1. Ung thư phổi - nguyên nhân hàng đầu gây tử vong
Ung thư phổi là loại ung thư khởi phát từ phổi; là bệnh xuất hiện một khối u ác tính do sự tăng sinh tế bào không thể kiểm soát trong các mô phổi. Sự tăng sinh tế bào này có thể lan ra ngoài phổi đến các mô hoặc bộ phận khác của cơ thể gọi là di căn. Hầu hết các loại ung thư bắt nguồn từ trong phổi (ung thư phổi nguyên phát) là ung thư biểu mô.
Ung thư phổi được chia làm hai loại chính là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ. Triệu chứng phổ biến nhất của căn bệnh này là ho (bao gồm cả ho ra máu), sụt cân, khó thở, và đau ngực...
Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong.
2. Điều trị ung thư phổi thế nào?
Hiện có nhiều biện pháp điều trị ung thư phổi. Việc điều trị bệnh theo phương pháp nào còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh, tình hình phát triển, loại ung thư phổi...
2.1.Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị triệt căn, đặc biệt là với những trường hợp được chẩn đoán ung thư phổi ở giai đoạn sớm. Khối u còn nhỏ, chưa di căn, sức khỏe bệnh nhân chưa bị ảnh hưởng nhiều nên đáp ứng điều trị khá tốt. Phương pháp phẫu thuật thường được tiến hành để loại bỏ hoàn toàn thùy phổi chứa khối u và nạo vét hạch bạch huyết.
Sau phẫu thuật, khả năng chữa lành bệnh của người bệnh ung thư phổi là rất cao. Nhìn chung, mức độ nghiêm trọng của các biến chứng xuất phát từ phẫu thuật phụ thuộc vào sức khỏe tổng thể của người bệnh.
Tác dụng phụ của phẫu thuật để điều trị ung thư phổi có thể bao gồm: Đau, khó thở trong quá trình gắng sức, nấc ... Các tác dụng phụ này có thể điều trị bằng thuốc và phục hồi chức năng sau phẫu thuật. Trường hợp ung thư phổi không tế bào nhỏ tỷ lệ sống trên 5 năm là khoảng 50%. Tuy nhiên, tại nước ta, số trường hợp được phát hiện bệnh sớm là rất ít nên phương pháp phẫu thuật thường ít khi được thực hiện và hiệu quả không tốt như kỳ vọng.
2.2. Xạ trị
Phương pháp này được sử dụng để điều trị ung thư phổi trong trường hợp khối u to nhưng chưa lây lan đến những cơ quan khác. Xạ trị sử dụng các máy chiếu tia năng lượng cao (tia X, tia gamma, proton...) giúp tiêu diệt tế bào ung thư, phá hủy khối u, làm khối u phát triển chậm hơn. Liệu pháp xạ trị có thể được sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với phương pháp điều trị ung thư phổi khác, đôi khi dùng đồng thời với hóa trị.
Các tác dụng phụ thường bắt đầu một tuần sau khi bắt đầu xạ trị. Sau đó trở nên nặng hơn trong quá trình điều trị và trong vài tuần sau khi điều trị kết thúc, có thể cải thiện sau khoảng 2 tuần. Những tác dụng phụ của xạ trị ung thư phổi có thể gặp: Chán ăn, khó nuốt, đau cổ họng; da bị bỏng rát, phồng rộp, viêm loét da; có thể gây ra mô sẹo; viêm thực quản, viêm phổi.
Người bệnh nên tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng cách tập thể dục nhẹ nhàng, chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh. Sử dụng các loại kem bôi giúp dưỡng da, khắc phục tình trạng tổn thương da, giúp quá trình xạ trị hiệu quả hơn, giảm những tác dụng phụ của xạ trị.
Ung thư phổi cần được điều trị sớm và đúng cách.
2.3 Hóa trị
Hóa trị là phương pháp điều trị phổ biến trong các bệnh ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng. Đây là phương pháp điều trị ung thư toàn thân, do đó nó không chỉ tác động đến các tế bào ung thư mà còn ảnh hưởng đến những tế bào bình thường khác trong toàn bộ cơ thể.
