Hà Nội

Các tỉnh Nam Trung Bộ đối phó bão NORU

25-09-2022 18:45 | Thời sự
google news

SKĐS - Để ứng phó với diễn biến của bão NORU (bão số 4), hàng loạt địa phương ở Nam Trung Bộ đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án, đưa người dân, tàu thuyền đến nơi an toàn.

Tàu thuyền về nơi an toàn, hồ đập xả nước điều tiết ứng phó bão NORU

Ghi nhận đến chiều 25/9, tại một số địa bàn ở Nam Trung Bộ lượng mưa đã bắt đầu lớn dần. Nhiều khu vực ở Khánh Hòa có mưa to.

Nam Trung Bộ ứng phó bão NORU, an toàn là trên hết - Ảnh 1.

Người dân và tàu thuyền ở Khánh Hòa đã đến nơi an toàn tránh bão NORU

Từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, hàng loạt tàu thuyền đã được đưa về nơi trú ẩn an toàn. Từng người dân được thông báo chi tiết về diễn biến của bão NORU.

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi thông tin, toàn tỉnh này hiện có khoản 4.930 tàu thuyền đã vào nơi neo đậu tránh trú an toàn. Tại các cảng cá lớn của Quảng Ngãi như: Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa, Mỹ Á, Sa Huỳnh và Lý Sơn ngư dân đều khẩn trương chằng, cột tàu thuyền một cách an toàn nhất.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định cũng đã chỉ đạo hàng loạt cơ quan, địa phương ở tỉnh này cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. 

Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trên biển. Giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi. Kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến bảo đảm an toàn cháy nổ, an ninh trật tự xã hội.

Nam Trung Bộ ứng phó bão NORU, an toàn là trên hết - Ảnh 3.

Các tàu thuyền lớn ở Nam Trung Bộ đã đến nơi an toàn trú tránh bão NORU

Các đơn vị thi công xây dựng công trình phải có phương án ứng phó thiên tai phù hợp. Đối với các công trình xây dựng trong khu vực dòng chảy, khu vực ngập lụt phải tháo dỡ công trình tạm, công trình phụ trợ, thông thoáng dòng chảy. UBND các huyện, thị xã, thành phố và Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Đình tăng cường, tổ chức kiểm tra an toàn đập, hồ chứa. Đặc biệt quan tâm ứng phó các hồ chứa hư hỏng, xuống cấp, thuộc diện hạn chế tích nước trong năm 2022…

Ông Nguyễn Tùng và nhiều ngư dân ở Hoài Nhơn (Bình Định) cho biết, từ nhiều cơn bão đã xảy ra cho thấy, người dân cũng phải ứng phó thật tốt. Làm theo đúng các hướng dẫn của chính quyền địa phương. Nếu không khi có sự cố xảy ra thiệt hại sẽ rất nặng nề. Ngay từ trưa ngày 25/9, hầu hết ngư dân và tàu thuyền ở địa phương đã được nơi trú tránh an toàn. Người dân sống trong các vùng xung yếu, dễ xảy ra sạt lở cũng đã đến chỗ an toàn nhất. Đồng thời còn theo dõi sát sao các thông tin về cơn bão.

Nam Trung Bộ ứng phó bão NORU, an toàn là trên hết - Ảnh 4.

Các thuyền nhỏ cũng về hối hả về nơi an toàn tránh ảnh hưởng của bão NORU

Tại khu vực tỉnh Khánh Hòa, nơi có đông đảo ngư dân hoạt động trên biển thì đến chiều 25/9 các tàu thuyền, ngư dân cũng đã được hướng dấn đến nơi an toàn. Các tàu cá ở các ngư trường đã nắm thông tin về cơn bão NORU. Không có phương tiện tàu thuyền nào nào đang hoạt động ở trong khu vực nguy hiểm. Kế hoạch chủ động phòng tránh với bão cũng đã được chuyển tải đến các chủ tàu.

Để chủ động ứng phó với sự ảnh hưởng của bão NORU, Khánh Hòa cũng đã yêu cầu một số hồ nước như: Hồ Suối Trầu; hồ Đá Bàn; hồ Hoa Sơn; hồ Suối Dầu; hồ Cam Ranh…xả nước điều tiết.

An toàn là trên hết

Nhiều xóm nhà tạm, xóm nhà ven núi, nơi dễ xảy ra sạt lở khi trời mưa bão ở Nam Trung Bộ cũng đã sẵn sàng làm theo các hướng dẫn của chính quyền địa phương với phương châm "an toàn là trên hết".

Một số hộ dân ở thôn Thành Phát-Thành Đạt (Phước Đồng, Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết, mấy lần mưa lớn trước kia làm sạt lở đất, thiệt hại nặng nề một phần cũng do người dân chủ quan. Vậy nên gần đây hễ có mưa bão là người dân sẵn sàng ứng phó ngay, nhất là đối với người già và trẻ em đưa đến nơi an toàn nhất.

Nam Trung Bộ ứng phó bão NORU, an toàn là trên hết - Ảnh 5.

Các thuyền thúng nhỏ ở Nam Trung Bộ cũng đã đưa hết vào bờ

Tại các địa phương khác ở Nam Trung Bộ cũng đã chỉ đạo nhiều lực lượng liên quan triển khai các biện pháp thu gom hết các vật cản trên các sông, các trục tiêu nước, các trục thoát lũ tạo thông thoáng dòng chảy. Triển khai phương án bảo đảm an toàn tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, ngập úng vùng trũng thấp. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống. Xem bảo vệ an toàn cho nhân dân là trên hết.

Nam Trung Bộ ứng phó bão NORU, an toàn là trên hết - Ảnh 6.

Các xóm cheo leo bên vách núi dễ xảy ra sạt lở ở Khánh Hòa cũng đã chủ động ứng phó bão NORU

Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, 13 giờ ngày 25/9, vị trí tâm bão NORU ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 122,5 độ Kinh Đông, giật trên cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông. Đến 13 giờ ngày 26/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 117,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 660km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149km/giờ), giật cấp 16.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và có xu hướng mạnh lên. Đến 13 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 112,4 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 17.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền khu vực Trung Trung Bộ. Đến 13 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 107,3 độ Kinh Đông, trên đất liền Thừa Thiên Huế-Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.

Bão Noru giật cấp 17, trở thành siêu bão khi vào Biển ĐôngBão Noru giật cấp 17, trở thành siêu bão khi vào Biển Đông

SKĐS - Bão Noru (cơn bão số 4) đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, đi vào khu vực Biển Đông với gió giật trên cấp 17, trở thành siêu bão có sức tàn phá lớn.


Hà Đạo-L.N
Ý kiến của bạn