiệp FDI đủ điều kiện đang được cho hoạt động có kiểm soát.

Thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế theo đó chia ra với lộ trình thực hiện 3 giai đoạn gồm: Giai đoạn đầu từ 1/10 đến 31/10, giai đoạn 2 từ 1/11 đến 15/1/2022, và giai đoạn sau đó. Để triển khai, UBND Thành phố sẽ sớm ban hành các chính sách đối với doanh nghiệp để phục hồi kinh tế, các chính sách về thu hút nguồn lực vào kinh tế, xã hội, nhất là hệ thống y tế…

Tại Bình Dương, việc phục hồi kinh tế cũng đang được ưu tiên tại các "vùng xanh". Theo đó, lộ trình giai đoạn 1 từ 15/9 đến 31/10, tỉnh ưu tiên triển khai việc phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn các "vùng xanh"; tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp khóa chặt "vùng đỏ", "điểm đỏ"; mở rộng "vùng xanh"; thần tốc xét nghiệm để nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Giai đoạn 2 từ sau 31/10, trường hợp kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn "vùng đỏ", "vùng vàng", tỉnh mở cửa lại các hoạt động kinh tế - xã hội một cách có chọn lọc, ưu tiên các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại, loại trừ một số ngành nghề nhạy cảm, dễ gây bùng phát dịch như karaoke, vũ trường, quán bar, massage...

Giai đoạn 3, từ sau 31/12, trường hợp kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn "vùng đỏ", "vùng vàng", sẽ mở cửa lại toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội. Một số ngành nghề nhạy cảm, dễ gây bùng phát dịch sẽ phải có tiêu chí điều kiện hoạt động. Trường hợp diễn biến dịch xấu hơn thì tùy theo mức độ và khuyến nghị của ngành y tế, tỉnh sẽ điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Cùng với TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai hiện cũng đứng trước áp lực lớn trong việc vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi kinh tế. Theo dự kiến, từ ngày 20/9 tới, Đồng Nai sẽ triển khai thực hiện các hoạt động kinh tế - xã hội đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới. Trước mắt, tỉnh sẽ cho "vùng xanh" được mở cửa từ từ, "vùng đỏ" vẫn giữ như cũ. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thiết yếu, xây dựng được mở cửa trở lại. Các dịch vụ không thiết yếu vẫn chưa hoạt động.

Để đảm bảo an toàn trong phục hồi sản xuất, các doanh nghiệp xanh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được kết nối với địa phương xanh, đưa người lao động vào các khu công nghiệp xanh để phục hồi sản xuất. Đồng Nai cũng giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn sản xuất. Chính quyền chỉ hỗ trợ doanh nghiệp chứ không làm thay cho doanh nghiệp, tạo ra một cơ chế linh hoạt để chia sẻ trách nhiệm, cộng đồng trách nhiệm trong thời gian sắp tới.

Dù đã tính toán, cân nhắc và đưa ra các phương án cụ thể để phục hồi kinh tế, sẵn sàng bắt tay ngay vào triển khai các giải pháp khi dịch bệnh được kiểm soát tốt nhất song các địa phương đều khá thận trọng và đều dựa trên tinh thần chung "sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất".

Theo các chuyên gia kinh tế, trước làn sóng dịch thứ 4 kéo dài từ cuối tháng 4/2021 tới nay hàng chục ngàn doanh nghiệp đã phải ngừng sản xuất, rời thị trường do không "trụ" được. Cùng với đó, việc thực hiện giãn cách xã hội cũng dẫn tới nhiều chuỗi cung ứng, sản xuất bị đứt gãy. Các tỉnh thành khu vực phía Nam là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề, sâu rộng ở tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Tại các địa phương là "tâm chấn" của đại dịch gồm TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… hầu như không một ngành hay lĩnh vực nào không chịu ảnh hưởng.

Chính vì thế, trong lộ trình mở cửa trở lại, các tỉnh, thành phía Nam khẳng định đã có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gồm: hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động; hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ về thông tin, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ từ ngân sách nhà nước…

Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị quyết 105 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có thể khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất trong bối cảnh dịch COVID-19, trong đó, có nhiều giải pháp tổng thể về lưu thông, xét nghiệm, hay hỗ trợ tài chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa duy trì phát triển sản xuất, vừa đảm bảo an toàn chống dịch.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.



Minh Nguyệt
Ý kiến của bạn