Tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ở miền Trung còn thấp
Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo của nhiều Cục/Vụ/Viện của Bộ Y tế như: Cục Y tế dự phòng; Cục Quản lý Khám chữa bệnh; Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng; Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Viện Pasteur Nha Trang…
Lãnh đạo một số địa phương, các Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật, nhiều bệnh viện, cán bộ phụ trách tiêm chủng mở rộng… trong khu vực miền Trung cũng tham dự.
Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Trong tỷ lệ tiêm chủng chung của cả nước thì số tỉnh ở miền Nam có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhiều nhất. Sau đó thì đến miền Trung và Tây Nguyên. Đối với miền Bắc thì tỷ lệ tiêm chủng cao.
Từ các chia sẻ ở một số tỉnh miền Bắc cho thấy khi có Bí thư, cấp ủy, lãnh đạo chính quyền từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã cùng vào cuộc quyết liệt thì tỷ lệ tiêm chủng đạt được cao… Vậy nên cần chung sức, đồng lòng của nhiều cấp, ngành… trong công tác tiêm chủng.
Các đại biểu, nhà khoa học dự hội nghị đã có những đánh giá cụ thể, sâu sát về công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cũng như những bất cập, tồn tại để đưa ra giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn.
Tại hội nghị, GS.TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã trình bày rõ thực trạng công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 ở các tỉnh miền Trung. Đến nay, tỷ lệ tiêm nhắc lại lần 1 và lần 2 cho người từ 18 tuổi trở lên của khu vực miền Trung thấp nhất trong toàn quốc (mũi 3 mới đạt 54,8%; mũi 4 là 4,3%), chưa đạt tiến độ.
Tỷ lệ tiêm nhắc mũi 3 cho trẻ 12-17 tuổi của khu vực cũng chỉ đạo 7,5%, thấp so với cả nước. Tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cũng thấp nhất trong toàn quốc với 43,0%.
Tại một số địa phương ở miền Trung những ngày đầu tháng 6 chỉ tiêm cho rất ít đối tượng. Vào những ngày cuối tháng thì số người được tiêm mới tăng dần lên.
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, để tăng tỷ lệ bao phủ vaccine, số vaccine phòng COVID-19 dự kiến phân bổ trong tháng 7 (30% nhu cầu) cho người từ 12 tuổi trở lên ở các tỉnh miền Trung là 1.422.700 liều. Trong khi đó các địa phương mới đề xuất nhu cầu 87.532 liều. Với nhóm 5 đến dưới 12 tuổi dự kiến phân bổ 432.200 liều.
Vì đâu việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 còn chậm?
Nhiều khó khăn trong việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 được đưa ra trong hội nghị để có giải pháp tháo gỡ.
Đối với việc tiêm chủng mũi nhắc lại cho người lớn, do chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 được tổ chức trong một thời gian dài, ở giai đoạn hiện nay, việc triển khai tiêm chủ yếu do Ngành Y tế tổ chức thực hiện, thiếu sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể như giai đoạn đầu của chiến dịch.
Bên cạnh đó còn có sự chủ quan của người dân trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 giảm, số ca nặng và tử vong ở mức rất thấp, nhiều đối tượng đã mắc COVID-19 không đồng ý tiêm các mũi tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ, cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết.
Thông tin tiêu cực về tác dụng phụ, biến chứng sau tiêm mũi 3 gây ảnh hưởng đến tâm lý, e ngại của người dân không đồng ý tiêm mũi nhắc lại...
Đối với việc triển khai tiêm chủng liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi còn nhiều sự e ngại của các bậc cha mẹ về phản ứng sau tiêm, lo sợ ảnh hưởng lâu dài của vaccine phòng COVID-19 đến sức khỏe của trẻ, tỷ lệ không đồng ý tiêm chủng ở nhóm trẻ nhỏ cao hơn so với nhóm trẻ 12-17 tuổi và người lớn.
Đặc biệt, bối cảnh hiện tại số ca mắc COVID-19 giảm, các trường hợp trẻ em mắc bệnh hầu hết ở mức độ nhẹ dẫn đến tâm lý chủ quan của người dân, phụ huynh đối với việc tiêm chủng.
Có một tỷ lệ nhất định trẻ ở lứa tuổi này đã mắc COVID-19 nên cha mẹ nghĩ không cần tiêm chủng cho con. Bên cạnh đó, việc rà soát nắm đối tượng trẻ không đi học, trẻ nhỏ tại các vùng di biến động theo bố mẹ đi làm việc tại các thành phố, khu công nghiệp… cũng có nhiều khó khăn cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền.
