Nhiều trẻ mắc bệnh tay chân miệng
Ngay sau khi ghi nhận các ca mắc tay chân miệng, ngành y tế các địa phương ở Nam Trung Bộ đã triển khai các biện pháp phòng ngừa và sẵn sàng điều trị. Đặc biệt, ngành y tế cũng đã phối hợp với các trường học, các thôn/tổ dân phố hướng dẫn cách phòng bệnh tay chân miệng.
Y tế các địa phương cũng đã tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.
Nhiều tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ đang có số ca mắc bệnh tay chân miệng nhiều như Khánh Hòa; Bình Định…
Nhiều cơ sở y tế cũng đã tiếp nhận và điều trị khỏi cho nhiều bệnh nhân. Điển hình như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa. Trong tháng 4 và 5, bệnh viện liên tục tiếp nhận các ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó chủ yếu là trẻ em và nhẹ do được đưa đến cơ sở y tế kịp thời.
BS Tôn Thất Toàn, Phó GĐ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa cho biết, thống kê từ đầu năm đến ngày 26/5, trên địa bàn Khánh Hòa đã ghi nhận 152 ca mắc bệnh tay chân miệng. Bệnh xuất hiện ở nhiều địa phương trong tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, một số địa điểm có số ca mắc cao như: Diên Khánh; TP.Nha Trang; TP.Cam Ranh; Thị xã Ninh Hòa…
Bệnh tay chân miệng thường bùng phát mạnh nhất vào giai đoạn chuyển mùa, nhất là vào mùa hè. Giai đoạn này thời tiết thuận lợi cho virus phát triển và gây bệnh. Vậy nên các bậc phụ huynh không nên chủ quan vì nếu để bệnh nặng sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Liên quan đến các ca mắc bệnh tay chân miệng, ngày 31/5, ông Lê Quang Hùng, GĐ Sở Y tế Bình Định cũng cho biết, từ đầu năm đến ngày 30/5, trên địa bàn toàn tỉnh Bình Định cũng đã ghi nhận 53 ca mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi (chiếm 49 trên tổng số 53 ca mắc).
Cần điều trị tay chân miệng kịp thời
Theo ngành y tế địa phương một số tỉnh Nam Trung Bộ thì trước việc gia tăng ca mắc tay chân miệng, cùng với truyền thông phòng bệnh thì đã tổ chức phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Điều trị kịp thời nhất để hạn chế thấp các trường diễn biến nặng. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, đặc biệt phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.
Cùng với đó, chuẩn bị đầy đủ thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và đáp ứng các tình huống dịch bệnh. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất các các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở để đảm bảo điều trị tốt nhất cho bệnh nhân mắc tay chân miệng.
Ngành GD&ĐT nhiều địa phương trong khu vực cũng phải bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng và có vị trí thuận tiện cho trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể. Thường xuyên vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi hàng ngày. Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục, thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để có biện pháp khám và điều trị kịp thời.
Khi con em ở nhà, các bậc phụ huynh cũng được khuyến cáo hướng dẫn con em mình rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Sớm nhận ra các triệu chứng ban đầu của việc mắc tay chân miệng như: Sốt; mệt mỏi; đau họng; biếng ăn; tiêu chảy; đau rát ở miệng…