Các tỉnh miền Trung chủ động ứng phó với mưa lũ

25-09-2023 16:03 | Thời sự

SKĐS - Theo dự báo thì các tỉnh miền Trung trong những ngày tới sẽ có đợt mưa lớn kéo dài. Trước tình hình trên, các địa phương đã chủ động triển khai biện pháp ứng phó.

Tại Thanh Hóa, theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, do ảnh hưởng rìa phía Bắc của dải hội tụ nhiệt đới, từ ngày 25 đến ngày 27/9, ở khu vực tỉnh Thanh Hóa có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.

Lượng mưa phổ biến ở khu vực vùng núi phía Bắc và Tây Bắc từ 50 - 100 mm/đợt; khu vực đồng bằng ven biển và phía Nam, Tây nam từ 100 - 200 mm/đợt, có nơi trên 200 mm đợt. Trong mưa dông cần để phòng có gió giật mạnh, sét, lốc và mưa đá.

Các tỉnh miền Trung chủ động ứng phó với đợt mưa lũ - Ảnh 1.

Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng ở Thanh Hóa

Mưa lớn kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đỗ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét mưa đá và gió giật mạnh.

Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển.

Tại Nghệ An, ngày 25/9, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn cho biết, đã đề nghị các cơ quan, ban ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn.

Ngoài ra, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.

Các tỉnh miền Trung chủ động ứng phó với đợt mưa lũ - Ảnh 2.

Nghệ An sẽ chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.

Cùng với đó, tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Động thái này được đưa ra vì dự báo từ ngày 25/9 đến hết ngày 28/9, ở Bắc Trung Bộ nói chung và Nghệ An nói riêng sẽ có một đợt mưa vừa, mưa to đến rất to. Lượng mưa ở vùng núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An có khả năng đạt 70 – 150mm, có nơi trên 200mm; trung du và đồng bằng ven biển 150 – 300mm, có nơi trên 350mm.

Theo tin của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, từ ngày 25/9 đến ngày 28/9, khu vực Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to. Lượng mưa phổ biến 150-350mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt.

Các tỉnh miền Trung chủ động ứng phó với đợt mưa lũ - Ảnh 3.

Ngư dân Hà Tĩnh chủ động đưa tàu thuyền lên bợ tránh trú.

Để chủ động ứng phó với mưa, lũ có thể xảy ra trên địa bàn huyện, đồng thời thực hiện nghiêm túc Công điện số 04/CĐ-PCTT, ngày 25/9/2023 của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện yêu cầu Trưởng các phòng, ban, ngành; Chủ tịch UBND các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai ngay một số nội dung sau:

Theo dõi thường xuyên diễn biến, các bản tin cảnh báo của mưa, lũ trên các phương tiện thông tin để kịp thời thông báo, hướng dẫn cho Nhân dân chủ động phòng tránh, ứng phó đảm bảo an toàn; đặc biệt là các hộ dân vùng ven sông, suối, vùng thấp trũng biết để chủ động các biện pháp phòng, tránh.

Chuẩn bị và triển khai phương án đề phòng mưa lớn xảy ra lũ quét trên các sông, suối, ngập úng và sạt lở đất; kiên quyết sơ tán dân ở những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Yêu cầu các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn, UBND các xã, thị trấn thường trực lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Tại Quảng Bình, để chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới và mưa lớn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm Công điện số 11/CĐ-QG của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN.

Các tỉnh miền Trung chủ động ứng phó với đợt mưa lũ - Ảnh 4.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình kiểm tra công tác phòng chống thiên tai trước mùa mưa lũ.

Cụ thể, tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới và mưa lớn, kịp thời chỉ đạo, triển khai phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; tổ chức kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển.

Ngoài ra, tổ chức, hướng dẫn gia cố và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; chỉ đạo các tổ, đội đánh bắt trên biển duy trì liên lạc và hỗ trợ nhau khi có sự cố. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, các bến đò; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra...