Hóa trị có thể được sử dụng như biện pháp đầu tiên cho điều trị ung thư phổi hoặc điều trị bổ sung sau khi phẫu thuật. Trong một số trường hợp, hóa trị có thể được sử dụng để làm giảm triệu chứng của bệnh ung thư.
Hóa trị giúp tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn chặn di căn ung thư. Ngoài ra, hóa trị cũng được sử dụng kết hợp với một vài liệu pháp khác như phẫu thuật hoặc xạ trị điều trị ung thư phổi giai đoạn 4 để làm giảm kích thước khối u, tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể.
Phương pháp này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như: Thiếu máu, buồn nôn, nôn ói, cơ thể suy kiệt, thiếu chất, suy giảm miễn dịch, rụng tóc, giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng,...
2.4. Điều trị đích
Đây là phương pháp mới, điều trị đích là nhắm vào một mục tiêu cụ thể ở các tế bào ung thư. Bệnh ung thư phổi có thể liên quan tới các đột biến gen (được xác định thông qua các xét nghiệm sinh học phân tử). Từ đó, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị nhắm trúng đích để tiêu diệt các tế bào ung thư nhưng ít gây ảnh hưởng tới tế bào lành, ít gây tác dụng phụ. Phương pháp này giúp cải thiện thời gian sống và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
- Bevacizumab (Avastin): Bevacizumab ức chế tăng sinh mạch máu làm dừng phát triển khối u từ việc dừng nguồn cung cấp máu. Mạch máu kết nối với các khối u có thể cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đến khối u, cho phép nó phát triển. Bevacizumab thường được sử dụng kết hợp với hóa trị liệu và được chỉ định khi ung thư phổi muộn và tái phát không phải tế bào nhỏ. Bevacizumab có nguy cơ gây chảy máu, rối loạn đông máu và tăng huyết áp.
- Erlotinib (Tarceva): Erlotinib tác động đến tế bào ung thư phát triển và phân chia. Erlotinib được dùng cho những bệnh nhân ung thư mới và tái phát ung thư phổi không phải tế bào nhỏ mà hóa trị không kết quả. Tác dụng phụ bao gồm phát ban trên da và tiêu chảy.
2.5 Điều trị miễn dịch ung thư phổi
Điều trị miễn dịch giúp tạo miễn dịch chủ động cho cơ thể, có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư nhờ việc phát hiện ra các điểm kiểm soát tế bào ung thư. Tuy nhiên, giá các loại thuốc này thường rất cao.
Các thuốc miễn dịch hiện đang được sử dụng trong điều trị ung thư phổi là: Nivolumab, pembrolizumab, atezolimumab, durvalumab... Hầu hết các tác dụng không mong muốn của liệu pháp miễn dịch xảy ra trong 12 tuần sau khi sử dụng thuốc.
Các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch sẽ kích hoạt một phản ứng có thể dẫn đến đỏ, sưng hoặc đau (viêm) ở bất cứ đâu trong cơ thể.
Nhiều tác dụng phụ sẽ biến mất khi kết thúc điều trị miễn dịch, nhưng một số tác dụng phụ có thể kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm sau đó.
Các tác dụng phụ sẽ phụ thuộc vào thuốc và phản ứng của cơ thể. Nếu gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng, cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.
3. Chăm sóc giảm nhẹ
Với một số bệnh nhân khi các phương pháp điều trị trên có rất ít cơ hội chữa khỏi bệnh, có thể tránh điều trị và lựa chọn phương pháp chăm sóc giảm nhẹ thay thế. Nếu được chăm sóc hỗ trợ, có thể điều trị triệu chứng để làm cho bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn. Hỗ trợ chăm sóc cho phép tận dụng tối đa tuần hoặc tháng cuối cùng mà không có tác dụng phụ tiêu cực có thể tác động đến chất lượng sống.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Nấm hương tốt cho người mỡ máu và tăng huyết áp.