Hà Nội

Các tỉnh miền Tây gấp rút ứng phó với dịch COVID-19

01-12-2021 21:32 | Tin nóng y tế

SKĐS - Dịch bệnh diễn biến khó lường, nhiều tỉnh miền Tây đã nhanh chóng triển khai các biện pháp để chủ động ứng phó với dịch bệnh.

Mở rộng thêm trạm y tế lưu động

Sáng nay 1/12, trong buổi làm việc với tỉnh Sóc Trăng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị địa phương này nhân rộng và phát huy mô hình trạm y tế lưu động để bảo đảm người bệnh được chăm sóc, theo dõi, điều trị và hỗ trợ y tế kịp thời ngay tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Chăm sóc, điều trị F0 nhẹ hoặc không triệu chứng tại nhà thông qua các trạm y tế lưu động là phương thức điều trị linh hoạt trong bối cảnh cả nước dần mở cửa trở lại trên tinh thần thích ứng linh hoạt, sống chung với COVID-19, vừa giảm tải cho các bệnh viện vừa chăm sóc người bệnh tốt nhất.

Các F0 sẽ được Tổ Y tế cộng đồng, trạm y tế lưu động chăm sóc sức khỏe vừa qua hình thức trực tuyến vừa trực tiếp, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe để có thêm động lực vượt qua gian khó, cởi bỏ được tâm lý lo sợ cũng như an tâm điều trị.

Tính đến ngày 1/12, toàn tỉnh Sóc Trăng có 17.951 ca mắc COVID-19, cả tỉnh có 63 cơ sở thu dung điều trị với 6.643 giường. Mô hình trạm y tế lưu động đã được triển khai để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân COVID-19 trước số ca nhiễm tăng nhanh mỗi ngày.

Các tỉnh miền Tây chủ động ứng phó với dịch bệnh - Ảnh 1.

Trước số ca mắc tăng cao, nhiều địa phương đã mở rộng thêm trạm y tế lưu động để đáp ứng nhu cầu theo dõi, điều trị người bệnh COVID tại nhà.

Triển khai mô hình chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại nhà

Từ ngày 1/12, tỉnh Vĩnh Long bắt đầu triển khai mô hình chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 (F0) không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà.

Theo thống kê, Vĩnh Long ước tính có khoảng 96% F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, việc triển khai phương án quản lý, chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà sẽ giúp giảm bớt quá tải điều trị F0 tại các bệnh viện, kể cả bệnh viện dã chiến, để có thời gian tập trung điều trị cho những bệnh nhân có triệu chứng vừa, nặng và nguy kịch. Tỉnh phấn đấu mỗi trạm y tế lưu động quản lý, chăm sóc tốt nhất 50- 100 F0 tại nhà.

Ngày 1/12, Vĩnh Long ghi nhận 585 trường hợp nghi mắc COVID-19 nâng tổng số ca mắc tại địa phương này lên 12.024 trường hợp.

Thành lập thêm cơ sở thu dung điều trị COVID-19

Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh vừa quyết định thành lập thêm 3 cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 nhẹ và không có triệu chứng ở huyện Cầu Kè, với tổng quy mô 190 giường bệnh.

Các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 do Trung tâm Y tế huyện Cầu Kè phụ trách chuyên môn, được đặt tại Trường Tiểu học Tam Ngãi, Trường Mầm non Tam Ngãi (xã Tam Ngãi) và Trường Tiểu học Phong Thạnh A (xã Phong Thạnh).

Trước đó, tỉnh Trà Vinh đã thành lập 10 cở sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 ở các huyện Trà Cú, Cầu Ngang, Châu Thành, Duyên Hải và thành phố Trà Vinh.

Gần 1 tháng nay, số ca mắc COVID-19 ở Trà Vinh liên tục ở mức cao, khiến khả năng điều trị tập trung tại các bệnh viện dã chiến và các cơ sở, khu thu dung điều trị của tỉnh quá tải. Hơn 10 ngày gần đây, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện điều trị F0 tại nhà, với tổng số trên 1.800 bệnh nhân.

Đến Nay, tỉnh Trà Vinh đã ghi nhận 8.305 ca dương tính với SARS-CoV-2; trong đó 3.235 ca đã điều trị khỏi và 49 ca tử vong.

Huy động y tế tư nhân tham gia phòng chống dịch

Bà Rịa - Vũng Tàu cho phép điều trị F0 tại nhà, theo đó các trạm y tế lưu động nhanh chóng được thành lập để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên do lực lượng nhân lực còn hạn chế, do vậy địa phương này yêu cầu các quận, huyện trong tỉnh huy động thêm lực lượng y tế tư nhân tham gia.

Sự tham gia tích cực của hệ thống y tế tư nhân trong công tác khám chữa bệnh đã góp phần tăng cường nguồn lực y tế, giảm bớt gánh nặng cho y tế công lập, làm đa dạng hóa các loại hình dịch vụ để người dân lựa chọn, tiếp cận với các điều kiện y tế kỹ thuật cao, giúp chẩn đoán bệnh sớm, chính xác và được điều trị kịp thời, giảm chi phí và thời gian cho người bệnh.

Cũng trong ngày hôm nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản yêu cầu các địa phương trong tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở y tế ngoài công lập tham gia phòng, chống dịch như các cơ sở y tế công lập.

Hiện Bình Thuận có 2 bệnh viện đa khoa tư nhân, 500 phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân đang hoạt động. Hệ thống này đã góp phần quan trọng vào việc cung cấp dịch vụ y tế, khám chữa bệnh, phòng bệnh, đã đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Tính đến 18h ngày 1/12, toàn tỉnh Bình Thuận có 17.403 ca mắc COVID-19, trong đó ngày 1/12 Bình Thuận ghi nhận 584 ca mắc.

Xem thêm video được quan tâm:

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19

PV
Ý kiến của bạn