Tại Quảng Trị, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh vừa có báo cáo tình hình triển khai công tác ứng phó với Áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, mưa lớn và thiệt hại do mưa dông kèm theo sét.

Theo đó, trong 24h qua (tính đến 8h ngày 25/9) khu vực tỉnh Quảng Trị có mưa vừa đến mưa to. Vùng núi lượng mưa phổ biến 10-30 mm, vùng đồng bằng và trung du lượng mưa phổ biến từ 30-60 mm.

Dự báo, từ ngày 25/9-27/9, khu vực Quảng Trị xảy ra đợt mưa lớn diện rộng. Tổng lượng mưa từ ngày 25-27/9 phổ biến 120-250 mm, có nơi lớn hơn 300 mm. Thời gian mưa lớn tập trung từ chiều 25/9 đến 26/9, lượng mưa đạt 70-150mm/24h, có nơi cao hơn.

Vào khoảng 7h ngày 24/9, ông Trần Khương T. (SN 1964, thương trú tại thôn 6, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phon) khi tham gia đánh bắt cá tại vùng biển tỉnh Quảng Trị, bằng thuyền nan công suất 12CV thì không may bị sét đánh tử vong.

Để ứng phó thời tiết nguy hiểm trên biển, mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT &TKCN tỉnh đã ban hành Công văn yêu cầu thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thiên tai. Triển khai các lực lượng kiểm tra, rà soát khu vực nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn và sẵn sàng phương tiện, vật tư để ứng phó, khắc phục khi có tình huống; theo dõi, kiểm kê, quản lý tàu thuyền và rà soát lực lượng, phương tiện, sẵn sàng triển khai cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống…

Tại Thừa Thiên Huế, để chủ động ứng phó với mưa lớn và Áp thấp nhiệt đới, nguy cơ ngập úng cục bộ vùng trũng, khu đô thị, sạt lở vùng núi, vùng gò đồi, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị các địa phương thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Các tỉnh miền Trung chủ động ứng phó với đợt mưa lũ - Ảnh 4.

Lốc xoáy khiến cho nhà dân bị tốc mái.

Tổ chức quản lý và tuyệt đối cấm cho tàu thuyền không đủ điều kiện đảm bảo an toàn đi biển ra khơi từ 7h ngày 25/9, bao gồm cả số ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, đầm phá. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn.

Các địa phương tổ chức rà soát phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, ven sông suối, cửa sông, ven biển, các công trình đang thi công, các vùng thấp trũng, ngập úng để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.

Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, ngăn chặn người đi vào rừng trong thời gian thiên tai, mưa lũ; Phân công lực lượng cảnh giới tại các điểm có nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở, ngập lụt…

Các tỉnh miền Trung chủ động ứng phó với đợt mưa lũ - Ảnh 5.

Lực lượng chức năng giúp dân khắc phục hậu quả lốc xoáy ở phường Thuận An.

Theo ghi nhận của phóng viên, từ đêm 24 và 25/9, tại Thừa Thiên Huế xảy ra mưa to, có nơi mưa rất to khiến một số tuyến đường bị ngập cục bộ, giao thông đi lại khó khăn. Ngoài ra, trong sáng 25/9, lốc xoáy đã khiến cho hơn 70 ngôi nhà dân ở huyện Quảng Điền và TP. Huế bị tốc mái, có 3 người bị thương đang theo dõi sức khỏe ở Trạm Y tế. Hiện các lực lượng chức năng đang tập trung hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do lốc xoáy gây ra.

Các tỉnh miền Trung ứng phó với mưa lũ do áp thấpCác tỉnh miền Trung ứng phó với mưa lũ do áp thấp

SKĐS - Các tỉnh miền Trung đã đồng loạt phát đi cảnh báo về tình trạng mưa lũ, sạt lở do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên biển Đông.


Nhóm PV
Ý kiến của bạn