Đối với dịch sốt xuất huyết, theo đánh giá của các địa phương thì số ca bệnh đã gia tăng nhiều. Nhất là trong những tuần gần đây. Một số tỉnh liên tục ghi nhận nhiều ổ dịch như: Khánh Hòa; Bình Định… Theo dự báo của Viện Pasteur Nha Trang trong những tháng tới số ca mắc sốt xuất huyết mới sẽ tiếp tục tăng mạnh. Số ca mắc nhiều nhưng đến nay rất may là tỷ lệ chuyển biến nặng ở miền Trung thấp.
Nhiều bác sĩ, đại biểu đều đưa ra khuyến cáo người dân không được chủ quan, cần làm theo đúng các hướng dẫn của ngành y tế để phòng, chống dịch. Bên cạnh đó không nên tự điều trị tại nhà, cần đến các cơ sở y tế có uy tín để được tư vấn, điều trị kịp thời, tránh chuyển biến nặng.
Cần quyết liệt hơn trong tiêm vaccine phòng COVID-19 và phòng, chống sốt xuất huyết
Trong đề xuất các giải pháp về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nêu rõ, chính quyền, đoàn thể, ban ngành địa phương tích cực tham gia và hỗ trợ ngành y tế trong triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19.
Chia sẻ về giải pháp đẩy mạnh tiêm chủng, ông Đào Mỹ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, phải khẳng định rằng việc tiêm vaccine phòng COVID-19 từng mũi có tác dụng, giá trị ở từng giai đoạn. Vậy nên cần phải tiêm đủ các mũi tiếp theo mới bảo đảm. Mà để thay đổi tư duy, nhận thức cho người dân thì mình ngành y tế không làm được mà cần chung tay của các cấp ủy đảng, chính quyền, hội, đoàn thể… Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc mạnh mẽ.
Nói thêm về công tác truyền thông trong tiêm chủng và phòng chống dịch, ông Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Thi đua và Khen thưởng (Bộ Y tế) chia sẻ: Ngành y tế đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp truyền thông về phòng, chống dịch cũng như tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Bộ Y tế cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các thông điệp truyền thông hiệu quả về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Đặc biệt, 20 giờ tối 3/7, trên trang Fanpage "Sức khỏe Việt nam" trên mạng xã hội Facebook cũng diễn ra tọa đàm về các thông điệp, giải pháp truyền thông cho tiêm chủng. Các địa phương có thể tham khảo, áp dụng. Tuy nhiên các địa phương cũng cần địa phương hóa trong công tác truyền thông.
Cụ thể như: Dùng tiếng địa phương; tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với các vùng/miền để truyền thông. Các chuyên gia, thầy thuốc ở địa phương cũng cần tăng cường nói chuyện một cách gần gũi, dễ hiểu nhất thông qua các cuộc tọa đàm. Từ đó đúc rút ra các thông điệp truyền thông phù hợp nhất với từng địa phương.
Cũng cần thêm cá nhân hóa trong truyền thông để phù hợp với từng đối tượng. Ví dụ như truyền thông cho người cao tuổi, mắc nhiều bệnh nền thì có cách thuyết phục khác. Truyền thông cho trẻ em thì có cách cụ thể khác...
Từ nhiều ý kiến của các đại biểu, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế đã có kết luận chỉ đạo một số nội dung như:
Đề nghị các Viện trực thuộc Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ, chỉ đạo, đảm bảo phân bổ vaccine phòng COVID-19 đầy đủ cho các tỉnh để triển khai tiêm chủng một cách khoa học, nhanh chóng.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các Viện, địa phương.
Sẽ tiếp tục nêu tên các tỉnh có tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thấp trên các phương tiện thông tin đại chúng để quyết liệt hơn trong công tác tiêm chủng.
Về công tác truyền thông cho tiêm chủng, lãnh đạo Bộ Y tế cũng vừa ký văn bản bao gồm đầy đủ các thông điệp, hướng dẫn. Từ cơ sở này ngành y tế tham mưu cho UBND các địa phương. Trong văn bản của Bộ Y tế cũng đã đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin - Truyền thông phối hợp với Sở Y tế để truyền thông đạt hiệu quả cao nhất đến tận các xã/huyện.
Đối với dịch sốt xuất huyết, qua báo cáo các tỉnh/thành Miền Trung đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống dịch. Tuy nhiên đề nghị các địa phương cần kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch, trong đó có dịch sốt xuất huyết. Phân công cụ thể cho từng thành viên cũng như đảm bảo kinh phí cho công tác phòng, chống sốt xuất huyết.
Đảng ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành… tích cực ủng hội, phối hợp với ngành y tế trong việc giám sát, truyền thông phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.
Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur thành lập các đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra, hỗ trợ các địa phương, đặc biệt là các điểm nóng về sốt xuất huyết. Phân tích, đánh giá tình hình, tham mưu Bộ Y tế về công tác chỉ đạo phòng, chống dịch.