Các tỉnh Nam Trung Bộ: Số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh, cấp bách dập dịch

01-07-2021 13:46 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chỉ trong ít ngày, một số tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ đã có số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh, các điểm nguy cơ liên tục mở rộng. Đặc biệt, nhiều điểm liên quan ca bệnh là nơi tập trung đông người. Các biện pháp ứng phó dịch được ưu tiên hàng đầu. Từng người dân cần chung tay cùng chính quyền phòng, chống.

Phú Yên “chống dịch như chống giặc”

Tỉnh Phú Yên có số ca nhiễm tăng liên tục, lan rộng ra nhiều địa điểm. Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 Phú Yên thông tin, riêng từ chiều 30/6 đến 8h sáng ngày 1/7, toàn tỉnh này đã ghi nhận thêm 46 ca nhiễm COVID-19 nâng tổng số ca nhiễm ở tỉnh này lên 150 ca.

Đáng lo ngại, ngoài các điểm phát hiện ca nhiễm là nơi công cộng, BN 14125 đang điều trị tại BVĐK tỉnh Phú Yên có diễn biến nặng, hiện đang thở máy và lọc máy nhân tạo.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Yên đề nghị các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh bình tĩnh, yên tâm nhưng không chủ quan, lơ là, tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định và hướng dẫn của chính quyền.

Phú Yên đã áp dụng hàng loạt biện pháp truy vết nhanh, xét nghiệm khẩn trương. Số F1 được xác định ngày 30/6 là 79 trường hợp, lũy kế từ ngày 23/6/2021 đến 30/6 là 1.504 trường hợp. Số F2 lũy kế từ ngày 23/6/2021 đến 30/6 là 5.857 trường hợp. Hiện công tác truy vết, xét nghiệm đang được tiếp tục đẩy mạnh.

Phát hiện điểm nguy cơ nào là khoanh vùng, khử khuẩn, áp dụng các biện pháp y tế ngay. Bên cạnh đó khẩn cấp tìm người liên quan đến các điểm nguy cơ. Đồng thời với đó, địa phương đã triển khai phòng xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 tại 02 đơn vị là BVĐK tỉnh Phú Yên và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên.

Khẩn trương xét nghiệm ở Phú Yên (ảnh CDC Phú Yên)

Phú Yên cũng đã quyết định thành lập thêm Bệnh viện dã chiến thứ 2 để phục vụ cho việc điều trị bệnh nhân COVID-19. Bệnh viện dã chiến thứ 2 này sẽ đặt ở Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa (phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa). Trước đó, Phú Yên đã thành lập một bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 ở Đông Hòa.

Viện Pasteur Nha Trang, thầy thuốc của Bệnh viện TW Huế cũng đã bắt tay tích cực hỗ trợ tỉnh Phú Yên nhân lực, vật hỗ trợ địa phương này phòng, chống dịch COVID-19. Nhiệm vụ trọng tâm là giúp cho tỉnh Phú Yên phân luồng, sàng lọc, xét nghiệm, cách ly, tổ chức điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Tức tốc thực hiện nhiều biện pháp

Cũng là tỉnh có nhiều ca nhiễm trong ít ngày gần đây, sáng ngày 1/7, Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết, từ sáng 30/6 đến sáng 1/7 đã ghi nhận thêm 9 ca nhiễm COVID-19 mới. Trong đó có 02 ca trong khu cách ly tập trung, 07 ca trong khu đã được phong tỏa.

Tổng số ca bệnh ở Quảng Ngãi tính từ 25/6 đến ngày 01/7 là 81 ca. Tại các điểm ghi nhận ca bệnh, ngành y tế địa phương đã tức tốc phun khử khuẩn trên diện rộng, lấy mẫu xét nghiệm ngay.

Cùng với việc truy vết nhanh, xét nghiệm mở rộng thì Quảng Ngãi cũng đã đẩy mạnh tiêm chủng an toàn vắc xin phòng COVID-19 đợt 1, tiêm chủng cho 8.623 đối tượng ưu tiên, đạt 100% kế hoạch. Đang tiếp tục gấp rút hoàn thành tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 2, hiện đã tiêm được 23.236 người mũi 1, 275 người mũi 2, đạt tỷ lệ 96,4%.

Trong ngày 30/6, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành công văn hỏa tốc áp dụng biện pháp chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch COVID-19 ở Quảng Ngãi.

Tại xã Phổ Châu (Phổ Thạnh, Đức Phổ) được xác định là nơi có nguy cơ rất cao nên gia đình cách ly với gia đình; thôn/tổ cách ly với thôn/tổ, xã/phường cách ly với xã/phường.

Tất cả phải thực hiện nghiêm quy định 5K. Người dân ở nhà, không ra ngoài khi không thực cần thiết. Dừng hoạt động tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh trừ các dịch vụ thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm, dược phẩm…

Đối với thị xã Đức Phổ (trừ xã Phổ Châu); TP.Quảng Ngãi siết chặt quản lý phòng, chống dịch. Dừng hội họp và các sự kiện tập trung đông người. Kích hoạt các tổ COVID-19 cộng đồng giám sát chặt chẽ từng hộ gia đình. Mỗi hộ dân đều được hướng dẫn các biện pháp phòng, chống COVID-19.

Tại các tỉnh Bình Định (đã ghi nhận 4 ca nhiễm đến sáng 1/7); Khánh Hòa (đã ghi nhận 2 ca nhiễm đến ngày 1/7) cũng tăng cường các biện pháp phòng dịch. Xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.

Truy vết "thần tốc" khi phát hiện dịch tễ ở Khánh Hòa

Xác định các quán ăn dọc các quốc lộ cần phải được kiểm soát chặt chẽ vì đây là những điểm có sự tiếp xúc nhiều người, nhiều thành phần, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành công văn khẩn yêu cầu tất cả các quán ăn dọc các quốc lộ (thuộc địa phận Khánh Hòa) chỉ được bán mang về.

Cùng với việc cấm các quán ăn dọc các tuyến quốc lộ bán hàng tại chỗ, Khánh Hòa kích hoạt các tổ kiểm soát dịch bệnh ở một số cửa ngõ chính vào tỉnh này. Các tổ này sẽ kiểm soát chặt chẽ phương tiện và người đi, đến, về Khánh Hòa từ các vùng dịch.

Xác định phòng dịch ở điểm nguy cơ là nhiệm vụ quan trọng, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cũng đã ban hành công điện yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, nhất là đeo khẩu trang, sát khuẩn tay nhanh và thực hiện giãn cách đối với khách ngồi trên các phương tiện vận tải công cộng trong tỉnh (xe buýt, xe điện, xe taxi…).

Lái xe, phụ xe, người giao, nhận hàng…của các xe chở khách, xe vận chuyển hàng hóa từ TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, các tỉnh Bình Dương, Long An, Phú Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ngãi và các khu vực, vùng, điểm dịch đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15/CT-TTg hoặc Chỉ thị số 16/CT-TTg, nếu vào địa bàn tỉnh Bình Định giao, nhận hàng, trả khách đều phải khai báo y tế và có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trong vòng 3 ngày kể từ ngày đến, về tỉnh).

Các chợ, siêu thị cũng được xác định là điểm có nguy cơ cao nên tỉnh Bình Định chỉ đạo chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố ở Bình Định phải chỉ đạo giải tỏa ngay các chợ tự phát lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19.


Hà Văn Đạo - Ngọc Toàn
Ý kiến của bạn