Đẩy mạnh bảo tồn, phát triển dược liệu
Các tỉnh miền núi phía Bắc đang được định hướng thành vùng trồng dược liệu có quy mô lớn. Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai là những nơi có nhiều loài dược liệu quý hiếm. Hiện nay, có khoảng 50 loài cây dược liệu trồng với diện tích lớn (hơn 10ha) thì riêng Tây Bắc đã có tới 36 loài như: đương quy, cát cánh, sa nhân tím, thảo quả, atiso, ý dĩ, hồi, quế, đinh lăng, ba kích…
Tuy nhiên, việc phát triển vùng trồng vẫn còn một số hạn chế, chưa khai thác được hết tiềm năng lợi thế của các địa phương. Ở Sơn La, nguồn cung cấp dược liệu chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu sản xuất, bào chế thuốc. Còn ở Điện Biên, mỗi năm chỉ thu được hơn 15 tỷ đồng từ các loại cây dược liệu. Trong khi đó, việc thu hái, khai thác không đi đôi với bảo tồn, phát triển dược liệu khiến các loài dược liệu tự nhiên cạn kiệt và đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Việc trồng, chế biến dược liệu với quy mô nhỏ lẻ, tự phát, phụ thuộc vào nguồn dược liệu ngoại nhập. Bên cạnh đó, các địa phương hiện còn thiếu vắng sự đầu tư của các doanh nghiệp dược theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ dược liệu khiến hiệu quả kinh tế chưa cao.
Cây dược liệu trở thành ngành mũi nhọn của nhiều tỉnh miền núi phía Bắc.
Để cây dược liệu trở thành ngành mũi nhọn của các tỉnh miền núi phía Bắc, mỗi địa phương đưa ra chiến lược riêng của mình. Như tại tỉnh Sơn La, từ năm 2020 -2025, địa phương sẽ đầu tư khoảng 250 tỷ đồng tập trung phát triển 55 loài dược liệu với quy mô lớn, đem lại giá trị kinh tế cao. Tại Lai Châu, việc thu hút, phát triển các loại cây dược liệu đặc hữu sinh sống dưới tán rừng như sâm Lai Châu… là ưu tiên hàng đầu.
Theo GS.TS Phạm Thanh Kỳ, nguyên Hiệu trưởng Đại học Dược Hà Nội, Việt Nam có hơn 5.000 loài cây thuốc nhưng vẫn phải nhập nhiều dược liệu, chiếm đến 80% nhu cầu dược liệu cả nước. Việc bảo tồn, phát triển các vùng dược liệu sẽ góp phần giảm dần mức độ phụ thuộc vào thị trường nguyên liệu bên ngoài. Hơn nữa cũng bảo tồn được các nguồn dược liệu quý ở nước ta từ bấy lâu nay, phục vụ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Vùng Tây Bắc với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng tốt rất phù hợp với phát triển các vùng trồng dược liệu. Hiện có khoảng 1.500 cây dược liệu quý.
Theo ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lâu nay dược liệu chưa được xác định là một ngành kinh tế của Tây Bắc. Mong muốn vùng Tây Bắc sẽ trở thành một Trung tâm Công nghiệp Dược liệu, không chỉ dừng lại ở việc trồng dược liệu manh mún, nhỏ lẻ. Cần có những Trung tâm nghiên cứu Dược liệu, xây dựng thị trường, hướng dẫn cho bà con nông dân quy trình canh tác theo đúng tiêu chuẩn của thế giới. Các địa phương cần xây dựng các cơ sở hạ tầng, xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dược liệu liên kết với các Hợp tác xã trong việc trồng, sản xuất, phát triển dược liệu.
Đời sống người dân thay đổi nhờ dược liệu
Phát triển vùng dược liệu bên cạnh việc bảo tồn những nguồn dược liệu quý còn góp phần thay đổi đời sống của bà con nông dân. Như tại vùng Bắc Hà (Lào Cai), vùng trồng dược liệu cây cát cánh có diện tích lên tới gần 100 ha đã mang lại thu nhập gấp nhiều lần so với cây ngô trước đây. Năm 2019, cát cánh nằm trong Danh mục 100 dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao để tập trung phát triển giai đoạn 2020-2030 do Bộ Y tế ban hành, là cơ sở cho các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị lựa chọn loài, nhóm loài phù hợp để phát triển dược liệu.
