Mưa lớn diện rộng các địa phương ven biển
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ chiều 7/11, Vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 2 - 4 m, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh, sóng biển cao từ 3 - 5 m. Từ ngày 8/11, khu vực từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn trên diện rộng, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai vừa ban hành văn bản số 511/VPTT gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa.
Theo đó, để chủ động ứng phó với gió mạnh trên biển và mưa lớn diện rộng, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa thực hiện việc theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của gió mùa Đông Bắc; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa chủ động rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra trong những ngày tới; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Mưa lớn gây một số thiệt hại
Trước đó, do mưa lớn kéo dài gây một số hậu quả ở Thanh Hoá. Núi Tà Hẻm phía sau bản Tang, xã Trung Thành, huyện Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đã xuất hiện nhiều vết nứt và sạt trượt đất đá lớn.
Các vết nứt nằm ngang sườn núi ở phía sau các nhà dân và có hiện tượng sạt lở cao với khối lượng đất lớn, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân đang sinh sống dưới chân núi. Theo đánh giá của huyện Quan Hóa, khoảng cách từ nhà dân lên điểm nứt, sụt đầu tiên là 400m. Trong số 53 hộ dân, có 19 hộ có nguy cơ rất cao; 20 hộ có nguy cơ cao.
Trước sự cố trên, UBND huyện Quan Hóa đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân Xã Trung Thành và Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện theo sát tình hình, huy động lực lượng canh gác 24/24 giờ khi mưa lớn xảy ra để ổn định an ninh - trật tự, bảo đảm an toàn cho người dân, có phương án xử lý phù hợp.
Văn phòng Ban Chỉ huy về Phòng chống thiên tai tỉnh Bắc Kạn cho biết, mưa lớn từ 28/10 đến 4/11 tại Bắc Kạn làm đất bão hòa nước, xảy ra sạt lở đất.
Vào hồi 1 giờ 30 phút ngày 5/11/2021 tại thôn Pù Lùng, xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, sạt lở taluy dương đã xảy ra, vùi lấp nhà của gia đình anh Hoàng Văn Giàng, khiến cháu Hoàng Thị Linh Đ. (sinh năm 2017, con gái của anh Giàng) thiệt mạng, chị Dương Thị Vênh (sinh năm 1994, vợ anh Giàng) bị thương, căn nhà bị hư hỏng nặng.
Sau khi xảy ra thiên tai, chính quyền địa phương đã có mặt tại hiện trường, huy động lực lượng, chỉ đạo, thực hiện các biện pháp khắc phục thiệt hại, tìm kiếm cứu nạn, di chuyển người và tài sản ra khỏi khu vực sạt lở, tìm kiếm người bị đất vùi lấp.
Đến 7 giờ 30 phút ngày 5/11, thi thể cháu bé đã được đưa ra khỏi khu sạt lở. Chính quyền địa phương đã tổ chức hỗ trợ, thăm hỏi đối với gia đình, hoàn thiện các thủ tục liên quan để hỗ trợ theo quy định.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19