Hà Nội

Các tỉnh miền Trung dốc sức ứng phó bão Trà Mi

26-10-2024 16:57 | Thời sự

SKĐS - Trước diễn biến của bão số 6, các tỉnh miền Trung triển khai các phương án, kịch bản để sẵn sàng ứng phó.

Quảng Trị sẵn sàng ứng phó bão

Ngày 26/10, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị triển khai công tác phòng chống bão số 6, trong đó yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với địa phương chủ động theo sát tình hình, diễn biến của bão, thông tin kịp thời, tham mưu, triển khai phòng chống bão theo phương châm "4 tại chỗ".

Các tỉnh miền Trung dốc sức ứng phó bão Trà Mi- Ảnh 1.

Lực lượng vũ trang ở Quảng Trị triển khai ứng phó với bão. Ảnh Xuân Diện.

Rà soát, triển khai các phương án phòng ngừa, ứng phó với bão lũ theo các cấp độ. Sẵn sàng lực lượng, chuẩn bị vật chất trang bị, phương tiện, đảm bảo dự trữ hậu cần theo quy định. Khi bão đổ bộ, 100% cơ quan, đơn vị ứng trực 24/24 giờ.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Trị cho biết, đến nay, 2.614 tàu thuyền với 6.152 thuyền viên vào nơi neo đậu an toàn tránh trú bão, tàu thuyền ngoại tỉnh đang neo đậu trên địa bàn tỉnh 50 chiếc với 322 thuyền viên.

Các tỉnh miền Trung dốc sức ứng phó bão Trà Mi- Ảnh 2.

Đồn Biên phòng Cửa Việt kêu gọi, hướng dẫn người dân neo đậu tàu thuyền an toàn.

Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất trước, trong và sau bão. Hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, tính mạng người dân trước mưa bão, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chủ quan, lơ là trước thiên tai.

"Các lực lượng chức năng sẵn sàng các phương án, kịch bản cứu hộ cứu nạn người dân, nếu cần thiết có thể tiến hành cưỡng chế, di dời dân đến nơi tránh trú bão an toàn, không để người dân ở lại các khu vực neo đậu tàu thuyền, những nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của mưa bão", ông Hưng nói.

Các tỉnh miền Trung dốc sức ứng phó bão Trà Mi- Ảnh 3.

Đồn Biên phòng Cồn Cỏ hỗ trợ người dân đưa tàu thuyền lên bờ.

Tại huyện đảo Cồn Cỏ, những ngày qua Đồn Biên phòng Cồn Cỏ cùng các lực lượng trên đảo tiến hành cắt tỉa cây xanh, chằng chống nhà cửa cũng như giúp người dân neo đậu, đưa tàu thuyền lên bờ.

"Hiện nay trên đảo không còn khách du lịch lưu trú, công tác chuẩn bị được hoàn tất và sẵn sàng phương án ứng phó nếu bão đổ bộ", ông Trương Khắc Trưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ nói.

Thừa Thiên Huế yêu cầu hoãn họp không cần thiết

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế vừa có điện hỏa tốc yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nắm chắc tình hình, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, chủ động triển khai công tác ứng phó theo kế hoạch được phê duyệt theo phương châm "4 tại chỗ" với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương.

Các tỉnh miền Trung dốc sức ứng phó bão Trà Mi- Ảnh 4.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra công tác khắc phục sạt lở bờ biển trưa 26/10.

Hủy, hoãn các cuộc họp không thực sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, lũ. Bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó với bão, lũ trong mọi tình huống.

Đồng thời, khẩn trương rà soát và kiên quyết di dời người dân ra khỏi các vùng xung yếu, nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông, vùng có nguy cơ sạt lở, ngập sâu, lũ quét. Không để người dân ở lại trên tàu thuyền tại nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản...

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ảnh hưởng của bão số 6, trên đất liền tỉnh từ chiều 26-29/10 có mưa to, mưa rất to và rải rác có dông, trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh.

Tổng lượng mưa cả đợt ở huyện A Lưới phổ biến 200-300mm, có nơi trên 450mm; huyện Phong Điền, Phú Lộc, Nam Đông 350-500mm, có nơi trên 600mm; các huyện Quảng Điền, Phú Vang, thị xã Hương Trà, Hương Thủy và thành phố Huế: 200-400, có nơi trên 550mm. Mưa với cường độ mạnh nhất tập trung trong ngày 27-28/10

Các tỉnh miền Trung dốc sức ứng phó bão Trà Mi- Ảnh 5.

Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế gia cố bờ biển sạt lở. Ảnh Ngọc Bình

Sâu trong đất liền các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc thị xã Hương Trà, Hương Thủy và thành phố Huế có gió cấp 6, giật cấp 8. Vùng ven biển cấp 8, giật cấp 9-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 10-11, huyện A Lưới, Nam Đông có gió cấp 5, giật cấp 6-7.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, mực nước 3 hồ thủy lợi, thủy điện lớn ở địa phương là Tả Trạch, Hương Điền (thượng nguồn sông Bồ), Bình Điền (thượng nguồn sông Hương) đang ở mức thấp. Các hồ chứa đang vận hành đảm bảo an toàn.

Tỉnh dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền, vận động người dân chủ động dự trữ hàng hóa thiết yếu từ 7-10 ngày liên tục để phòng khi thiên tai, lụt bão xảy ra. Ngoài ra, các địa phương được yêu cầu rà soát, cập nhật chi tiết từng phương án ứng phó với bão, lụt, lũ quét và sạt lở đất, nước dâng do bão với 16.349 hộ/52.186 khẩu.

Quảng Bình cấm biển từ 0h ngày 27/10

Để ứng phó với bão số 6, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở ngành, đơn vị, địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ bản tin, cảnh báo diễn biến của bão, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với phương châm "4 tại chỗ" theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.

Các tỉnh miền Trung dốc sức ứng phó bão Trà Mi- Ảnh 6.

Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tham gia trực sẵn sàng cơ động nhằm hỗ trợ, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong thiên tai.

Các cơ quan tuyệt đối không chủ quan, lơ là, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản của nhà nước và nhân dân. Sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cảng vụ Hàng hải, UBND các huyện, thành phố, thị xã ven biển tập trung rà soát, kiểm đếm, chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền.

Bằng mọi biện pháp thông báo, kêu gọi chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.

Quảng Bình sẽ tổ chức cấm biển kể từ 0h ngày 27/10 cho đến khi bão tan, không còn cảnh báo rủi ro thiên tai theo dự báo, cảnh báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đơn vị quản lý chặt chẽ, không cho tàu thuyền ra khơi trong thời gian nêu trên...

Các tỉnh miền Trung dốc sức ứng phó bão Trà Mi- Ảnh 7.

Tỉnh Quảng Bình sẵn sàng phương án di dời dân khỏi vùng nguy hiểm nếu bão đổ bộ hoặc xảy ra lũ lụt.

Trong tình huống nếu có bão đổ bộ hoặc lũ lụt, các địa phương tại Quảng Bình sẵn sàng sơ tán, di dời dân. Trong đó dự tính có 29.125 hộ dân di dời do bão, 18.967 hộ di dời do lũ lụt trên báo động 3, do sạt lở là 856 hộ.

Mưa lớn do bão số 6 ở miền Trung bắt đầu từ chiều tối nayMưa lớn do bão số 6 ở miền Trung bắt đầu từ chiều tối nay

SKĐS - Từ chiều tối và đêm 26/10 đến đêm 28/10, ở khu vực Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 300-500mm, cục bộ có nơi trên 700mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn.



Hoàng Dũng - Hùng Trần
Ý kiến của bạn