Năm 2017, sau nhiều năm bươn chải với đồi ngô khô khốc và làm công nhân, vợ chồng chị Ngải Thị Dín (xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) cùng với nhiều hộ dân tại mảnh đất vùng cao này nghe theo vận động của ngành nông nghiệp huyện Bắc Hà tham gia trồng loại cây mới là cây cát cánh. Đây là một nguyên liệu hỗ trợ điều trị các bệnh đường hô hấp. Ngay mùa vụ đầu tiên, gia đình đã có thu nhập bằng 2 vụ ngô cộng lại. Cũng nhờ đó mà gia đình chị sắm sửa được nhiều thiết bị như tủ lạnh, sửa nhà…
Chị Dín cho biết, nhờ cây dược liệu mà đời sống của gia đình đã thay đổi nhiều.
Gia đình chị Sùng Thị Sa ở xã Tản Van Chư, huyện Bắc Hà (Lào Cai) trước đây cũng trồng ngô, chỉ được 20 – 30 triệu/ năm. Từ khi chuyển sang trồng cây dược liệu, mỗi hộ thu được 150 triệu/năm hoặc 200 triệu/năm.
Bà Nguyễn Thị Huê - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bắc Hà cho biết, 4 năm trước, cán bộ kỹ thuật của Công ty cổ phần Nam Dược đã mang theo hạt giống cát cánh được cung cấp từ Viện Dược liệu (Bộ Y tế) đến mảnh đất này. Ban đầu trồng thử nghiệm vài ha ở trung tâm huyện. Sau đó, huyện tiếp tục khảo nghiệm, đưa cát cánh lên vùng cao trên nghìn mét, trên Tả Van Chư, Lũng Phình… Diện tích cát cánh nhân lên gấp mười lần, từ 12 ha đầu tiên năm 2016 lên 120 ha vào năm 2020, trở thành vùng trồng lớn nhất nước. Nhờ việc phát triển, bảo tồn các vùng dược liệu mà đời sống của người dân bản địa đã phát triển hơn, có nhà, mua được xe mới...
Từ năm 2020, không được nhà nước hỗ trợ về giống hay vật tư phân bón nhưng người dân vẫn triển khai thực hiện vùng trồng bởi có các doanh nghiệp dược đã đứng ra thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Cũng bởi vậy người dân yên tâm vì được đảm bảo đầu ra cho dược liệu.
Cây cát cánh được nhiều người dân ở Bắc Hà, Lào Cai trồng và bảo tồn.
Ông Hoàng Minh Châu - Tổng Giám đốc CTCP Nam Dược nhận định: "Bà con cần phải ký cam kết, trồng số lượng dựa trên cơ sở hợp đồng bao tiêu đầu ra, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ các chương trình khuyến nông, cơ sở hạ tầng. Chúng tôi hỗ trợ nguồn giống đạt chuẩn, cập nhật và đào tạo liên tục quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế, thường xuyên cắt cử cán bộ kỹ thuật phụ trách vùng trồng tới hỗ trợ người dân.
Nông dân thu hoạch sản lượng bao nhiêu, công ty thu mua bấy nhiêu, với giá đạt 175.000-200.000 đồng/kg, cao hơn giá nhập khẩu 150.000 đồng, nhưng đảm bảo chất lượng. Mỗi ha cát cánh thu hoạch khoảng hơn một tấn củ tươi, cho giá trị 150 triệu đồng".
Với sự kết hợp chặt chẽ của 3 nhà là "Nhà nông - Chính quyền - Doanh nghiệp" giúp đảm bảo số lượng cũng như chất lượng dược liệu, tránh tình trạng người dân trồng ồ ạt gây mất kiểm soát chất lượng dược liệu cũng như ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, mang tới nguồn dược liệu chuẩn hóa cho doanh nghiệp.
Hiện vùng dược liệu không chỉ được bán cho các công ty dược liệu, nhiều du khách du lịch còn tới chụp ảnh ở vùng dược liệu vào mỗi mùa hoa nở. Cả cao nguyên có khoảng 20.000 người trong tuổi lao động, chỉ còn một phần tư đi làm ăn xa. Cây dược liệu cát cánh cũng đã giúp cho người H’Mông như gia đình chị Sa, chị Dín… an cư trên chính mảnh nương của mình mà không phải đi làm ăn xa nhà.